.

Nhật Bản bắt đầu sứ mệnh cứu hộ thảm họa chưa từng thấy

.
(ĐNĐT) - Sáng 12-3, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu một sứ mệnh cứu hộ thảm họa lớn chưa từng thấy tại vùng đông bắc, một ngày sau khi sóng thần tấn công làm chết hàng trăm người.

Mô tả ảnh.
Máy bay, ô tô bị sóng thần cuốn trôi tại sân bay Sendai, Nhật Bản. Ảnh: AP
Thảm họa sóng thần xảy ra trận động đất mạnh 8,9 độ Richter, trận động đất được cho là mạnh nhất tại đất nước mặt trời mọc trong một thế kỷ qua. Quân đội Nhật Bản đã huy động hàng nghìn binh sĩ, 300 máy bay và 40 tàu chiến để tham gia cứu hộ.

Khoảng 300 người đã thiệt mạng và hơn 500 người đang mất tích. Truyền thông Nhật nói rằng, số người chết sẽ vượt con số 1.000 người.
 
Chính phủ cảnh báo, có thể xảy ra một vụ rò rỉ phóng xạ tại lò phản ứng hạt nhân của một nhà máy phát điện bị ngưng hoạt động sau động đất.

Sóng thần vào sâu đất liền đến 10km
 
Dọc theo bờ biển phía bắc của đất nước, sự tàn phá trở nên nghiêm trọng hơn. Một cơn sóng thần xảy ra sau động đất đã vào sâu trong đất liền đến 10 km ở nhiều khu vực, cuốn theo nhà cửa, cao ốc, tàu thuyền, xe cộ. Tại thành phố Sendai, cảnh sát đã tìm được 300 thi thể chỉ trong một phường. Bên ngoài thành phố, tại một khu vực dân cư tập trung, một ngọn lửa kéo dài đến vài km.

Một dòng nước bùn đã cuốn xe cộ, nhà cửa nằm sâu trong đất liền, biến các khu dân cư và đồng lúa thành các những đầm phá đầy rác rưởi và nước biển.

Đường sắt Nhật cho biết, cơ quan này không thể theo dõi 4 đoàn tàu dọc theo bờ biển phía bắc. Một tàu thủy chở 100 người cũng được báo cáo mất tích.

Nhiều khu vực tại Kesennuma, tỉnh Miyagi đã cháy suốt đêm, 1/3 thành phố đã chìm trong nước.

Khoảng 1.800 ngôi nhà đã bị phá hủy tại thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima. Cũng tại khu vực phía đông bắc thành phố đó, một con đập đã vỡ tung, cuốn trôi nhà cửa, hãng Kyodo cho biết.

Tại trung tâm Tokyo, nhiều người đã phải qua đêm tại văn phòng của mình. Có đến hàng triệu người khác đã cố gắng về nhà. Dịch vụ tàu hỏa đã tạm dừng. Tuy vậy, cho dù trận động đất mạnh nhất đã xảy ra, các đám đông vẫn trật tự và bình tĩnh.

Các nhân viên văn phòng đã phải thức suốt đêm tại công sở bởi các thang máy đã ngưng hoạt động. Hàng triệu người vào thành phố làm việc đã kẹt lại qua đêm, trong khi đó nhiều người đị bộ về nhà, sau khi dịch vụ tàu hỏa đã ngừng hoạt động.
 
Một nhà khoa học cho biết, trận động đất ngày hôm qua xảy ra ở độ sâu 24 km, cách Tokyo về phía đông bắc 400 km. Nó lớn gấp 8.000 lần trận động đất tàn phá Christchurch, New Zealand vào tháng trước.
Thủ tướng Naoto Kan đã dự định nhóm họp nội các khẩn cấp sáng hôm nay trước khi thị sát tình hình tại các khu vực xảy ra thảm họa bằng trực thăng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, một máy bay vận tải đã ở Nhật, một chiếc khác đang trên đường tới nước này.

Ban bố tình trạng khẩn cấp đối với các lò phản ứng hạt nhân

Khoảng 45.000 người đã được sơ tán khỏi nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Áp suất bên trong một lò phản ứng được báo cáo là cao hơn mức bình thường hàng ngàn lần. Hệ thống làm mát đã hỏng khi nhà máy tự động ngưng hoạt động do trong suốt trận động đất.
 
Mô tả ảnh.
Nhà máy lọc dầu ở Chiba bốc cháy sau trận động đất . Ảnh: Reuters
Chính phủ Nhật đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với 5 lò phản ứng tại hai nhà máy điện hạt nhân sau khi các lò này mất khả năng làm mát sau vụ động đất. Hàng nghìn người đã sơ tán và các nhân viên nhà máy đang cố gắng để đưa các lò phản ứng vào vòng kiểm soát nhằm ngăn ngừa tình trạng nóng chảy.

Động đất đã làm tắt ngấm nguồn điện tại nhà máy Fukushima Daiichi. Vì hệ thống phát điện dự phòng cũng trục trặc, hệ thống làm mát đã không thể cung cấp nước để làm mát cho lò phản ứng số 1, 460Megawatt.

Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật nói rằng, áp suất bên trong đã tăng 1,5 lần so với mức bình thường, mức phóng xạ đã vượt 1.000 lần mức bình thường bên trong tổ máy số 1 và các thông số đo được bên ngoài đã cao gấp 8 lần mức bình thường. Họ đã mở rộng khu vực sơ tán dân cư lên hơn 3 lần, từ 3 lên 10 km. Khoảng 3000 người đã bị buộc phải sơ tán khỏi nhà cửa ngay trong lần thông báo đầu tiên.

Quang Hiển (Theo AP, BBC, CNN)
;
.
.
.
.
.