.

Những sáng tạo kỹ thuật thành công

.

Hội thi sáng tạo kỹ thuật lực lượng vũ trang thành phố Đà Nẵng lần thứ nhất, năm 2009 được tổ chức vừa qua đã khơi dậy phong trào thi đua nghiên cứu, lao động sáng tạo ở cơ sở, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, kể cả dân quân, tự vệ. Nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật bao gồm các lĩnh vực hoạt động phục vụ cho công tác huấn luyện, giáo dục-đào tạo, công tác Đảng-công tác chính trị, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, y dược quân sự và mở rộng ra các lĩnh vực khác đã được áp dụng thành công vào thực tế, mang lại hiệu quả cao. Sau đây là một số sáng kiến đạt giải cao trong Hội thi.

Máy nạp đạn 12 ly 7 của tập thể cán bộ Xưởng
sửa chữa tổng hợp - Phòng Kỹ thuật.

Sáng kiến máy nạp đạn 12 ly 7 của Xưởng sửa chữa tổng hợp -Phòng Kỹ thuật.  Ảnh: NGÔ CA

Xuất phát từ thực tiễn của bộ đội trong thực hành bắn đạn thật 12 ly 7, vấn đề nạp đạn gặp rất nhiều khó khăn do sử dụng chủ yếu thủ công bằng tay nên tốc độ chậm, độ chính xác không cao, có nhiều khả năng gây mất an toàn do rách tay chảy máu. Sáng kiến chế tạo máy nạp đạn 12 ly 7 của tập thể cán bộ Xưởng sửa chữa tổng hợp thuộc Phòng Kỹ thuật có tác dụng thiết thực là khi nạp đạn vào không cần xoay đầu đạn, xếp đạn mà nạp tự do, máy sẽ tự xếp đạn, quay đầu đạn về phía trước.
 
Ưu điểm lớn nhất của sáng kiến này là máy nạp đạn chính xác đúng theo quy định, nhanh gấp 10 lần so với nạp đạn thủ công bằng tay, rút ngắn thời gian trong bắn đạn thật, bảo đảm độ an toàn cao, giá thành sản xuất máy rẻ chỉ khoảng 200 ngàn đồng, toàn bộ trọng lượng máy chỉ có 10kg, áp dụng rộng rãi vào thực tiễn huấn luyện bắn đạn thật 12 ly 7 ở đơn vị đạt hiệu quả cao.

Cải tiến kỹ thuật áp nóng Paraphin trong điều trị của Thiếu tá Hồ Kỳ Lực - Phòng Hậu cần

Trong lĩnh vực y học thường sử dụng Paraphin điều trị các bệnh mãn tính của gân, cơ, khớp, thần kinh rất có hiệu quả, dễ áp dụng, giá thành thấp, có thể triển khai ở tuyến quân y cơ sở. Tuy nhiên, qua áp dụng theo phương pháp cũ có nhiều bất lợi như phải sử dụng nhiều dụng cụ để triển khai, tốn nhiều công sức và thời gian thực hiện, trang bị sử dụng kèm theo phức tạp và tốn kém, rất dễ gây bỏng cho bệnh nhân và người thực hiện.

Sáng chế mới của Thiếu tá Hồ Kỳ Lực nhằm điều trị các bệnh mãn tính như đau lưng cơ năng, thoái hóa cột sống, đau các khớp, tê mỏi đầu chi do lạnh, điều trị phục hồi sau viêm cột sống dính khớp, tăng cường lưu thông tuần hoàn, giãn dây chằng các khớp… bằng phương pháp áp dụng sức nhiệt vừa phải của Paraphin sau khi nấu lỏng gây hiệu ứng làm giãn gân, cơ, tạo điều kiện vận động dễ dàng hơn.

Dụng cụ chỉ cần túi chườm bằng cao su có nút đậy, thau nhôm đựng nước sôi, sau 10 phút ngâm nóng Paraphin trong túi chườm vào thau nước sôi là thực hiện được. So với phương pháp cũ, phương pháp này tiện lợi, sạch sẽ, đơn giản, dễ làm, không hao hụt vật chất, có thể tiến hành dễ dàng ở tuyến quân y đại đội, tiểu đoàn để điều trị cho cán bộ, chiến sĩ.

Tạo giả (mõ quay điện) gắn với súng AR15 trong huấn luyện chiến thuật của phân đội dân quân của tác giả Nguyễn Cường - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Trong huấn luyện chiến thuật cho phân đội dân quân tự vệ, để tạo âm thanh trong huấn luyện thường sử dụng mõ gây ra tiếng động nhằm tạo khí thế sôi nổi của các đợt tấn công xung phong, gây hào hứng cho cán bộ, chiến sĩ dân quân, gọi là dụng cụ “tạo giả”.
 
Các loại mõ quay thường dùng bằng quay tay, bố trí cố định hoặc cầm tay, từ đó việc tạo ra tiếng động không thực hiện đúng theo ý định của người tập, đồng thời trong quá trình sử dụng, chiến sĩ dân quân không thể thực hiện được các động tác chiến thuật. Sáng kiến “mõ quay điện” của tác giả Nguyễn Cường được gắn liên kết vào súng AR15 không cần phải sử dụng quay bằng tay, dựa trên nguyên lý quay của mô-tơ điện, có cần đập vào thành hộp kim loại (hộp sữa, hộp trái cây…) được liên kết vào cò súng để tạo ra tiếng động dài, ngắn tùy theo ý định của người điều khiển cho phù hợp với ý đồ huấn luyện chiến thuật, đồng thời tạo nên ánh sáng ngắt quãng thể hiện cho ánh chớp đầu nòng của các loại súng bộ binh dùng để huấn luyện ban đêm.
 
Dụng cụ chế tạo rất đơn giản (hộp sữa đã qua sử dụng, mô-tơ điện 6V, hộp chứa pin, công tắc, thanh liên kết vào cò súng, đèn tạo ánh sáng). Sáng kiến này có ý nghĩa thực tiễn cao, bởi nó tạo ra tiếng động to và rõ, áp dụng được với tất cả các loại súng bộ binh, có đèn nhấp nháy dùng huấn luyện ban đêm, giá thành rẻ (42.000 đồng), góp phần tiết kiệm được khoản kinh phí lớn trong huấn luyện (giảm quân số, giảm thời gian sắp xếp đội hình quân xanh), đặc biệt trong diễn tập tạo tiếng động thay tiếng nổ của đạn mỏ tử, từ đó tiết kiệm hàng triệu đồng kinh phí mua đạn mỏ tử trong mỗi đợt diễn tập hằng năm của đơn vị, địa phương.

HỒNG HẠNH

 

;
.
.
.
.
.