Kinh tế

Bứt phá trong phục hồi du lịch

05:51, 02/01/2023 (GMT+7)

Sau khi Chính phủ có chủ trương mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch trong nước và quốc tế từ giữa tháng 3-2022,  thành phố đã nhanh chóng triển khai các kế hoạch, đẩy mạnh xúc tiến thị trường, khôi phục các đường bay… Nhờ những nỗ lực đó, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương có sự bứt phá nhanh trong phục hồi du lịch.

Các khu, điểm du lịch nâng cấp, bổ sung sản phẩm mới để phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Khách vui chơi tại Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Ảnh: THU HÀ
Các khu, điểm du lịch nâng cấp, bổ sung sản phẩm mới để phục vụ du khách. TRONG ẢNH: Khách vui chơi tại Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài. Ảnh: THU HÀ

Nhiều sự kiện lớn thu hút khách

Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát và quyết liệt của lãnh đạo thành phố, nỗ lực của các sở, ban, ngành, cùng đồng hành của nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, Sở Du lịch đã tập trung tham mưu UBND thành phố các giải pháp khôi phục hoạt động du lịch.

Qua đó, thành phố đã ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, huy động các nguồn lực để khôi phục du lịch như: hỗ trợ thu hút khách MICE (du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, sự kiện); miễn phí vé tham quan các khu, điểm du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và chuyển đổi, hỗ trợ phục hồi nguồn nhân lực.

Ngành du lịch triển khai chiến lược truyền thông với thông điệp “Enjoy Đà Nẵng - Tận hưởng Đà Nẵng” bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, cập nhật xu hướng thị hiếu du khách và xúc tiến trực tiếp đến từng thị trường...

Đà Nẵng trở nên sôi động và tươi mới với hàng loạt chương trình kích cầu cùng các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc quy mô quốc gia và quốc tế được liên tục tổ chức: lễ hội khinh khí cầu, diễn đàn Phát triển đường bay châu Á - Routes Asia 2022, lễ hội tận hưởng mùa hè Đà Nẵng, lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2022 với điểm nhấn là giải golf phát triển châu Á, hội chợ du lịch quốc tế VITM Đà Nẵng 2022...

Nhiều sản phẩm dịch vụ, du lịch được nâng cấp, đầu tư mới, đưa vào phục vụ khách tại Sun World Bà Nà Hills, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, bãi biển đêm Mỹ An, khu phố du lịch An Thượng, Công viên vườn tượng APEC mở rộng, Khu nghỉ dưỡng Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa... 

Nhờ đó, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng tích cực với 80% doanh nghiệp, cơ sở đã hoạt động trở lại; các đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng đã nhanh chóng khôi phục với 21 đường bay, tổng cộng gần 25.000 chuyến bay, trung bình 69 chuyến/ngày, trong đó có 13 đường bay quốc tế trực tiếp, trung bình 17 chuyến/ngày.

Ngoài ra, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI); đứng vị trí thứ 3 trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á - Giải thưởng du lịch châu Á 2022 và được vinh danh là “Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2022...

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, song năm qua, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch đã chung sức, đồng lòng cùng thành phố triển khai các kế hoạch phục hồi du lịch, thu hút khách. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhìn nhận, năm 2022, Đà Nẵng có sự phục hồi mạnh mẽ từ các nguồn khách, nhất là khách trong nước, điều này cho thấy sức hấp dẫn và năng lực phục vụ lượng khách lớn của du lịch thành phố.

Bên cạnh đó, một số đường bay quốc tế mới (từ các thành phố của Ấn Độ) cũng được kết nối để bù đắp cho những thị trường khách truyền thống trước đây đang thiếu hụt. Theo ông Cao Trí Dũng, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở Du lịch, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp đã có kế hoạch, chuẩn bị từng bước, cho từng giai đoạn thu hút khách một cách chu đáo, bài bản.

Cụ thể, bên cạnh việc hoàn thiện, làm mới các sản phẩm cũ thì hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch mới; thường xuyên quảng bá xúc tiến tới các thị trường trọng điểm như trong thời gian dịch bệnh thì quảng bá online, khi dịch được kiểm soát thì xúc tiến trực tiếp cả trong và ngoài nước. Để tiếp tục phát triển trong năm tới, ngành du lịch thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút khách hơn nữa; nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm chất lượng nhân lực ngành du lịch.

Nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm làm bánh tráng ở Lễ hội ẩm thực và bia tại Công viên Biển Đông tháng 8-2022. Ảnh: NHẬT HẠ
Nhiều hoạt động, sự kiện được tổ chức để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách trải nghiệm làm bánh tráng ở Lễ hội ẩm thực và bia tại Công viên Biển Đông tháng 8-2022. Ảnh: NHẬT HẠ

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I cho rằng, năm 2022 du lịch Đà Nẵng đã có sự tăng trưởng khách đáng kể sau dịch bệnh, đây là nền tảng tốt cho sự phục hồi du lịch, để thu hút khách, đặc biệt là khách nước ngoài thì cần phải hiểu rõ thị trường khách này muốn gì để xây dựng các sản phẩm phù hợp, đúng với thị hiếu của khách.

Đó có thể là phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm bởi nhiều thị trường khách quốc tế thường thích loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá đồng quê, tìm hiểu văn hóa địa phương, làng nghề… Song song đó cần tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá về điểm đến hơn nữa để thu hút khách.

Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An, công tác xúc tiến quảng bá rất được chú trọng, ngay khi các thị trường trọng điểm mở cửa, ngành du lịch Đà Nẵng đều có các chuyến xúc tiến, quảng bá để giới thiệu về điểm đến cũng như kết nối với các đối tác nước sở tại.

Với các nỗ lực làm mới các sản phẩm, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và đổi mới sáng tạo trong xúc tiến, quảng bá, khai thác thị trường, du lịch Đà Nẵng kỳ vọng sẽ tiếp tục khôi phục thị trường khách quốc tế trong năm tới.

Khách lưu trú tăng 3,1 lần

Năm 2022, tổng lượng khách lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt khách, tăng 3,1 lần so với năm 2021, phục hồi 50% so với năm 2019, trong đó, khách quốc tế ước đạt 483.000 lượt, tăng 4,6 lần so với năm 2021, phục hồi 20%, khách nội địa ước đạt 3,2 triệu lượt, tăng 3 lần so với năm 2021, phục hồi 70%. Đáng chú ý, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 21.300 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 17% trong cơ cấu kinh tế thành phố), tăng gần gấp 2 lần năm 2021 và phục hồi tương đương bằng năm 2019 (21.390 tỷ đồng).

THU HÀ

.