Hơn 20 năm chưa được công nhận liệt sĩ vì hồ sơ bị thất lạc?

.

Trong đơn gửi đến Báo Đà Nẵng, bà Lê Thị Côi cho biết, mẹ của bà là Phan Thị Hựu đã lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với cha của bà là Lê Công Bạo (Em) và nộp toàn bộ hồ sơ gốc tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà) để chuyển lên cấp trên xem xét, song do cán bộ phụ trách đã làm thất lạc nên tới nay đã 22 năm, ông Bạo (Em) vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Quá trình xin sao lục lại toàn bộ hồ sơ gốc cũng chưa được giải quyết dứt điểm.

Bà Lê Thị Côi bên chồng hồ sơ của cha ruột là ông Lê Công Bạo (Em).  Ảnh: ĐẮC MẠNH
Bà Lê Thị Côi bên chồng hồ sơ của cha ruột là ông Lê Công Bạo (Em). Ảnh: ĐẮC MẠNH

Trong đơn, bà Lê Thị Côi (SN 1948, tổ 42 phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) trình bày: ông bà nội của bà sinh được 6 người con (2 trai, 4 gái). Trong đó 2 người con trai: ông Lê Công Bạo (Anh) lớn lên tham gia du kích địa phương và hy sinh tại làng Tân Thái. Còn Lê Công Bạo (Em) - cũng tham gia du kích và hy sinh tại đồn Tân Thái. Năm 2002, mẹ bà tới UBND phường Mân Thái viết giấy khai và ghi biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ với ông Lê Công Bạo (Em), có đại diện nhiều thành phần của địa phương tham gia ký xác nhận ngày 3-9-2002. Sau đó, ông Trần Văn Non, cán bộ phụ trách mảng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phường Mân Thái thời bấy giờ đưa cho bà Hựu giữ một bộ hồ sơ photo.

“Do chờ đợi quá lâu, mẹ tôi đến UBND phường Mân Thái hỏi thông tin liệt sĩ của cha tôi, ông Trần Văn Non cho biết hồ sơ đã chuyển lên quận Sơn Trà, cố gắng chờ. Sau đó mẹ tôi bị bệnh nặng và mất năm 2021. Năm 2023, tôi mang theo các bản photo hồ sơ xác nhận liệt sĩ của cha tôi đến UBND phường Mân Thái trình bày thì người phụ trách là ông Nguyễn Văn Quý nói không nắm được, rồi hướng dẫn tôi làm đơn. Tuy nhiên tới nay tôi vẫn chưa nhận được giải pháp xử lý cụ thể”, đơn bà Côi trình bày.

Trao đổi với phóng viên về nội dung đơn này, ông Nguyễn Văn Quý, viên chức phụ trách mảng công tác xã hội, UBND phường Mân Thái cho biết, ngày 8-9-2023, UBND phường đã tổ chức tiếp công dân Lê Thị Côi và yêu cầu bà Côi cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến việc đề nghị công nhận liệt sĩ Lê Công Bạo (Em). Tuy nhiên, qua trao đổi bà Lê Thị Côi chỉ cung cấp toàn bộ bản photo hồ sơ trước đây nên không đủ điều kiện để lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Lê Công Bạo (Em). Phường phối hợp Phòng LĐ, TB&XH quận để lục hồ sơ tại kho lưu trữ nhưng chưa tìm thấy hồ sơ của ông Lê Công Bạo (Em).

Cùng liên quan tới đơn thư này của bà Côi, ngày 28-6-2023, Sở LĐ,TB&XH thành phố Đà Nẵng có văn bản số 1776/SLĐTBXH-NCC trả lời đơn thư của bà Lê Thị Côi về việc sao lục hồ sơ gốc đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Lê Công Bạo (Em), nguyên quán tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Sở LĐ,TB&XH thông tin, qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ, sở đang quản lý một hồ sơ liệt sĩ Lê Công Bạo (Anh), hy sinh ngày 20-4-1946 do ông Nguyễn Hữu Duyên là cháu của liệt sĩ thờ cúng tại phường Mân Thái và không có hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Lê Công Bạo (Em), nguyên quán tại phường Mân Thái như thông tin bà cung cấp.

Vẫn theo Sở LĐ, TB&XH, hiện nay, việc đề nghị công nhận liệt sĩ đối với người hy sinh trong chiến tranh thực hiện theo quy định tại Điều 71, Điều 72, Mục 12, Chương II, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. “Nếu trường hợp ông Lê Công Bạo (Em) có một trong các căn cứ lập hồ sơ công nhận liệt sĩ theo Điều 72, đề nghị bà liên hệ cán bộ phụ trách công tác người có công tại địa phương để được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục theo quy định”, công văn Sở LĐ,TB&XH thành phố nêu.

Bà Côi sau đó có đơn gửi UBND phường Mân Thái đề nghị xem xét phục hồi hồ sơ công nhận liệt sĩ đối với ông Lê Công Bạo (Em). Trong công văn số 2075/UBND-VP ngày 21-12-2023 của UBND phường Mân Thái trả lời bà Côi nêu: sau khi tiếp công dân, lãnh đạo UBND phường kết luận cùng với bà Lê Thị Côi thống nhất đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là: mời tất cả nhân chứng sống để lập lại hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Lê Công Bạo (Em). Về nội dung này bà Lê Thị Côi cho biết chỉ còn lại một nhân chứng sống là bà Lê Thị Minh Liễu, nhưng hiện tại bà Lê Thị Minh Liễu đau ốm nằm một chỗ, tinh thần không còn minh mẫn.

Hai là: địa phương sẽ phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH quận Sơn Trà tìm lại hồ sơ gốc tại kho lưu trữ của UBND quận Sơn Trà. Về giải pháp này UBND phường cũng đã cử người đến phối hợp Phòng LĐ, TB&XH quận Sơn Trà tiến hành tìm kiếm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Lê Công Bạo (Em) tại kho lưu trữ của quận. Tuy nhiên đến nay vẫn không tìm thấy hồ sơ.

Ba là: mời các thành phần dự họp và ký xác nhận hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ Lê Công Bạo (Em) trước đây (ngày 3-9-2002) để xác nhận lại nội dung cuộc họp vào thời điểm đó và nội dung xác nhận lời khai của nhân chứng là đúng, để xin ý kiến lãnh đạo các cấp xem xét quyết định. “Tuy nhiên về nội dung này, lãnh đạo Phòng LĐ,TB&XH quận Sơn Trà đã trao đổi với phòng chuyên môn của Sở LĐ,TB&XH thành phố Đà Nẵng thì được biết giải pháp này không thực hiện được vì không bảo đảm hồ sơ theo quy định tại Điều 71, Điều 72 mục 12 chương II Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng”, công văn nêu.
Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo Phòng LĐ,TB&XH quận Sơn Trà để tìm hiểu thêm thông tin liên quan hồ sơ thì được đề nghị liên hệ xin ý kiến Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà. Chúng tôi liên hệ Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà thì tiếp tục được đề nghị “gửi câu hỏi rồi chờ xin ý kiến lãnh đạo quận và sẽ thông tin lại”.

Báo Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.