Khôi phục kinh tế sau Covid-19: Bài cuối: Tạo bứt phá phát triển kinh tế trong giai đoạn mới

.

Nghị quyết số 298/NQ-HĐND ngày 22-5-2020 của HĐND thành phố nêu ra 4 giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tình hình Covid-19 đã được kiểm soát. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công và hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh là hai nhiệm vụ quan trọng để tạo thế và lực bứt phá trong giai đoạn mới.

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2020 của thành phố để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Triển khai thi công tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan. Ảnh: THÀNH LÂN
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2020 của thành phố để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Triển khai thi công tuyến đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan. Ảnh: THÀNH LÂN

Tăng tốc những công trình động lực, trọng điểm

Kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố năm 2020 là 14.339 tỷ đồng (kể cả dự nguồn 1.966 tỷ đồng) để đầu tư cho 536 dự án, trong đó có 43/50 dự án động lực, trọng điểm được bố trí 5.253 tỷ đồng, chiếm 42% tổng kế hoạch vốn. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 4-2020, thành phố mới giải ngân gần 1.600 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch; trong đó các công trình trọng điểm giải ngân 1.015 tỷ đồng, đạt 19,3% kế hoạch và chiếm 63,3% tổng giá trị giải ngân. Như vậy, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công còn rất lớn nên đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân chưa tăng, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Phước Sơn cho biết, thành phố đang chỉ đạo quyết liệt tiến độ khởi công cũng như tiến độ thi công đối với các dự án khởi công mới như dự án Công viên APEC - Vườn tượng APEC mở rộng; cụm công nghiệp Cẩm Lệ (giai đoạn 2); trạm trung chuyển rác thải tại khu vực đường Lê Thanh Nghị; nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác Khánh Sơn (giai đoạn 2)... Trong đó, các ban quản lý dự án phải lập kế hoạch và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, tổ chức tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thi công nhất là các công trình trọng điểm, động lực mới khởi công. Các cấp, ngành liên quan, các chủ đầu tư cần phải quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức thực hiện, nhất là trong công tác giải tỏa đền bù hiện nay còn quá chậm.

Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng cần tập trung xử lý một số dự án đã lựa chọn nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như: dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường trục 1 tây bắc (đoạn từ đường sắt đến quốc lộ 1A), hay các dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như: dự án đường vành đai phía tây; đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan… Đồng thời, sớm triển khai các thủ tục để khởi công các dự án động lực, trọng điểm như: khối nhà trung tâm của Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình Bệnh viện Đà Nẵng; khối nhà Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc; dự án Trung tâm Công nghệ sinh học kết hợp cơ sở nuôi cấy mô tế bào thực vật (giai đoạn 2)…

Trong thời gian tới, các đơn vị liên quan lựa chọn nhà thầu tư vấn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chuẩn bị công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và khởi công theo quy định gồm: xử lý ngập úng khu vực lân cận hạ lưu tuyến cống Khe Cạn - ngã ba Huế; Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ (giai đoạn 1); Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (giai đoạn 1); Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng giai đoạn 1; Trường THPT Hòa Vang (cơ sở 2)... Các ban quản lý, nhà thầu cũng kiến nghị các cấp, các ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai của từng dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Hỗ trợ đúng hướng để phục hồi tăng trưởng kinh tế

Thời gian qua, các sở, ngành đã có những giải pháp khác nhau, cụ thể, Sở Tài chính đã phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tiếp tục triển khai chính sách cho vay đầu tư theo lãi suất quy định, phối hợp với Sở KH-ĐT thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể có 100% vốn đầu tư trong nước vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng đã phối hợp với các ngành Thuế, Hải quan, Ngân hàng Nhà nước để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, ngành Thuế thực hiện chính sách giãn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 25-5, Cục Thuế đã tiếp nhận 3.538 đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền được gia hạn là 469,4 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp, tổ chức là 460,5 tỷ đồng, hộ kinh doanh là 8,9 tỷ đồng.

Về vấn đề hỗ trợ DN, theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng, bên cạnh những chính sách ngắn hạn, trực tiếp, cần có chính sách trung hạn, ổn định. Về dài hạn, các chương trình hỗ trợ DN thích ứng, phục hồi sau giai đoạn Covid-19 cần tập trung vào tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm phát triển bền vững, ngoài ra, tính khả thi của các chính sách phải phù hợp với bối cảnh thị trường thế giới đang biến động.

Còn đối với DN, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh phải gắn liền với thay đổi tư duy, chiến lược trong dài hạn để thích ứng với những biến động khó lường trong tương lai và bảo đảm sự phát triển bền vững. Bài học thực tế nhất trong những tháng đầu năm 2020 là hàng loạt DN thành phố gặp khó vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Theo dự báo của Tổ chức Tiền tệ thế giới (IMF), mức tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức 2,7%, tuy nhiên, theo tình hình thực tế tại địa phương, các sở, ngành đang khẩn trương xây dựng các kịch bản sớm khôi phục nền kinh tế thành phố trong năm 2020 và những năm tiếp theo, phấn đấu vượt con số 2,7% nêu trên. Liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến cuối tháng 5, đã có nhiều cuộc họp của Thành ủy, UBND thành phố với các sở, ban, ngành, quận, huyện, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước diễn ra.

Mới đây, thành phố đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 19-5-2020 của Thành ủy Đà Nẵng về lãnh đạo đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình Covid-19 được kiểm soát. Với quyết tâm chính trị, sự đồng lòng của các cấp, các ngành và cộng đồng DN... sẽ sớm giúp thành phố vượt qua khó khăn thách thức và nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do Covid-19. Tính đến ngày 15-5, số dư nợ của khách hàng được các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ là 7.256 tỷ đồng với hơn 2.500 khách hàng. Ngoài ra, để hỗ trợ khách hàng có vốn sản xuất, các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay, từ ngày 23-1 đến 15-5, đơn vị đã cho vay 9.383 tỷ đồng với 3.920 khách hàng được vay.

MAI QUẾ - THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.