Đà Nẵng cuối tuần

Văn khắc Chămpa

15:50, 08/12/2012 (GMT+7)

Trước đây hay nói “văn bia” hay “bi ký”, nay các nhà nghiên cứu dùng chữ “văn khắc”, chỉ chung các văn bản khắc trên đá, gỗ, kim loại, đất nung. Văn khắc là nguồn cứ liệu hết sức quan trọng để tìm hiểu về đất nước Chămpa cổ xưa trong thời kỳ cách đây trên dưới 1.000 năm. Phần lớn văn khắc Chămpa còn lại đến ngày nay là trên các tấm bia đá hoặc trụ đá ở các đền tháp. Một số ít ở các vách đá tự nhiên, hoặc trên các trang trí kiến trúc và vật dụng bằng kim loại.

Bia Đông Dương
Bia Đông Dương

Năm 1923, George Coedes đã thống kê được 170 văn bia Chămpa, trong đó 72 văn bia tìm thấy ở Quảng Nam, 25 ở Ninh Thuận, 18 ở Bình Định và 17 ở Khánh Hòa. Cho đến nay số lượng văn bia Chămpa được phát hiện lến đến hơn 200.

Văn khắc Chămpa được thể hiện bằng chữ Phạn (Sanskrit), một loại chữ cổ phát sinh từ Ấn Độ và chữ Chăm cổ, tương tự như chữ Phạn. Việc khắc bia thường gắn liền với xây dựng đền tháp, nội dung chủ yếu là những lời ngợi ca thần linh và các vị vua, ghi các vật phẩm dâng cúng và cuối cùng thường là lời ban tặng công đức cho những ai giữ gìn, hoặc răn đe những ai phá hủy, đối với các đền tháp, lễ vật.

Văn bia Chămpa cung cấp cho chúng ta những thông tin về niên đại, về vương triều và địa danh Chămpa đồng thời phản ánh phần nào đời sống xã hội, tín ngưỡng đương thời, mà về độ tin cậy, không một tài liệu nào có thể vượt qua được. Rải rác ở các văn bia có nhắc đến các cuộc xung đột giữa các vùng của Chămpa và với các nước lân cận, là những thông tin quý báu để tái hiện bức tranh lịch sử, văn hóa các quốc gia khu vực bán đảo Đông Dương trong thiên niên kỷ đầu sau công nguyên.

Chỉ có điều văn bia Chămpa  chủ yếu gắn với việc phụng sự thần linh, phong cách ngôn ngữ cô đọng, nhiều điển tích, ẩn dụ, thậm xưng, lại bị mòn vỡ nhiều chỗ; do vậy công việc nghiên cứu, chắt lọc những thông tin gặp nhiều khó khăn. Có những kiến giải lâu nay quen dùng trong các tài liệu phổ thông về lịch sử văn hóa Chămpa như việc phân chia các vùng địa lý Chămpa gồm Indrapura (Bắc đèo Hải Vân), Amaravti (Quảng Nam), Vijaya (Bình Định), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận); hoặc phân chia thành bộ tộc Cau và bộ tộc Dừa ở hai miền nam, bắc Chămpa đều căn cứ trên các thông tin rời rạc, ít ỏi trên văn bia. Thật ra đó chỉ là những giả thuyết và suy luận của một số nhà nghiên cứu, cần tiếp tục khảo đính. (1)

 Bia Mỹ Sơn
Bia Mỹ Sơn

Sau đây xin giới thiệu minh họa một số đoạn của văn bia phát hiện tại di tích Đồng Dương (Thăng Bình, Quảng Nam), mở đầu bằng lời xưng tụng Bồ tát Laksmindra.(2)

Kính lạy Bồ tát Laksmindra
(…)
- Chư thần ở cõi trời, với tuệ giác của thiên giới, quy phục dưới chân Ngài để an trú trong sự giải thoát, cũng như vậy, các vị vua và chư thần cõi thế gian thảy đều cúi lạy dưới chân Bhadreśvara để hưởng quả phúc.

- Tất cả các vị thần cao quý, tận tâm với công việc, đã đạt tới cõi giới tuyệt mỹ, không có gì so sánh nổi và khó đạt được…. có hậu duệ và rồi trở lại ngay với cõi giới của mình. Śambhu biết điều này và cả cười nói với Uroja vĩ đại.

- “Tất cả chư thần, với tâm từ bi, đã có được hậu duệ”. Sau khi nói lại điều đó, Śambhu , với nụ cười thể hiện trên khuôn mặt và đôi mắt, đã phái Uroja (với những lời như sau) “ Này Uroja hạnh vận và xứng đáng hưởng phúc, danh thơm của ngươi đã lan truyền; hãy đến cõi thế gian và cai quản vương quốc nơi cát bụi dưới chân vị chúa tể của ngươi là Śambhubhadreśvara”

- Uroja nhận lấy vương quốc và phụng dựng ở thế gian chiếc linga này, là công trình của Īśa bất khả khống chế và xứng đáng để đặt lên đầu tất cả các vị vua. Và chính Uroja đã tuyên xưng vinh quang này “Linga tối thượng này hãy chiếu sáng cả ba cõi giới để đem điều tốt đến thế gian”.

- Linga của Adhīśa, là phương tiện giải thoát mà mọi người đều biết đến, được Īśa giao cho Bhrgu, rồi đến lượt Uroja nhận lại từ Bhrgu. Từ đó, dẫn đường cho thế gian. Cầu cho linga này, được dựng ở Champa bởi uy quyền của Người và là nguồn gốc của mọi điều tốt lành, sẽ ban tặng lợi lạc cho ta nhờ công đức của các bậc thiện tâm.(…)

- Tạo dựng Lokeśvara tối cao và lừng danh này, thị hiện từ cõi chư Phật, ta nguyện hồi hướng cho sự giải thoát của thế gian.

-“Vị thần nào bản tâm từ bi và trí tuệ luôn tỉnh thức cứu vớt chúng sinh? Lokeśa chứa đầy tâm từ bi và kiên nhẫn vô song.” Đức vua, lòng thiết tha học Đạo Pháp, tâm nghĩ như thế, và bằng sự tinh xảo truy cầu chân lý tối thượng, người đã tạo dựng Lokeśa này bằng chính tay mình

- Con người, chìm đắm trong đau khổ, và những kẻ chốn địa ngục, ngày đêm trông ngóng Người; như những người trong cơn khát dưới nắng mùa hè thiêu đốt mong chờ nguồn nước mát, họ cũng vậy, trĩu nặng buồn khổ, cầu mong được nhìn thấy Người.

-  Xin cầu nguyện đức vua, với trí tuệ siêu phàm được thanh lọc qua những lần tái sinh, ủng hộ bởi những người cao quý, sẽ bảo vệ Người để cai quản toàn thể xứ sở Champa thân yêu. Và cầu nguyện Đấng thần linh của vương quyền cũng bảo hộ đức vua mãi mãi.

- Xin cầu nguyện, chừng nào mà Indra còn bảo vệ cõi trời, thuận theo Đạo Pháp và công đức cúng dường, chừng nào mà đại dương sâu thẳm còn nhận nguồn nước từ các dòng sông, chừng nào mà trên bầu trời đầy tinh tú vẫn còn Mặt trời và Mặt trăng, thì ngày ấy đức vua đầy vận hạnh và thành kính vẫn còn quy phục trong phẩm giá của Phật…

VÕ VĂN THẮNG


(1) Ngày 12-12-2012, tập sách “ Văn khắc Chămpa  tại  Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng “ sẽ được giới thiệu ra mắt tại Bảo tàng. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập văn khắc cùa Bảo tàng Chăm Đà Nẵng được nghiên cứu và dịch ra tiếng Việt.

(2) Pho tượng mang tên “Bồ tát Tara” vừa được công nhận là bảo vật quốc gia đang bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nhiều khả năng chính là vị bồ tát này.

.