Khôi phục kinh tế sau Covid-19: Bài 3: Sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới

.

Đà Nẵng hiện đứng trước cơ hội đón nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, do vậy, thành phố đang khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, thay đổi các hình thức xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách... để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Thu hút vốn đầu tư trong nước lại tăng mạnh là kết quả của những nỗ lực của thành phố nhằm xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức cao.  TRONG ẢNH: Công ty TNHH KMS Technology khai trương văn phòng tại  Đà Nẵng vào tháng 12-2019. Ảnh: KHANG NINH
Thu hút vốn đầu tư trong nước lại tăng mạnh là kết quả của những nỗ lực của thành phố nhằm xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức cao. TRONG ẢNH: Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Wakumo Việt Nam. Ảnh: KHANG NINH

Nỗ lực kêu gọi đầu tư trong nước

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), từ đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút được 13.292 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và trên 80 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng Phạm Trường Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, trong đó 7 dự án đầu tư trong nước (gấp 3 lần so với cùng kỳ 2019) với vốn đăng ký trên 250 tỷ đồng (tăng 73,5%) và một dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 60 triệu USD (chiếm 72% nguồn FDI thu hút toàn thành phố trong cùng giai đoạn). Ngoài ra, Ban quản lý KCNC&CKCN cũng đã điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án FDI với vốn đầu tư tăng thêm gần 3,8 triệu USD.

Ông Sơn đánh giá: “Tình hình thu hút vốn FDI giai đoạn đầu năm chững lại do tác động của Covid-19. Số dự án, giá trị đầu tư mà thành phố kỳ vọng cao hơn nhưng vì Covid-19 mà hàng loạt dự án lớn, có tổng mức đăng ký đầu tư lớn phải dừng lại. Các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại một số thị trường tiềm năng đang tạm hoãn, các đoàn doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã đăng ký làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng phải tạm dừng. Tuy vậy, thu hút vốn đầu tư trong nước lại tăng mạnh và đây là kết quả của những nỗ lực của thành phố nhằm xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến mức cao”.

Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Huỳnh Thị Liên Phương nhìn nhận, hiện đang xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

Theo bà Phương, xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện từ trước Covid-19 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và xu hướng đa dạng hóa thị trường, dự báo xu hướng này sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai do tác động của Covid-19. Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chủ trương đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư nhằm đón làn sóng chuyển dịch dòng vốn FDI này.

Đối với Đà Nẵng, các yếu tố quan trọng nhất là chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng, thay đổi phương pháp và chiến lược xúc tiến,  hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thuộc những lĩnh vực mà thành phố ưu tiên (công nghệ thông tin, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học...).

Bà Phương cho hay, hiện Đà Nẵng đang điều chỉnh chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020 cho phù hợp với thực tế dịch bệnh; trong đó, công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ được chú trọng thông qua việc thường xuyên gặp mặt, đối thoại DN, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho nhà đầu tư triển khai dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. UBND thành phố cũng tiếp tục hỗ trợ và giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đang xúc tiến để sớm cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2020.

Song song với việc kêu gọi nhà đầu tư từ bên ngoài là việc chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện từ bên trong. Theo ông Phạm Đình Thành Hoàng, Trưởng phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở KH-ĐT), để kịp thời đón các làn sóng đầu tư FDI và tiếp cận với các DN FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau Covid-19, thành phố đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị một số quỹ đất để kêu gọi đầu tư.

Cụ thể, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục liên quan để hình thành Khu Công viên phần mềm số 2; xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án vào Khu Công nghệ thông tin tập trung; kêu gọi đầu tư Khu Công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), Khu Công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 (quận Cẩm Lệ), Khu Công nghiệp Hòa Ninh (huyện Hòa Vang)...

Bên cạnh đó, triển khai bảo đảm tiến độ đầu tư hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao giai đoạn 1, 2 và các công trình phụ trợ. Khi hoàn thành, thành phố Đà Nẵng sẽ có tổng cộng 10 KCN với tổng diện tích khoảng 2.202ha.

Chuẩn bị điều kiện đón làn sóng đầu tư mới  

Trong tháng 5-2020, Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã ban hành hướng dẫn khung tiêu chí đánh giá sự phù hợp, xét chọn công nghệ, sản phẩm của dự án đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.

Sở KH-ĐT cũng chuẩn bị triển khai phần mềm “Quản lý, giám sát dự án đầu tư” để quy trình hóa các thủ tục liên quan đến xúc tiến và cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án ngoài các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung.

Đồng thời, đẩy mạnh đăng ký kinh doanh trực tuyến, đăng ký kinh doanh tại nhà nhằm giảm chi phí, sớm đưa DN gia nhập thị trường. Ngoài ra, chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, DN, triển khai nhanh các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là những giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế thành phố đến cuối năm 2020 và những năm đến.

Đồ họa: KHANG NINH
Đồ họa: KHANG NINH

Trong 6 tháng cuối năm, thành phố thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn đầu tư năm 2020 theo kế hoạch và tiếp tục triển khai thực hiện “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, trong đó đẩy mạnh công tác quảng bá, cung cấp thông tin, thu hút đầu tư vào Đà Nẵng qua mạng; đa dạng hóa các hình thức kết nối nhà đầu tư, tổ chức hiệu quả các cuộc họp và làm việc trực tuyến; duy trì hợp tác, kết nối với các tổ chức quốc tế như JETRO, KOTRA, AMCHAM, AUSCHAM, SBF, IE Singapore, AHK… nhằm kết nối DN, hợp tác về xúc tiến đầu tư.

Đồng thời tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, để giảm chi phí thời gian cho DN, người dân; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của DN; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; chủ động khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

Đồng thời có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ. UBND thành phố cũng tập trung triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020.

Thành phố cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại; ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hội nghị hội thảo quốc tế tổ chức tại thành phố Đà Nẵng; triển khai công tác liên quan đến việc đặt trụ sở chính thức của Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng; phối hợp chuẩn bị và tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - New Zealand; tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác với các địa phương trên thế giới; xúc tiến Diễn đàn Thị trưởng các thành phố hợp tác và phát triển - Đà Nẵng 2020; xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Việt - Nhật trong bối cảnh Covid-19.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.