Đà Nẵng cuối tuần

CỬA SỔ TRI THỨC

Tứ chứng nan y

09:27, 09/09/2012 (GMT+7)

* Tôi thường nghe người ta nói “tứ chứng nan y” nhưng vẫn không biết cụ thể đó là những chứng nào, mong quý báo giải thích giùm? (Nguyễn Thị Hoa, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Về “tứ chứng nan y” hiện có nhiều cách giải thích không thống nhất.

Cách hiểu được số đông chấp nhận, nhất là các thầy thuốc đông y, là 4 bệnh khó chữa lành theo quan niệm của y học cổ, gồm: (1) Phong: tức là bệnh cùi, còn gọi là bệnh phung hay bệnh hủi; (2) Lao: ho lao, bệnh lao phổi; (3) Cổ: xơ gan cổ trướng; (4) Lại: tức là ung thư. Trong đó, có hai bệnh đã được y học ngày nay chữa lành là phong và lao.

Để minh chứng cho cách giải thích trên, người ta đã đưa ra câu nói dân gian: “Phong, lao, cổ, lại; tứ chứng nan y, thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”. Có nghĩa là 4 bệnh không chữa được, thầy thuốc “bó tay”, chỉ có chết.

Từ điển y khoa ở trang ybacsi.com giải thích: “Tứ chứng nan y: Theo quan niệm xa xưa bao gồm 4 bệnh là bệnh phong (cùi), bệnh lao, cổ trướng (xơ gan) và ung thư”. Tên 4 bệnh được nêu như thế là quá mới, không theo cách gọi của y học cổ truyền.

Trang bachkhoatrithuc.vn giải thích có khác chút: “Tứ chứng nan y (thành ngữ): Bốn bệnh được cho là nguy hiểm nhất, rất khó chữa trị mà y học trước đây dường như phải bó tay: Phong (hủi), lao, cổ (viêm gan cổ trướng), lị”. Trang này chỉ nêu “lị” mà không giải thích đó là bệnh gì.

Tra từ điển Hán Việt thì thấy: Lị 痢 (danh từ) là “bệnh lị, ruột nhiễm trùng, làm bụng quặn đau, tháo dạ đi rửa, phân có máu nếu bệnh nặng”. Nếu thế thì bệnh lị đâu phải là nan y!?

Từ điển cũng không có từ lại nào có nghĩa là bệnh ung thư như giải thích của số đông nói trên. Đáng chú ý là có từ lại 癩 cũng viết là 厲 (danh từ) nghĩa là bệnh hủi. Sách Sử ký, ở phần Dự Nhượng truyện có câu: “Dự Nhượng hựu tất thân vi lại, thôn thán vi ách, sử hình trạng bất khả tri” (豫讓又漆身為厲, 吞炭為啞, 使形狀不可知), nghĩa là Dự Nhượng lại bôi sơn vào mình làm như người bệnh hủi, nuốt than cho mất tiếng, để khỏi ai nhận ra hình tích của mình.

Trong tứ chứng phong, lao, cổ, lại thì phong (theo cách giải thích nói trên) có nghĩa là bệnh hủi rồi, giờ thêm lại cũng có nghĩa là hủi nữa. Vô lẽ người xưa liệt kê tứ chứng mà thực tế chỉ có tam chứng thôi sao? Không thể thế được.

Thắc mắc này đã được “giải mã” ở chú thích của tác giả Nguyễn Cẩm Xuyên trong bài viết “Lá trúc che nghiêng mặt chữ điền” đăng trên Kiến thức Ngày nay số 691 ngày 20-10-2009, tít đề bài viết là một câu thơ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử được đăng trong tập Thơ điên của ông. Chú thích thứ 5 bên dưới bài viết như sau:

“Ở đây xin không dùng chữ “phong” như nhiều tài liệu (kể cả sách giáo khoa) [tác giả bài viết muốn nói đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng phong là bệnh phung – ĐNCT] bởi vì: “Phong” 瘋 chữ Hán có nghĩa là bệnh điên; “lại” mới là bệnh phung (cùi). Theo Đông y xưa: “Phong, lao, cổ, lại: tứ chứng nan y” nghĩa là có 4 chứng nan y là điên, lao, cổ trướng, và phung (cùi)”.

Theo chúng tôi, đây là cách giải thích khả tín. Bởi từ điển không có từ phong nào có nghĩa là bệnh cùi cả; có phong 風 (còn đọc là phúng, danh từ) là bệnh phong, nhưng là “bệnh phong thấp 風溼 bệnh nhức mỏi (đau khớp xương khi khí trời ẩm thấp), phong hàn 風寒 bệnh cảm lạnh, cảm mạo”.

Tóm lại, tứ chứng nan y phong, lao, cổ, lại có nghĩa là điên, lao, cổ trướng, và phung (cùi).

ĐNCT

.