Đà Nẵng cuối tuần

Ra sách ở tuổi 60

23:23, 02/12/2012 (GMT+7)

Giờ ngẫm lại đời mình, ông Trần Ngọc Dung vẫn cảm thấy lạ lùng vì cái cơ duyên bỗng dưng đưa đẩy ông trở thành nhà văn vào tuổi “nhi nhĩ thuận”.

Trên bàn, những bó hoa chúc mừng ngày 20-11 vẫn còn tươi sắc. Tôi chưa đoán ra xem ai trong nhà này được tặng hoa thì ông bước ra với nụ cười rất hiền, siết nhẹ bàn tay tôi. Theo sau là người bạn đời của ông, bà Phạm Thị Minh Lý. Trong suốt cuộc trò chuyện với ông sáng hôm ấy, ngoài vài câu hỏi tôi ghi trực tiếp trên giấy, còn lại đều do bà “phiên dịch” từ ý của tôi.

Ông Trần Ngọc Dung sẽ không ra được sách nếu không có sự trợ giúp của người bạn đời.
Ông Trần Ngọc Dung sẽ không ra được sách nếu không có sự trợ giúp của người bạn đời.

Thầy Việt dạy trò Lào

16 tuổi, chàng trai người xã Bình An, huyện Thăng Bình ngày ấy là ông đã bắt đầu đi dạy học. 7 năm sau, ông tham gia tình nguyện quân ở Hạ Lào; đây là quãng thời gian làm nên bước ngoặt trong cuộc đời ông. Qua giao tiếp hằng ngày, ông học tiếng Lào, rồi chữ Lào, làm quen với các phong tục, tập quán của các bộ tộc Lào. 8 năm sống trên đất nước bạn vào cái tuổi sôi nổi, nhiệt tình nhất của đời mình, ông nhận ra rằng những kỷ niệm buồn vui một thuở về nơi đó, xứ sở hoa Chămpa, đã chiếm một phần đáng kể trong ký ức của ông.

Cơ duyên đưa đẩy, sau đó ông gặp lại những người bạn trẻ Lào khi họ sang học ở Trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương (Trường nội trú học sinh Lào) tại Thái Nguyên, rồi Bắc Giang. Đó là khi ông bước qua tuổi “tam thập nhi lập”, về nước làm giáo viên, rồi làm hiệu trưởng ngôi trường có hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, con em cán bộ được nước bạn gửi sang học tập.

Bà Minh Lý người Hà Tĩnh, giáo viên của trường, ban đầu trao đổi với ông về những vấn đề quốc tế với Lào, dần dà hai người mến phục nhau và quyết định đi cùng nhau suốt cuộc đời . Năm 1977, vợ chồng ông cùng 4 người con về Đà Nẵng, ông làm chủ nhiệm Khoa Văn Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng và bà lại tiếp tục làm “lính” của ông. 3 năm sau, ông chuyển sang làm Trưởng đoàn 980 Quảng Nam-Đà Nẵng (đoàn chuyên gia giúp cơ quan Ban Đại diện Lào tại Đà Nẵng) thì bà vẫn là trợ thủ đắc lực của ông trong những vấn đề liên quan đến quan hệ quốc tế.

Lúc công tác ở Đoàn 980, ông nhiều lần quay lại Lào. Sau khi hưu trí, ông còn sang đó hai lần cùng với bà, một lần do Bộ Giáo dục Việt Nam tổ chức, một lần theo lời mời của các cựu học sinh Lào. Học trò ông bà nhiều người là cán bộ Trung ương của Lào, có người là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Cuộc gặp gỡ giữa thầy trò tuy tâm thế có khác xưa, nhưng trò vẫn quý trọng thầy như hồi cắp sách đến trường.

Quay lại chốn xưa, lòng ông nao nao như người xa quê quay về cố quận. Những kỷ niệm một thời trai trẻ trên đất nước của điệu múa Lăm vông, của hoa Chămpa trải ra trong tâm hồn ông những lát cắt êm đềm, để rồi cái “chất văn” trong ông sắp xếp lại như một cuốn phim của chuỗi hồi quang ký ức. Tất cả đã thôi thúc ông phải làm một điều gì đấy…

Một số sách dịch của ông Trần Ngọc Dung

- Hoàng hậu Tăn Tay (truyện cổ dân gian Lào), NXB Đà Nẵng, 1987;

- Lịch sử Văn học Lào (3 tập), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1988, 2001, 2006;

- Vòm trời 3 sắc (tiểu thuyết), NXB Thanh niên Hà Nội, 2001;

- 3 anh hùng đất thép Thà Khẹc, bản photocopy, không ghi NXB, 1993;

- Tự học tiếng Lào, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998;

- Truyện cổ tích Lào, NXB Đà Nẵng, 1998;

- Cô gái trong vầng trăng (truyện thiếu nhi), ký tên Quý Nhi, NXB Đà Nẵng, 2000;

- Hội thoại Việt Lào, NXB Đà Nẵng, 2002;

- Mồ côi Gà Ngọc (truyện dân gian Lào), NXB Đà Nẵng, 2008.

Người Việt dịch sách Lào

Và ông đã làm “điều gì đấy” thật. Đó là năm 1987, đúng lúc tròn tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, ông xuất bản cuốn sách đầu tay của mình có tựa là Hoàng hậu Tăn Tay. Sách văn học Lào nhiều, nhưng sao ông lại chọn quyển truyện cổ dân gian Lào này? Ông bảo, đó là cuốn truyện ông thích nhất, nó có cách dẫn chuyện thu hút người đọc tương tự như “Nghìn lẻ một đêm” của A Rập. Cả sách có 64 câu chuyện đầy triết lý, dẫn dắt con người hướng về đường Thiện, xa rời nẻo Ác, cái đạo lý làm người mà bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng dạy khuyên thông qua những câu chuyện cổ.

Chứng minh điều mình nói, ông chỉ cho tôi xem Lời giải thích của người biên soạn Mahả Xỉla Vilávông ở đầu sách được ông dịch sang tiếng Việt: “Truyện cổ Tăn Tay là tập truyện ngụ ngôn rất hay, rất quý giá, có những ngôn từ, lời dẫn so sánh đúng đắn, áp dụng được trong mọi thời đại, thích hợp với lời nhắc nhủ mọi người, mọi tầng lớp, mọi giới tính, mọi dân tộc”.

Để ra đời cuốn sách đầu tay, mỗi tối ông dịch vài trang. Lúc đó chưa có máy vi tính nên viết xong, ông đưa cho bà chép lại, bởi chữ ông chỉ có mỗi bà đọc được. Ông xem lại bản thảo bà chép, tỉ mẩn hiệu đính những chỗ cần thiết, vì thế khi đưa sang nhà xuất bản thì gần như không phải chỉnh sửa gì nữa.

Quyển sách “tim óc” - như cách gọi của bà, ra đời, cả dịch giả và người phụ tá đều cảm thấy mình như trẻ lại. Cầm trên tay cuốn sách bìa có hai cô vũ công trong trang phục truyền thống các bộ tộc Lào, bên trong chứa những con chữ đều tăm tắp ghi lại câu chuyện mà ông và bà nắn nót chép từng đêm, cả hai thấy cay cay nơi mắt. Đó không hẳn là sách mà là tấm lòng, không chỉ là 64 câu chuyện mà nhiều hơn thế những buồn vui tâm tình họ gửi đến những người bạn Lào và những người từng sống ở nơi được mệnh danh là “đất nước Triệu Voi” này.

Bạn bè hay tin, gọi điện chúc mừng ông bà. Tổng Lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng bấy giờ, là học trò ông, cũng chúc mừng thầy. Những lời động viên chân thành đó đã là nguồn lực tinh thần giúp ông lần lượt cho ra đời các sách dịch từ tiếng Lào khác, nhiều nhất là sau năm 1998, khi ông nghỉ hưu về làm Chủ tịch Hội Khuyến học quận Thanh Khê. Ông làm sách với mong muốn học sinh hiểu biết về phong tục tập quán của xứ sở nằm sát ngay bên cạnh đất nước mình.

Đà Nẵng còn một người nữa chuyên dịch tài liệu, sách từ báo tiếng Lào là ông Trần Phác, đồng hương và đồng tộc với ông. Ông Phác từng dịch những trang nhật ký ghi bằng tiếng Lào trong di cảo của nhà văn Phan Tứ, nhưng rất tiếc, ông này đã qua đời 3 năm rồi.

Vậy là, người dịch sách Lào trên đất Đà Nẵng hiện chỉ còn mỗi mình ông. Thế nhưng, sau khi in cuốn truyện dân gian Lào Mồ côi Gà Ngọc (NXB Đà Nẵng, 2008), ông không đủ sức để ngồi chuyển ngữ từng trang sách nữa. Cái tai bị bom đạn thời chiến tranh tra tấn, giờ dù mang máy trợ thính vẫn không nghe rõ được. Tôi ghi lên giấy: Chú có mong được qua thăm Lào nữa không? Ông cười: Nhớ lắm. Nhớ Lào lắm, nhưng 85 tuổi rồi, sức nào mà đi được.

Ông không đi được, nhưng những cuốn sách “tim óc” ấy đã thay ông mang tình cảm sâu nặng đến với “đất nước Triệu Voi”, nơi đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời ông...

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

.