Hết lòng vì trẻ mầm non

.

Không ngại khó, nhiệt huyết, sáng tạo để thực hiện tốt công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ là những phẩm chất nổi bật của các giáo viên mầm non.

19 năm công tác, cô Trần Thị Tuyết Nhung (phải) luôn tận tâm, tận tụy với trẻ mầm non.
19 năm công tác, cô Trần Thị Tuyết Nhung (phải) luôn tận tâm, tận tụy với trẻ mầm non.

Cô giáo Trần Thị Tuyết Nhung (Trường mầm non Rạng Đông, quận Sơn Trà) là một trong những giáo viên mầm non như thế. Hôm chúng tôi đến, cô Nhung đang dạy các bé chuyên đề “Hoạt động Góc”. Trong phòng học sạch sẽ, gọn gàng, mỗi góc là một sáng tạo riêng. Ví dụ, Góc nghề nghiệp, cô Nhung cho các bé tạo nên một doanh trại bộ đội và những công việc mà chú bộ đội làm hằng ngày.

Góc gia đình, cô tạo dựng lại hình ảnh người mẹ làm công việc gia đình hằng ngày từ đi chợ, nấu cơm, sinh hoạt gia đình... “Tuổi lớp lớn này các bé rất thích tìm tòi, sáng tạo, có bé chững chạc bắt đầu bày tỏ ước mơ. Vì vậy, các góc chuyên đề học tập này, các bé rất thích thú”, cô Nhung nói. Cô giáo Nhung chọn nghề chăm dạy trẻ cũng là cái duyên, càng gắn bó với công việc, cô Nhung nhận ra tình yêu trẻ chính là động lực lớn lao giúp những giáo viên mầm non như cô vượt qua những nhọc nhằn của nghề.

Để rồi, suốt 19 năm gắn bó với Trường mầm non Rạng Đông, không lúc nào cô Nhung thôi sáng tạo để công việc dạy trẻ ngày một tốt hơn, như sáng tạo ra các đồ dùng phục vụ dạy và học; thực hiện các chuyên đề dạy kỹ năng, âm nhạc để giúp trẻ tự tin biểu diễn, tự tin nơi đông người...

Lớp Lớn 1 Trường mầm non Hướng Dương (quận Cẩm Lệ) do cô Nguyễn Thị Sa phụ trách được bố trí các góc học tập bắt mắt; đáng chú ý, nhiều đồ dùng học tập được làm từ phế liệu. Đây là những nỗ lực sáng tạo của cô Sa và các đồng nghiệp trong nhiều năm qua. “Làm đồ dùng học tập là công việc thường xuyên của giáo viên mầm non. Thay vì sáng tạo dụng cụ học tập thông thường, việc tận dụng các loại nguyên vật liệu phế thải gần gũi để làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho hoạt động học, hoạt động chơi của trẻ, niềm vui của trẻ và bản thân tôi sẽ đặc biệt hơn”, cô Sa chia sẻ.

Cô Nguyễn Thi Mỹ Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Dương cho biết, 14 năm công tác nhưng cô giáo Nguyễn Thị Sa đã có 9 lần nhận danh hiệu giáo viên giỏi cấp quận, 2 lần nhận danh hiệu giáo viên mầm non cấp thành phố. “Cô Sa là một trong những tấm gương sáng về đạo đức, tự học tự rèn, luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao, được tập thể hội đồng sư phạm, phụ huynh tín nhiệm; luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”, cô Hoa cho hay.

Cô giáo Đinh Thị Huệ có lẽ là gương mặt trẻ nhất trong những giáo viên tiêu biểu được thành phố tuyên dương là Nhà giáo tiêu biểu Đà Nẵng đợt này. Sinh năm 1989, hơn 6 năm công tác tại Trường mầm non Sen Hồng (quận Ngũ Hành Sơn), không chỉ nắm vững các kiến thức và kỹ năng sư phạm về chăm sóc và giáo dục trẻ, cô Huệ luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, chất lượng giáo dục được duy trì và giữ vững qua từng năm.

Trong những giờ lên lớp của cô Huệ luôn có sự lồng ghép các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm để trẻ tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực, phát triển toàn diện... Quan tâm và chăm sóc, giáo dục trẻ bằng tình yêu thương, làm tròn trách nhiệm của một người giáo viên, được trẻ quý mến và phụ huynh tin yêu... là những phẩm chất tốt đẹp của cô giáo mầm non Đinh Thị Huệ, góp phần làm đẹp hình ảnh người giáo viên, tôn vinh “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
;
.
.
.
.
.