.

Cám cảnh chung chạ

.
Tìm không được những phòng trọ có vệ sinh khép kín, nhiều SV đành ngậm ngùi chấp nhận ở những xóm trọ dùng chung nhà vệ sinh, nhà tắm, vòi nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Một trong những khu vực có nhiều xóm trọ tiêu biểu cho cái gọi là “dùng chung” này tập trung ở khu vực đường Phạm Như Xương, gần Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Chen nhau giặt rửa vào lúc cao điểm. (Ảnh chụp tại xóm trọ 61 đường Phạm Như Xương).
 
Thức khuya, dậy sớm… đi vệ sinh    
 
Một xóm trọ có hơn 20 phòng, tức là trên dưới 40 SV trọ học, nhưng chỉ có hai phòng tắm và hai nhà vệ sinh. Thành thử,  SV ở trong xóm trọ này phải dậy sớm “xí” chỗ riêng cho mình để  khỏi phải “xếp hàng”, hoặc phải chọn cách “đi” khuya.

Đông người dùng, nhưng không phải phòng vệ sinh, phòng tắm nào cũng an toàn và kín đáo. Có phòng không mái, cửa hư hỏng rơi mất bản lề, hoặc không có chốt. Văn Tịnh, khoa CNTT, ĐH Bách khoa (ĐHBK) kể: “Phòng vệ sinh chỗ mình có lẽ là tồi tàn nhất, kêu mãi chủ trọ mới lấy tấm tôn nát làm trần, hai bản lề thì bay mất một, đã thế còn không có khóa chốt gì, mỗi lần đi vệ sinh là tụi mình lấy tạm chiếc đũa tre dắt vào”.
Dãy trọ của Hoàng Vân Anh, Khoa Văn, ĐHSP cũng dùng chung công trình phụ, nhưng khổ hơn là trai gái lẫn lộn chứ không phân khu nam, nữ. Vân Anh thở dài: “Lúc xách xô đi tắm, thấy có bạn trai ra tắm trước ở phòng sát bên là mình phải… rút”.

Ở những nơi này, SV còn kêu trời vì thiếu nước sạch. Như xóm trọ của Nguyễn Thị Trang, lớp Thể chất, ĐHSP, cứ vào những giờ cao điểm là cả xóm sắp xô từng hàng đợi hứng nước. Trang cho biết: “Hơn 30 người nhưng chỉ có 3 cái vòi nước, mà hai vòi kia xả thì vòi còn lại không rỏ lấy một giọt. Tụi mình phải trữ nước trong phòng thường xuyên mới có dùng”. Trường hợp của Nguyễn Duy Ngân và Lê Phương Lam, ĐHBK nan giải hơn khi nhà chủ chỉ cho SV dùng nước giếng, không có bể lọc nên chịu phèn quanh năm. Cả hai tếu táo: “Ở đây tụi mình không dám diện áo trắng đâu, mấy lần giặt là có “áo mới” màu vàng liền hà”.

Ô nhiễm vây quanh

Mô tả ảnh.
Đằng sau khu vệ sinh tập thể.
“Cây ăn chung thì không cần rào” nên nhiều xóm trọ dù lập bảng phân công lịch dọn nhà vệ sinh, nhà tắm trông rất hoành tráng, nhưng dường như chẳng có ai tuân thủ. Mỗi ngày không biết bao nhiêu lượt người sử dụng, và cứ thế giấy mềm, ni-lông, rác bì bõm theo nước. Trần Hữu Nam, lớp Cơ khí Giao thông, ĐHBK nhăn mặt: “Bạn mình ở xóm trọ dùng nhà vệ sinh chung, mình đi một lần giờ cạch tới già. Phòng vệ sinh gì không lát gạch men, bé bằng cái lỗ mũi lại còn nồng nặc mùi xú uế, đi xong phải “để đấy”, ra tuốt ngoài kia mới có cái gàu múc nước xách vào dội. Không hiểu sao như thế mà ở được”.

Kinh hoàng hơn là những bể nước sát nhà vệ sinh rong rêu “um tùm”, kể cả ca múc nước cũng... ngả sang màu rêu, đáy bể lợn cợn rác, cát sỏi. Những giếng nước cạn trơ đáy lại được nhiều xóm trọ dùng làm “hố rác”.

Vào những lúc cao điểm, cả chục người bưng quần áo, soong nồi, thức ăn ra vòi nước hoặc giếng để giặt, rửa. Bên này bọt xà phòng bay tung tóe, bên kia dầu mỡ đổ tràn lan, ấy là chưa kể những đôi chân vừa đi đá banh về lấm đầy bùn đất vẫy vùng dưới vòi nước. Và đa số, những dòng nước thải này ăn mòn một khoảng đất lớn tạo thành hồ nước đọng. Hoàng Thu Kiều, SV ngành Du lịch, Trường CĐ Đức Trí ngao ngán: “Đằng sau nhà vệ sinh, nhà tắm của dãy trọ mình là một hố nước thải, hôi thối và nhiều muỗi  lắm”.

Trong hàng trăm nỗi khổ của người ở trọ nói chung, SV nói riêng thì đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?

Trần Hiền
;
.
.
.
.
.