Đà Nẵng cuối tuần

“Sứ giả” của giao thương quốc tế

08:40, 08/12/2012 (GMT+7)

Độ dài của giao thương quốc tế quyết định đến độ “thẩm thấu” của hàng hóa: cùng là cổ vật, nhưng đồ Pháp, Nhật chỉ thấy trong giới nhà giàu, chưa bao giờ thấy trong dân. Còn đồ Tàu thì qua hàng nghìn năm bị phương Bắc đô hộ, ngay cả dân thường cũng có thể sở hữu một vài món.

NST Dương Thái Bình và chiếc ché vẽ Vạn Lý Trường Thành.
NST Dương Thái Bình và chiếc ché vẽ Vạn Lý Trường Thành.

Nhật, Pháp, Tàu chung... một nhà

20 năm trước nhà sưu tập (NST) Dương Thái Bình, một lần nghe thông tin trên Đại Lộc có người dân trong lúc đào đất làm vườn đã phát hiện đồ cổ. Ông chạy lên, thấy có một hũ tiền đồng và mấy món đồ sành sứ, trong đó có cặp đĩa rất đẹp, hoa văn, họa tiết chưa từng thấy bao giờ. Ông mua về, tra cứu sách báo, tài liệu, hỏi những người đi trước mới biết cặp đĩa đó là đồ sứ Imari của Nhật, chuyên dùng để bày biện thức ăn trong nghệ thuật ẩm thực của đất nước Mặt trời mọc. Một trong những đặc trưng để nhận dạng đĩa sứ Nhật, ông “bật mí”, đó là dấu “3 con kê” (những mảnh gốm kê cho đĩa thô hở ra khi đưa vào lò nung) xếp thành hình tam giác đều phía đáy đĩa.

Gần 40 năm chơi đồ cổ, ông Bình mê nhất là màu vẽ của đồ sứ Nhật, chúng có nước men đặc trưng khác với các nước khác, chỉ biết bằng cảm quan, chứ khó có thể mô tả cụ thể được. Ví như dòng sứ Satsuma, thường có nét vẽ đậm, chủ yếu là màu đỏ san hô trên nền vàng kem, (satsuma nghĩa là gốm màu kem). Nếu có 3 màu gọi là tam thái; 5 màu thì gọi là ngũ sắc. Các nhân vật được vẽ, từ cách ăn mặc đến đầu tóc, gương mặt, đặc biệt là mắt xếch một mí rất… Nhật, không nhầm vào đâu được. Trong triển lãm “Cổ vật của người Đà Nẵng” tại Bảo tàng Đà Nẵng vừa qua, nhiều người đã trầm trồ trước các cổ vật trong bộ sưu tập đồ sứ dòng Satsuma của ông như Đỉnh có nắp sứ, Bình có nắp, Độc bình, Đôn...

Trong ngôi nhà trên đường Phan Châu Trinh, ông dành hẳn hơn một gian để trưng bày đồ cổ. Bên cạnh đồ sứ Nhật, đồ Tàu nhiều sắc màu, kiểu dáng mang đậm phong cách Á Đông, có những cổ vật bằng đồng có xuất xứ từ nước Pháp, như  tượng toàn thân Cô gái đi săn, Người săn nai... những chiếc đồng hồ, đèn dầu, đèn treo tường... Trong đó, độc nhất có một cổ vật phát ánh sáng, đó là chiếc đèn để bàn hình cây nấm, có chữ ký Gallé bên dưới những bông hoa được vẽ tỉ mẩn. Ông bảo, đây là chiếc đèn thủy tinh Gallé đã bị làm giả, tuy vậy, giá cũng phải 15 triệu đồng; nếu hàng thiệt thì phải trăm triệu. Đây là thương hiệu đèn nổi tiếng thế giới, không chỉ có công dụng chiếu sáng, mà còn là tác phẩm điêu khắc ánh sáng, nó nổi bật như viên ngọc lấp lánh trong không gian, thu hút sự chú ý ngay cả khi không bật sáng.

Để có những cổ vật mang phong cách Tây phương này, ông đã phải lặn lội vô tới miền Tây Nam Bộ, nơi từng là “bản doanh” của những viên quan lớn, các nhà buôn người Pháp.

Độc bình của dòng sứ Satsuma (Nhật) và đồng hồ phong cách Tây Âu (phải) của Pháp.
Độc bình của dòng sứ Satsuma (Nhật) và đồng hồ phong cách Tây Âu (phải) của Pháp.

Chuyện phía sau cổ vật

Gần 2/3 quãng đời hiện nay theo “nghiệp” đồ cổ, ông Bình là một trong những cây đa cây đề trong làng chơi cũng lắm công phu này. Về giá trị cổ vật, theo ông, có 3 tiêu chí bất thành văn: hiếm, “tuổi” cao và là đồ dùng của vua chúa. Đạt một đã được xếp vào chiếu trên, đạt cả 3 thì thành tiên chỉ của làng. Về đồ sứ Nhật, cả nước thì chưa dám nói, chứ miền Trung-Tây Nguyên thì có lẽ ông “ăn đứt” về cái sự độc, lạ, hiếm của nó. Một anh bạn nghe kể về bộ sưu tập thuộc loại “dữ dằn” của ông, sực nhớ đến một cổ vật khác cũng liên quan đến người Nhật, hiện do Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn quản lý.

Đó là bia “Phổ Đà Sơn linh trung Phật”, lập năm 1640, được cho là cổ nhất Đà Nẵng, hiện đặt ở động Hoa Nghiêm, ngọn Thủy Sơn. Văn bia ghi tên 16 người Nhật, trong đó có 5 gia đình Nhật - Việt ở Hội An và các thương nhân Nhật sinh sống tại Hội An đã từng có công đóng góp xây dựng các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn.

Gần nửa thế kỷ trước đó, thuyền Châu ấn (Shuinsen, thuyền có giấy phép đóng dấu đỏ) của dòng họ thương nhân Chaya đã rời cảng Nagasaki (Nhật) đến thương cảng Hội An buôn bán. Cuộc giao thương quốc tế này đã khởi đầu cho mậu dịch giữa Nhật và Đàng Trong diễn ra thuận buồm xuôi gió một thời gian sau đó. Mãi đến những năm 40 của thế kỷ XX, người Nhật quay lại Việt Nam, làm cuộc đảo chính và thay người Pháp cai trị Việt Nam cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra.

Diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội trong bang giao, thông thương với người Nhật đã được các sử gia ghi lại. Ngoài chính sử, những NST như ông Bình đã góp phần minh chứng sinh động lịch sử bằng những câu chuyện hấp dẫn, đầy thuyết phục qua “cuộc đời” của từng cổ vật.

Năm 1986, bộ phim Người tình (tiếng Pháp: L’Amant) được khởi quay tại Việt Nam, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng Marguerite Duras (1914-1996), kể về một chuyện tình giữa một thiếu nữ trẻ tuổi người Pháp và một người Hoa giàu có, như chuyện tình của tác giả với một đại điền chủ lương thiện tại Sa Đéc. Phim bắt đầu từ cuộc gặp gỡ bất ngờ của họ trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc, nhiều cảnh trong phim có ngôi nhà cổ phong cách kiến trúc kết hợp Đông - Tây ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ (“thủ phủ” của miền Tây Nam Bộ).

Giờ đây, ngắm nhìn những cổ vật gốc Pháp trong bộ sưu tập của ông Bình, chạnh nghĩ, có khi chúng đã từng được bày biện trong ngôi nhà đã đi vào bộ phim nổi tiếng đó?

Thực tế cho thấy, độ dài của giao thương quốc tế quyết định đến độ “thẩm thấu” của hàng hóa: cùng là cổ vật, nhưng đồ Pháp, Nhật chỉ thấy trong giới nhà giàu, chưa bao giờ thấy trong dân. Còn đồ Tàu thì qua hàng nghìn năm bị phương Bắc đô hộ, ngay cả dân thường cũng có thể sở hữu một vài món. Ông Bình có đến hàng trăm cổ vật Tàu, quý nhất là cặp ché tư (cao 40cm): một chiếc vẽ Vạn Lý Trường Thành, chiếc kia vẽ 4 món quý (tứ bửu) trong 8 món quý (bát bửu) của tiên, theo truyền thuyết Trung Hoa.

Cổ vật ngoài giá trị và giá trị sử dụng còn mang trong mình sứ mạng giao lưu, kết nối kinh tế, văn minh Đông - Tây. Nhờ cổ vật, cụ thể là gốm sứ chúng ta có thể lần theo dấu vết giao lưu buôn bán thời xa xưa giữa nước ta với các nước Đông Nam Á, Tây Á đến tận Tây phương mà người ta gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”. Như vậy rõ ràng cổ vật là sứ giả, là chứng nhân lịch sử trong quan hệ bang giao, thông thương giữa các quốc gia, dân tộc.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai

VĂN THÀNH LÊ

.