Văn hóa - Giải trí

Bảo tàng Điêu khắc Chăm: Chăm chút từng hiện vật

09:08, 13/07/2019 (GMT+7)

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện sở hữu bộ sưu tập khá đầy đủ về nghệ thuật điêu khắc Chăm. Ít ai biết rằng, để có được những tác phẩm đẹp, độc đáo tại các không gian trưng bày là sự nỗ lực của cán bộ bảo tàng qua các thời kỳ, đặc biệt là cán bộ làm công tác bảo quản, phục chế hiện vật.

Hai cán bộ chuyên trách phục chế bên phiên bản tượng thần Siva (Vua Po Ramé).  							               Ảnh: NGỌC HÀ
Hai cán bộ chuyên trách phục chế bên phiên bản tượng thần Siva (Vua Po Ramé).

Mới đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vừa đưa về phiên bản tượng thần Siva (Vua Po Ramé) gồm hai phần, bên dưới là Yoni (cao 30 cm, rộng 130 cm), bên trên là một bức phù điêu lớn khắc tạc hình ảnh vị thần với 8 cánh tay, xung quanh là 5 chiếc đầu người cùng nhiều họa tiết trang trí phụ trợ. Hiện vật gốc đang thờ tại tháp Pô Rôme thuộc thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Sau khi khảo sát, nhận thấy đây là hiện vật độc đáo cần bổ sung cho bộ sưu tập, bảo tàng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận cùng thực hiện 2 bản sao hiện vật (1 đưa về bảo tàng và 1 để lại cho trung tâm). Ngoài ra, thời gian qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng đã thực hiện nhiều phiên bản giá trị (tỷ lệ 1:1) như: tượng Bồ tát Tara, các đài thờ ở Ngũ Hành Sơn...

Đối với những hiện vật gốc bị hư hỏng, gãy vỡ, thất lạc các bộ phận, không còn nguyên vẹn, bảo tàng tiến hành tu bổ trước khi đưa về trưng bày. Chẳng hạn như hiện vật Linga được tìm thấy ở tháp Mẫm (Bình Định), chuyển về bảo tàng vào đầu thế kỷ 20, bị sứt mẻ phần trên và mất đi phần bệ thờ bên dưới.

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo tàng đã tu bổ, phục hồi lại phần bị mất và đây được xem là Linga có kích cỡ lớn thứ hai hiện nay (chiều cao 1,66m). Hay hiện vật tượng Bồ tát Tara (vùng Đại Hữu, Quảng Bình), bản gốc chỉ còn nửa phần trên (từ bụng trở lên), bảo tàng đã phục chế thêm phần thân dưới để trưng bày và thực hiện phiên bản để tham gia triển lãm văn hóa Chăm tại tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, ngay từ những năm đầu xây dựng, công tác kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật đặc biệt được Bảo tàng quan tâm. Trong danh mục của bảo tàng ấn hành năm 1919, Henri Parmentier đã nói về những khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho sự hình thành và ra đời của bảo tàng, trong đó có công việc kiểm kê, bảo quản hiện vật. Hiện vật được đưa về để ngổn ngang trong Công viên Tourane không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hầu hết bể gãy, thất lạc các bộ phận đã đặt ra cho cán bộ bảo tàng thời đó nhiệm vụ rất nặng nề.

Ngày đó, giải pháp để những bức tượng bị gãy vỡ các bộ phận như đầu, tay chân (có tượng kích thước lớn, nặng hàng tấn) đứng vững khi đưa ra trưng bày là dùng xi-măng để kết dính. Đối với mảnh vỡ nhỏ chỉ cần dùng hồ dầu xi-măng bôi vào bề mặt của mảnh vỡ rồi dán lại; mảnh vỡ lớn phải gia cố thêm chốt sắt ở giữa để chịu lực; các bộ phận còn thiếu thì đắp xi-măng vào rồi tạo dáng mô phỏng lại. Khi đưa ra trưng bày, hiện vật được chôn vào tường, bục bệ sau đó cũng dùng xi-măng, vôi vữa nhém chặt.

Tuy nhiên, theo thời gian, nhược điểm của giải pháp gia cố dần bộc lộ. Đó là hiện tượng hiện vật bị nứt dọc theo thớ đá ngay chỗ có gia cố chốt sắt chịu lực bên trong và mục mũn bề mặt trên một số hiện vật được làm từ chất liệu sa thạch vàng. Để kịp thời tìm giải pháp chống xuống cấp cho bộ sưu tập, năm 2001, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phối hợp với Trường Đại học Tây Sysney (Úc) tổ chức một cuộc hội thảo và tập huấn về công tác bảo quản đối với những hiện vật bằng đá.

Từ đó, các chuyên gia đã tìm ra giải pháp để khắc phục là gỡ toàn bộ hiện vật ra khỏi tường, khỏi bục bệ trưng bày; di dời hiện vật tránh xa đường giao thông và làm cửa kính ngăn bụi, kiểm soát độ ẩm; đục bỏ các chốt sắt thay bằng các chốt kim loại không gỉ; tháo gỡ các mảnh ghép cũ để dán lại bằng keo Eboxy hai thành phần; áp dụng công nghệ nano để gia cố bề mặt hiện vật mục mủn bằng một loại keo chuyên dụng.

Công việc hằng ngày của cán bộ chuyên trách phục chế đòi hỏi sự tỉ mẩn, chịu khó.
Công việc hằng ngày của cán bộ chuyên trách phục chế đòi hỏi sự tỉ mẩn, chịu khó.

Sau đó, năm 2003, Bảo tàng Điêu khắc Chăm tiếp tục hợp tác với Bảo tàng Guimé (Pháp) triển khai việc chống xuống cấp cho toàn bộ bộ sưu tập. Bảo tàng Guimé đã cung cấp trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại thành lập một xưởng bảo quản phục chế ngay tại bảo tàng và cử chuyên gia trong lĩnh vực bảo quản, phục chế hiện vật điêu khắc đá hướng dẫn cán bộ bảo quản của bảo tàng thực hiện. Từ đó đến nay, xưởng bảo quản phục chế không chỉ làm tốt công tác tu bổ mà còn sao chép phiên bản các hiện vật tại bảo tàng.

Với 16 năm gắn bó với xưởng bảo quản phục chế, anh Đỗ Hoàng Đạo tâm sự, ngay từ năm 2003 về công tác tại bảo tàng, anh đã tham gia các khóa hướng dẫn của các chuyên gia hàng đầu đến từ Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp), Bảo tàng Guimé (Pháp)... và “bén duyên” với công tác phục chế.

“Phòng sưu tầm, bảo quản và trưng bày hiện có 7 cán bộ, trong đó có hai cán bộ chuyên trách phục chế. Vì đặc thù của nghề, chúng tôi luôn tự nhắc mình phải hết sức tỉ mẫn trong công việc. Bên cạnh những kỹ thuật bảo quản truyền thống thì học hỏi những phương pháp mới của thế giới trong lĩnh vực bảo quản, phục chế hiện vật. Chúng tôi mong muốn cùng góp sức với tập thể để chăm sóc, tạo sự đa dạng cho bộ sưu tập của bảo tàng, thu hút khách tham quan”, anh Đỗ Hoàng Đạo nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.