Khôi phục kinh tế sau Covid-19: Bài 2: Phục hồi ngành du lịch

.

Đến thời điểm hiện tại, Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố được khởi động trở lại. Ngành du lịch thành phố luôn xác định việc khôi phục và phát triển du lịch phải song song với thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, an toàn cho người dân, du khách… Vì vậy, cần giải pháp đột phá mạnh mẽ để ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sớm phục hồi.

Nhiều chương trình kích cầu, ưu đãi của ngành du lịch góp phần thu hút, phục hồi các nguồn khách đến Đà Nẵng.  Trong ảnh: Du khách tham quan chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ
Nhiều chương trình kích cầu, ưu đãi của ngành du lịch góp phần thu hút, phục hồi các nguồn khách đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Du khách tham quan chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ

Doanh nghiệp chủ động “bắt tay” thu hút khách

Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Đà Nẵng, sau Covid-19 các doanh nghiệp (DN) du lịch “yếu” đi do không có du khách nhưng khi dịch bệnh được khống chế thì thị trường khách nội địa sẽ được phục hồi đầu tiên. Để bền vững và sớm phục hồi các hoạt động du lịch, các DN du lịch về lữ hành, cơ sở lưu trú, dịch vụ phải nhanh chóng bắt tay với nhau; cùng đưa ra các sản phẩm du lịch chung với chất lượng cao nhất để thu hút khách đến với Đà Nẵng sau dịch.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy nhất Đông Dương, Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung đang rất kỳ vọng vào dòng khách từ các thị trường lân cận rồi mới tới các thị trường là các tỉnh xa. Ông Thủy cho rằng, DN du lịch thành phố cần chuyển hướng kết nối, tăng cường quảng bá, “kích thích” nhu cầu đi du lịch của người dân. Trước mắt sẽ nỗ lực để thu hút được khách nội địa khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, hay mở đường bay thì sẽ có chương trình kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế. Còn ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc Công ty Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát nhìn nhận, để thu hút khách ở thời điểm này như DN của ông sẽ hướng đến các dịch vụ cho nhóm khách gia đình cần đi nghỉ dưỡng với các dịch vụ như vé máy bay, lưu trú, xe đưa đón…

Lúc này, việc có được khách hàng sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho người lao động sau một thời gian dài nghỉ việc cũng như tạo được sự nhộn nhịp cho thị trường khách du lịch nói chung. Vì thế, các DN cần thiết kế thêm các tour kích cầu với chương trình tour phong phú, giá dịch vụ ưu đãi để có thể thu hút thêm du khách...

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ, với mục tiêu phục hồi du lịch sau Covid-19, Đà Nẵng nói riêng, ba địa phương trong vùng nói chung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam) cần có chiến lược, bảo đảm cho chặng đường phát triển du lịch lâu dài. Điều quan trọng là phải làm sao để du khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Do đó, những người làm du lịch phải cùng ngồi lại, xây dựng chuỗi sản phẩm, làm mới dịch vụ, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến. Có như vậy mới có thể thu hút khách đến nhiều hơn trong thời điểm hiện nay.

Phục hồi nhanh ngành kinh tế mũi nhọn

Một trong những nội dung được ngành du lịch thành phố Đà Nẵng triển khai sớm để phục hồi kinh tế du lịch hậu Covid-19 là nhanh chóng tung ra các chương trình kích cầu du lịch. Chương trình kích cầu này được các chuyên gia du lịch, những người làm du lịch đánh giá rất cao vì sự kịp thời và nhanh chóng.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố phân tích, ngay sau khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam có kế hoạch kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” thì Đà Nẵng đã tung ra các chương trình kích cầu của địa phương ngay sau đó. Các sản phẩm được kích cầu có nhiều dịch vụ ưu đãi, hấp dẫn, nhiều giá trị tăng thêm cho du khách tại các nhóm dịch như như tour tham quan, lưu trú, ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí, vận chuyển.... và tạo được sức hút đối với du khách”.

Thống kê sau gần 20 ngày triển khai các sản phẩm kích cầu, các công ty lữ hành trên địa bàn thành phố bán được khoảng 4.100 khách theo combo khách sạn 5 sao cho tour 3 ngày 2 đêm và tour trọn gói khách sạn 3 sao. Ngoài các tour trọn gói và combo 3 ngày 2 đêm trên, các công ty cũng bán được nhiều tour kích cầu khác với lượng khách khá tốt và khách đã đặt nhiều tour cho đến tháng 8-2020 như Công ty CP Việt Nam Travel Mart với 1.000 khách; Công ty Vietravel chi nhánh Đà Nẵng có 2.275 khách; Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours với 2.500 khách... Tổng số cơ sở lưu trú du lịch ước tính đến tháng 5-2020 là 993 cơ sở với 41.404 phòng, tính đến nay có khoảng gần 550/993 cơ sở, chiếm 55% cơ sở lưu trú du lịch đã hoạt động trở lại để bắt đầu đón khách.

Ông Cao Trí Dũng cho rằng, nếu tình hình cho phép, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng đề xuất Chính phủ và lãnh đạo địa phương dần dần khôi phục song phương một số thị trường cũng kiểm soát dịch tốt như Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cộng đồng DN du lịch đã sẵn sàng, khôi phục gần như đầy đủ các dịch vụ để phục vụ du khách. Ngoài việc tăng tiện ích, giá trị dịch vụ cho du khách nội địa đến Đà Nẵng trong thời điểm này, thời gian tiếp theo, Hiệp hội Du lịch thành phố cùng với các sở, ngành liên quan sẽ xác định một số thị trường tiềm năng nước ngoài có thể phục hồi nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn về dịch bệnh để đề xuất từng bước khôi phục, mở lại một số đường bay. “Chúng tôi cũng đã làm việc với các hãng hàng không, các đối tác nước ngoài, họ cũng sẵn sàng tinh thần khôi phục các nguồn khách đến với Đà Nẵng khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn; hy vọng năm 2020 sẽ khôi phục được một phần thị trường du lịch quốc tế, năm 2021 ngành du lịch sẽ tăng trưởng trở lại”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết thêm.

Trước đó, trong buổi họp báo công bố chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút khách đến với Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh khẳng định, đối với thành phố, du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội được xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó, ngành du lịch cần tập trung triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các giải pháp để tái khôi phục thị trường khách, hỗ trợ phát triển DN, phục hồi hoạt động du lịch, thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trước tác động nặng nề của Covid-19, cùng với cả nước, thành phố Đà Nẵng đã triển khai các kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế; trong đó đẩy nhanh khôi phục hoạt động của ngành du lịch với giải pháp ưu tiên thị trường khách nội địa trong 6 tháng cuối năm 2020; phối hợp với các hãng hàng không trong nước khai thác nguồn khách từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Gia Lai...; chú trọng liên kết vùng để trao đổi khách, thúc đẩy giao thương kinh tế thông qua thực hiện các ghi nhớ liên kết phát triển du lịch các địa phương...

Sở Du lịch thành phố đưa ra 8 nhóm giải pháp cụ thể để phục hồi ngành du lịch của địa phương; trong đó, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng, xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí an toàn trong phục vụ du lịch, triển khai các kế hoạch truyền thông điểm đến Đà Nẵng năm 2020 và xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời, xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay, trong đó có hỗ trợ quảng bá và tổ chức đón các chuyến bay đầu tiên từ các thị trường mới, phối hợp với các DN du lịch, các hãng hàng không đề xuất giải pháp hỗ trợ duy trì ổn định đường bay, nâng cao hiệu suất khai khác; nghiên cứu khảo sát và đánh giá các thị trường khách có khả năng phục hồi thị trường cao để đề xuất các giải pháp xúc tiến, quảng bá thu hút khách phù hợp. Sở Du lịch cũng triển khai các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ khách thông qua việc xây dựng và triển khai 9 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp phục vụ khách du lịch; theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ DN tiếp cận một số chính sách, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; triển khai các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương, xây dựng sản phẩm du lịch mới, các gói kích cầu sản phẩm; triển khai các đề án lớn liên quan đến lĩnh vực du lịch của thành phố tăng thêm tính đa dạng của sản phẩm, điểm đến.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.