Kinh tế

Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất

06:15, 07/12/2022 (GMT+7)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30-11, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 toàn thành phố đạt 3.950 tỷ đồng, bằng 66,2% kế hoạch vốn Trung ương giao và đạt 50,1% kế hoạch vốn HĐND thành phố giao. Như vậy, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố chưa đạt như kỳ vọng, trong khi thời gian còn lại không nhiều.

Thi công công trình Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, khu vực Ngũ Hành Sơn. Trong ảnh: Nhà thầu xây dựng đang hoàn trả mặt bằng dự án sau thi công và đang lập thủ tục thanh, quyết toán.Ảnh: THÀNH LÂN
Thi công công trình Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, khu vực Ngũ Hành Sơn. TRONG ẢNH: Nhà thầu xây dựng đang hoàn trả mặt bằng dự án sau thi công và đang lập thủ tục thanh, quyết toán. Ảnh: THÀNH LÂN

Còn nhiều khó khăn vướng mắc

Theo Cục Thống kê thành phố, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trong tháng 11, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý giảm so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo của Cục Thống kê thành phố nhận định, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thủ tục hồ sơ còn nhiều bất cập là nguyên nhân chính dẫn đến giá trị thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn trong tháng 11 thấp hơn so với trước.

Hiện phần lớn các dự án đều dồn sức đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đạt khối lượng kế hoạch như: dự án Tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh; dự án Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam; Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng... Bên cạnh đó, một số dự án phải tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng như: dự án Cải tạo, nâng cấp đường Võ Duy Ninh; tuyến đường liên xã Hòa Phú - Hòa Ninh; khớp nối giao thông, thoát nước với tuyến mương thoát nước Khe Cạn...

Ngoài ra, một số dự án có kế hoạch vốn được giao tương đối lớn, nhưng đến nay chưa bảo đảm điều kiện để khởi công do hồ sơ thủ tục phải trải qua nhiều khâu, thay đổi phương án thiết kế, điều chỉnh dự án và thời gian nhập thiết bị máy móc như: dự án đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Trung tâm Y tế quận Thanh Khê; gói thầu xây lắp khối nhà và hạ tầng kỹ thuật; chung cư xã hội cho người có công tại đường Vũ Mộng Nguyên...

Theo Sở KH&ĐT, do còn ảnh hưởng của Covid-19 trong các tháng đầu năm, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, công tác đền bù giải tỏa; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, lũ... nên tiến độ giải ngân của các công trình, dự án chưa bảo đảm theo yêu cầu dự kiến.

Một số công trình, dự án không thể giải ngân theo kế hoạch vốn đã bố trí đầu năm với nguyên nhân  bất khả kháng, khách quan, như: dự án Cải thiện hạ tầng giao thông nguồn vốn vay lại của Trung ương (vay nước ngoài); Công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1; Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; Nhà máy nước Hòa Liên; Khu Công nghệ cao Đà Nẵng... và nhiều dự án còn vướng mắc mặt bằng như: Tuyến đường trục 1 Tây Bắc; Tuyến đường nối dài đường Nguyễn Đức Thuận đến đường Trần Hưng Đạo...

Thi công nền đường dự án Tuyến đường vành đai phía tây 2 từ đoạn đường số 8 (Khu công nghiệp Hòa Khánh) đến nút giao cuối tuyến đường tránh nam Hải Vân. Ảnh: THÀNH LÂN
Thi công nền đường dự án Tuyến đường vành đai phía tây 2 từ đoạn đường số 8 (Khu công nghiệp Hòa Khánh) đến nút giao cuối tuyến đường tránh nam Hải Vân. Ảnh: THÀNH LÂN

Tập trung quyết liệt các giải pháp

Để phấn đấu đạt cao nhất tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến đạt hơn 100% kế hoạch Trung ương giao vào cuối niên khóa tài chính, ngày 31-1-2023), Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Thanh Tâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy và HĐND thành phố, sở tham mưu UBND thành phố đã ban hành các quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn nội bộ giữa các đơn vị nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện nguyên tắc điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm và khó có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu và có khả năng giải ngân cao.

Trong quá trình điều hành, UBND thành phố quy định tỷ lệ giải ngân đến từng thời điểm trong năm để các đơn vị bám sát thực hiện; thường xuyên rà soát, thực hiện việc điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn năm 2022 đối với các dự án không thể giải ngân hoặc giải ngân chậm sang các dự án bảo đảm điều kiện bố trí vốn…

Qua đó, phân công lãnh đạo thành phố phụ trách địa bàn, lĩnh vực nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án xây dựng kế hoạch giải ngân, cam kết tỷ lệ giải ngân từng tháng; thực hiện thi công đến đâu nghiệm thu khối lượng đến đó, thực hiện thanh toán với Kho bạc Nhà nước, không để dồn vào cuối năm. Hiện, UBND thành phố tiếp tục duy trì hai tổ công tác liên ngành để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, đất đai, đầu tư…

Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Dacinco (đơn vị liên danh thi công dự án Tuyến đường vành đai phía tây 2) Nguyễn Văn Châu cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, nhà thầu và đơn vị thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đấu hoàn thành cao nhất khối lượng.

Nhiều tháng qua, đơn vị chỉ đạo thi công xuyên đêm và cả ngày nghỉ. Trong khi đó, theo kỹ sư Hồ Quốc Vinh (giám sát thi công công trình Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng và các tuyến cống chuyển nước mưa về sông Hàn cho lưu vực từ đường Hồ Xuân Hương đến giáp tỉnh Quảng Nam, khu vực Ngũ Hành Sơn) cho hay: “Thời điểm cuối năm, thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Tuy nhiên chúng tôi chỉ đạo các mũi thi công bám công trình, không kể ngày nghỉ, cứ khi nào thời tiết tốt là tiếp tục triển khai thi công, trên tinh thần hoàn thành cao nhất khối lượng...”.

Dự kiến, các tháng cuối năm 2022, khả năng tỷ lệ giải ngân của thành phố khó có sự chuyển biến tích cực do một số dự án đang tập trung triển khai thi công. Tuy nhiên, các sở, ngành chức năng tiếp tục chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục, mặt bằng cho các chủ đầu tư và nhà thầu. Mặt khác, một số dự án mới đã bảo đảm điều kiện để khởi công, tạm ứng và triển khai thực hiện… trong đó nổi bật là dự án xây dựng Bến cảng Liên Chiểu sẽ thúc đẩy giải ngân.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, các ngành chức năng của thành phố tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc được nhận diện từ nhiều năm qua do các nguyên nhân khách quan và chủ quan như: nhóm nội dung liên quan đến quy định của pháp luật còn vướng mắc, chủ yếu về lĩnh vực đất đai; tài nguyên, môi trường; nhóm các lĩnh vực ngân sách Nhà nước và công sản; xây dựng; đấu thầu; đầu tư công. Hay như nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm nội dung liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, xăng dầu, khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng, thiếu nhân công lao động...

THÀNH LÂN

.