.
Quản lý trẻ sử dụng Internet:

Khó mà không khó

.

Cuộc sống hiện đại tạo cho trẻ điều kiện dễ dàng tiếp cận với Internet, ở đó chứa đựng nhiều thông tin kích thích tính tò mò của trẻ. Bên cạnh những thông tin hữu ích, trẻ cũng có thể truy cập những website mang nội dung không lành mạnh. Trong vấn đề này, mỗi bậc cha mẹ lại có một cách riêng về quản lý con cái.

Ngàn lẻ một cách quản lý

Khi Internet ngày càng phổ biến, nhiều bậc cha mẹ đã không khỏi e ngại khi con trẻ có điều kiện tiếp xúc với những thông tin độc hại, không phù hợp với lứa tuổi từ hệ thống này. Bên cạnh một số trẻ biết sử dụng máy tính đúng mục đích, nhiều em do ham thích game, tò mò bởi những website có nội dung không lành mạnh, dẫn đến xao lãng việc học cũng là mối lo lắng của nhiều ông bố, bà mẹ khi thấy con mình suốt ngày bám riết lấy máy tính.

Là nhân viên chứng khoán, anh Nguyễn Ninh, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu xem Internet là ngôi nhà thứ hai của mình. Công việc đòi hỏi thông tin phải luôn được cập nhập nên anh dành 1/2 thời gian trong ngày để lướt web. Ngoài thời gian đến cơ quan, mỗi tối anh dành vài tiếng đồng hồ “lên mạng”. Mấy tháng gần đây, tiền cước sử dụng Internet của gia đình anh tăng vọt, bình thường khoảng 200.000 đồng thì nay lên tới 500.000 đồng/tháng.

Để tìm hiểu nguyên nhân, anh Minh đã âm thầm “theo dõi” cậu con trai 12 tuổi của mình. Kết quả, anh tá hỏa khi biết cu cậu cứ chờ ba mẹ đi vắng là lên mạng chơi game và chát chít, có khi download những bộ phim hoạt hình yêu thích về máy. Từ đó anh chuyển máy vào phòng ngủ của hai vợ chồng để con không có điều kiện lại gần máy.

"Trò chơi điện tử có thể tác động tích cực đến sự phát triển tư duy và trí tuệ của trẻ em. Những hệ lụy tiêu cực của trò chơi điện tử với trẻ em là do sự quản lý của chúng ta lỏng lẻo" .
 
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em - Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng An.

Một phần vì không muốn con mình lao vào những trò chơi bạo lực hay ảnh hưởng bởi nhiều trang web có nội dung không lành mạnh, dù biết rõ cấm đoán con sử dụng Internet không phải là một việc làm sáng suốt, vì Internet cũng chứa đựng nhiều thông tin bổ ích dành cho trẻ, nhưng anh cũng không thể bảo vệ con mình trước hằng hà vô số những trang web khiêu dâm, bạo lực 24/24 giờ.

Với anh Nguyễn Lê Tuấn, quận Hải Châu lại có một cách làm khác, kiểm soát thời gian sử dụng máy tính của con bằng cách tạo một password riêng để con không thể khởi động máy khi anh ra khỏi nhà. Kiểm soát được con nhưng đồng thời anh phải thay đổi password liên tục, vì không ít lần vợ có việc cần dùng máy lại gọi điện hỏi chồng mật khẩu. Lo lắng vợ biết thì con sẽ biết, anh lại thay đổi password. Biết đây chưa phải là cách làm hay, nhưng anh đành chịu thua cái tính tò mò của cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn.

Kiểm soát trẻ sử dụng máy tính trở nên khó khăn khi các tụ điểm Internet là nơi nhiều trẻ em đến chơi game để tránh sự quản lý của gia đình.

 

Không tuyệt đối cấm con mình khám phá Internet, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sáu, phường Thanh Bình luôn cho con một khoảng thời gian 60 phút trong ngày để lướt web. Công tác trong ngành giáo dục, chị Sáu hiểu được tác dụng của máy tính đối với trẻ nhỏ và dành thời gian hướng dẫn con sử dụng. Được mẹ hướng dẫn cộng với tính tò mò, mới 12 tuổi nhưng bé Hiền, con chị Sáu đã thông thạo cách vào các trang web, chơi game qua mạng hay vẽ hình bằng những phần mềm sẵn có…

“Bây giờ nó gõ bàn phím còn nhanh hơn cả mình. Mỗi lần soạn giáo án cũng có thể nhờ nó làm giúp vài khâu đơn giản” là tâm sự của chị Sáu khi nói về việc sử dụng máy tính của cô con gái. Uốn nắn con cách sử dụng web, giới thiệu cho con những địa chỉ web bổ ích và phù hợp với lứa tuổi là việc làm hằng ngày của chị Sáu, thỉnh thoảng chị kiểm tra con làm gì, chơi gì trên máy qua phần cài đặt có sẵn trên thanh công cụ.

Gia đình và nhà trường cùng vào cuộc

Năm 2008, Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã có văn bản về việc giáo dục học sinh sử dụng các blog cá nhân trên mạng, kết hợp với phụ huynh và công an địa phương giám sát các tụ điểm Internet. Thường xuyên tuyên truyền (chào cờ, hội thảo, sinh hoạt lớp...) nhận thức cho học sinh về vấn đề này; chỉ rõ mặt lợi ích và tác hại (về chuẩn mực đạo đức, nếp sống văn hóa, pháp luật, điều lệ nhà trường, hạnh kiểm học sinh...) khi trao đổi thông tin qua mạng; thái độ ứng xử văn hóa qua mạng, blog; những điều không được làm trên blog cá nhân...

Giới thiệu những trang blog nghiêm túc, hữu ích để nêu gương, giúp các em cùng theo dõi, cùng phát hiện những sai phạm; phê phán những trang blog có nội dung xấu, xuyên tạc, xâm phạm đời tư, vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục... tiến đến xử lý vi phạm. Điều này đã làm các bậc cha mẹ yên tâm phần nào khi thấy con mình sử dụng máy vi tính.

Song song với sự kết hợp cùng nhà trường trong quản lý học sinh sử dụng Internet, chị Sáu đã cùng học, cùng chơi với con trên máy vi tính, không cấm đoán khi con muốn vào mạng, nhưng chỉ được sử dụng máy tính trong phạm vi cho phép của gia đình. Chị cho biết, trò chơi điện tử giúp trẻ em phát triển độ nhanh nhạy, óc suy đoán, tính toán linh hoạt hơn, nhưng do lo ngại con cái xao lãng việc học hành, nhiều bậc cha mẹ thấy con mình mở các trò chơi trong máy tính ra là quát nạt và cấm đoán.
 

Cùng học, cùng chơi với trẻ trên máy vi tính, tạo cơ hội cho trẻ thể hiện bản thân và tránh xa những trang website không lành mạnh. (Ảnh minh họa)

Như thế chỉ đổ thêm dầu vào lửa và kích thích tính tò mò, không nghe lời của trẻ. Vì vậy, áp dụng phương pháp phù hợp sẽ tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội khám phá những tiện ích mà mạng Internet mang lại trong cuộc sống hiện nay, tránh cho con bị tụt hậu so với bạn cùng lứa.

Theo anh Trương Văn Thanh, Công ty Viễn thông FPT Telecom Đà Nẵng, cài đặt phần mềm kiểm tra (Parental Controls) giám sát các máy tính sử dụng có kết nối mạng, nhằm ngăn chặn và phát hiện việc truy cập các trang web có nội dung không lành mạnh là việc cần làm của nhiều gia đình sử dụng Internet nếu muốn kiểm soát con cái. Parental Controls tích hợp sẵn trong Windows Vista có đầy đủ công cụ quản lý về thời gian, phần mềm, chặn website để quản lý con trẻ dùng máy tính.

Ở độ tuổi mầm non thì có những phần mềm chủ yếu là luyện gõ phím 10 ngón, vẽ tranh, tô màu. Lên bậc tiểu học có thêm các phần mềm luyện toán, ghép vần, bút chì thông minh, trò chơi cổ tích. Trên Internet cũng có cả kho tàng website dành cho trẻ em như Yahoo! Kids, socnhi.com...

TIỂU YẾN

 

 

;
.
.
.
.
.