* Tôi hộ khẩu thường trú ở Quảng Nam, khi ra đăng ký tạm trú ở Đà Nẵng, người ta gọi tôi thuộc diện KT3. Xin cho biết có mấy loại KT như thế và mỗi loại có ý nghĩa như thế nào? (Trần Ngọc Tâm, Hải Châu, Đà Nẵng).
- Có 4 loại giấy tờ liên quan đến vấn đề hộ khẩu thường trú và tạm trú.
KT1 là cái sổ hộ khẩu thường trú của công dân.
KT2 là tạm trú dài hạn trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công dân có hộ khẩu thường trú ở quận Cẩm Lệ, nhưng hiện sinh sống ở quận Liên Chiểu (cùng nằm trong địa bàn thành phố Đà Nẵng), khi đăng ký tạm trú dài hạn ở Liên Chiểu thì giấy đăng ký này chính là KT2.
KT3 là tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi mình đăng ký thường trú. Công dân có hộ khẩu thường trú ở Quảng Nam, nhưng hiện sinh sống ở Đà Nẵng, khi đăng ký tạm trú dài hạn tại Đà Nẵng thì giấy đăng ký này chính là KT3.
KT4 là tạm trú ngắn hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi mình đăng ký thường trú. Trường hợp này tương tự như KT3, nhưng thời gian tạm trú ngắn hạn (3 tháng, 6 tháng, 1 năm…).
Gửi trứng cho ác
* Thành ngữ “Gửi trứng cho ác” nghĩa là gì? Ác ở đây có phải là kẻ ác? (Nguyễn Thị Hồng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng).
- “Gửi trứng cho ác” được Tự điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của GS. Nguyễn Lân (NXB Khoa học xã hội, 1997) giải thích: “nói sự dại dột tin vào kẻ chẳng đáng tin”.
Thành ngữ này được hình thành theo một lô-gic khá thú vị. Trong thành ngữ này, ác không phải là kẻ ác mà chính là quạ, đó là một loài chim ăn thịt sống, hễ ngửi thấy mùi xác chết ở đâu là kéo thành bầy tới kiếm chác, ăn lấy ăn để. Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ. Vì thế, nếu có “bố mẹ” nhà chim nào đó cả tin lại đem gửi trứng cho quạ trông nom thì thật là dại dột.
Mặt khác, ở thành ngữ này, từ trứng đáng chú ý, vì nó có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời. Do vậy, trứng cần phải được nâng niu giữ gìn như chính mạng sống của chim mẹ. Ngoài chim mẹ chẳng còn ai khác có thể giữ gìn nổi quả trứng “mang nặng đẻ đau” này. Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao!
Như vậy, về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ “gửi trứng cho ác” được xác lập theo một lô-gic thuận chiều: đem một thứ quý, cần phải giữ gìn để gửi cho một kẻ xấu đang rình mò và muốn chiếm đoạt chính thứ ấy. Cái lô-gic đó chúng ta cũng bắt gặp trong thành ngữ có trường nghĩa tương tự như “mang mỡ đặt trước miệng mèo”.
Thành ngữ “gửi trứng cho ác” trở thành lời phê phán những việc làm ngốc nghếch, dại dột, cả tin khi trao gửi cho kẻ xấu những thứ quý giá mà chính kẻ trông giữ kia đang khao khát chiếm đoạt lấy cho riêng mình.
Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng... gửi trứng cho ác!
Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng... gửi trứng cho ác!
ĐNCT