.

Gừng cay

So với nhiều bạn bè, tôi ít có dịp đi đây đó. Tính tôi vốn lười, ngại xê dịch, vả lại không mấy khi có cơ hội. Tuy vậy, nói cho công bằng, tôi cũng đã may mắn được sống ở châu Âu vài năm, thỉnh thoảng lại có một chuyến viếng thăm các nước láng giềng. Vốn tò mò - cứ tạm gọi chịu khó quan sát, để ý học hỏi cho sang - tôi hay để mắt tới những cái người khác không quan tâm.

Ví như vừa rồi sang Bangkok, giữa tôi và những người bạn đi cùng có thể có những cảm nhận khác nhau. Các bạn của tôi trầm trồ trước những tòa cao ốc, với xa lộ trên không. Phải nói tất cả những cái đó đập vào mắt một cách rất ấn tượng và không dễ một sớm một chiều có thể xây dựng được. Tôi thì thấy trong nhà hàng có cả hàng ngàn khách đang dùng bữa mà không một mảnh giấy lau, một mẩu xương thịt nào rơi vãi xuống sàn nhà! Lại trộm nghĩ xây dựng một tòa cao ốc, một hệ thống giao thông khó lắm lắm, đầu tiên là phải có tiền. Nhưng còn một nếp ăn, một nếp sống văn minh nơi công cộng chẳng cần một xu nhỏ mà không biết đến tận bao giờ mới trở thành hiện thực!

Nhân nói chuyện ăn thì có thể nhận xét là thức ăn Thái nói chung cay hơn thức ăn Việt, do sử dụng nhiều ớt. Cùng với tiêu, hành, tỏi, quế, gừng - ớt là loại gia vị khá phổ biến. Gia vị là cái cho thêm vào, nhưng nhất quyết không thể thiếu để làm nên hương vị món ăn. Vấn đề là liều lượng sử dụng như thế nào. Chính cái lượng nhiều hay ít này góp một cái nhìn về các nền ẩm thực trên thế giới. Trong một nước, như Việt Nam ta chẳng hạn, cũng có những khác biệt nhất định. Người Huế ăn cay, người Trung thích mặn, người Sài Gòn thiên về ngọt, còn Hà Nội thì mọi thứ gia vị đều có vẻ như hương hoa mà thôi. Có thể nói một cách tóm tắt là không có nền ẩm thực nào trên thế giới không sử dụng gia vị khi nấu ăn.

Tuy nhiên, như món ăn của Thái đã nói ở trên, hay ẩm thực Ấn Độ chẳng hạn, nổi tiếng sử dụng nhiều gia vị thì cũng không có ở đâu biết sử dụng độc nhất một thứ gia vị gừng để làm nên một món ăn, ngoại trừ ẩm thực Việt, đấy là món mứt gừng. Và còn hơn thế, ngày Tết có thể thiếu mứt này mứt kia, chứ nhất quyết không thể thiếu mứt gừng, nhất là trên bàn thờ ông bà. Và như thế, một cách nào đó, món mứt gừng rất có thể đã cùng một số món ăn truyền thống khác gắn bó lâu đời và sâu nặng với người Việt. Cũng phải thôi, “Gừng cay chín tháng còn cay...” mà...

HOÀNG

;
.
.
.
.
.