Kinh tế

Tập trung xây dựng các đề án, chiến lược phát triển ngành công thương

14:19, 04/01/2023 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 4-1, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đến dự và chỉ đạo hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Lim Phương chủ trì hội nghị. Ảnh: QUỲNH TRANG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh (phải) và Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương chủ trì hội nghị. Ảnh: QUỲNH TRANG

Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm qua và đề nghị Sở Công Thương lưu ý thêm một số vấn đề như: công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan, các hiệp hội, hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là việc nghiên cứu xây dựng, đề xuất và thực thi các cơ chế, chính sách; xây dựng các đề án, chiến lược phát triển ngành; công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực công thương.

Chú ý nâng cao số lượng và chất lượng các hoạt động mang tính liên kết vùng, các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực chất cho các doanh nghiệp.

Các đơn vị, địa phương liên quan cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam; trên cơ sở đó, Sở Công Thương sớm thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; khẩn trương hoàn thành các thủ tục để đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động.

Phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, nhất là các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn như: Cục Quản lý thị trường, Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại tại Đà Nẵng, Cục Hải quan Đà Nẵng... trong công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, kết nối với các đối tác tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường thành viên các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng và triển khai các nội dung tiếp theo sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước mắt, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Quý Mão 2023, ngành công thương cần chuẩn bị và tổ chức tốt các hoạt động: bán hàng bình ổn Tết, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng đến các vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người lao động thu nhập thấp, người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn hẻo lánh.

Sở tổ chức thành công Hội chợ Xuân 2023 để tạo không khí vui xuân đón Tết cho nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng, kích cầu tiêu dùng xã hội trong dịp Tết Nguyên đán, tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường và phối hợp theo dõi, ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường trong dịp Tết.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, năm 2022, sở hoàn thành 3 nhiệm vụ do UBND thành phố giao gồm: trình HĐND thành phố xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố đến năm 2030; báo cáo Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"; hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang chợ Hàn.

Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, sở đã hoàn thành các nhiệm vụ điều hành kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã phục hồi và tăng trưởng tích cực; các doanh nghiệp nỗ lực tiếp cận vốn, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2022 ước tăng 8,9%, đóng góp 1,47 điểm phần trăm vào mức tăng tổng VA chung toàn nền kinh tế, với tỷ trọng đóng góp đạt 9,88%.

Tổ chức nhiều hoạt động thương mại, du lịch và các sự kiện quốc tế, góp phần giúp cho các hoạt động thương mại nội địa sôi động hơn; thu hút lượng lớn người dân và du khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán hàng trực tiếp của doanh nghiệp tăng cao và tạo hiệu ứng lan tỏa, mang sản phẩm hàng hóa của thành phố đến gần hơn với người tiêu dùng.

Đồng thời, hình thành và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề truyền thống tại các kênh phân phối. Triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuyên truyền, nâng cao nhận thức thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 ước đạt 66.233 tỷ đồng, tăng 3,5% so với kế hoạch năm. Tổ chức hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 ước đạt 2.079 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 1.499 triệu USD.

QUỲNH TRANG

.