Hành trình lớn từ những bước đi nhỏ

.

Tại cuộc thi DevFest Hackathon 2018 (tạm dịch: Lập trình nhanh) do Google Developer Group MienTrung và Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 12, các bạn trẻ đam mê công nghệ thông tin (CNTT) đến từ các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn thành phố đã đưa ra nhiều ý tưởng, mô hình công nghệ hữu ích phục vụ quá trình xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng.

Ngoài lập trình, các sinh viên công nghệ thông tin còn được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm.
Ngoài lập trình, các sinh viên công nghệ thông tin còn được rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm.

Trên sân khấu của DevFest Hackathon 2018, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thanh Long, Phạm Đình Sửu (Trường Đại học Kinh tế-ĐH Đà Nẵng) tự tin trình bày về mô hình DanaQueue - một ứng dụng giúp người dân đặt lịch giao dịch các thủ tục hành chính công.

Khi dùng ứng dụng này, người dân có thể hẹn giờ giao dịch, tra cứu số thứ tự, nhận thông báo khi sắp đến lượt..., trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể nắm bắt mọi thông tin về việc giao dịch của người dân như: người dân thường đến làm thủ tục hành chính công vào thời điểm nào trong ngày, tổng thời gian chờ đợi là bao lâu... Đặc biệt, khi có thay đổi về trụ sở cơ quan, quy trình thực hiện các thủ tục, DanaQueue có thể giúp cập nhật và gửi thông báo đến người dân kịp thời.

Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Ý tưởng về một ứng dụng hỗ trợ người dân làm thủ tục hành chính công đến với chúng tôi từ khá lâu trước khi tham gia DevFest Hackathon 2018. Song lúc ấy, ý tưởng này mới chỉ dừng lại ở những suy nghĩ, phác thảo sơ lược. Đến khi đi thi, nhóm bỏ ra gần 48 giờ liên tục để đào sâu ý tưởng, lập trình, phát triển mô hình thử nghiệm, chỉnh sửa các lỗi để ra được một sản phẩm tương đối hoàn thiện”.

Một nhóm sinh viên khác là Phạm Tấn Tài, Vũ Giang, Bùi Vĩnh Phúc (Trường Đại học Duy Tân) lại đưa ý tưởng về sản phẩm Wiinav. Đây là một ứng dụng có đầy đủ các chức năng cơ bản của một bản đồ kỹ thuật số, ngoài ra còn cung cấp những tiện ích khác báo cáo về tình trạng giao thông đường phố, gợi ý những điểm nổi bật trên bản đồ như nhà hàng, trạm xăng... Nhờ sử dụng tốt các công nghệ mới, Wiinav đã giành được giải Toàn diện - giải thưởng cao nhất tại DevFest Hackathon 2018.

Bên cạnh đó, các sinh viên còn đem đến rất nhiều ý tưởng, mô hình công nghệ khác liên quan thiết thực đến việc xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng. Đơn cử như sản phẩm FUNiX - Theo dõi và giám sát nồng độ bụi trong thành phố do 3 sinh viên Võ Tiến Công, Phạm Khánh Huy và Nguyễn Quốc Trung (Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng) thực hiện. Theo Võ Tiến Công, mục đích của ứng dụng là lấy được dữ liệu và hiển thị chỉ số của nồng độ bụi. Nếu ở mức nguy hiểm, ứng dụng sẽ gửi thông báo để cảnh báo người dùng. Dự kiến, Funix sẽ phát triển ứng dụng để người dùng có thể theo dõi mức độ bụi ô nhiễm ở từng khu vực khác nhau trên điện thoại.

Nhìn nhận về sản phẩm FUNiX, ông Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học Greenwich Việt Nam tại Đà Nẵng cho rằng: “Sản phẩm của các thành viên FUNiX có tính ứng dụng và khả thi rất cao. Nếu sản phẩm được triển khai sẽ giúp chính quyền thành phố biết được nồng độ bụi để cân bằng môi trường theo từng khu vực. Đà Nẵng cũng có thể đưa ra những cảnh báo để người dân cải thiện chất lượng sống”.

Đối với các dự án khác tại DevFest Hackathon 2018 như: giải pháp đỗ xe thông minh; ứng dụng tạo cuộc bầu cử; ứng dụng quản lý đèn đường, đèn giao thông và camera giám sát; ứng dụng cảnh báo sóng thần và thời tiết xấu cho ngư dân... đều được lập trình trong vòng 48 giờ trong khuôn khổ cuộc thi dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết từ đội ngũ hơn 30 cố vấn là các lập trình viên cao cấp từ các công ty công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

DevFest Hackathon là một trong những sự kiện tiên phong tại Đà Nẵng trong việc xây dựng một sân chơi chung cho các bạn trẻ đam mê CNTT. Anh Đặng Đức Nam (Công ty TNHH Axon Active Việt Nam) cho rằng, tham gia cuộc thi, các thí sinh không chỉ lập trình mà còn rèn luyện các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình, đánh giá mức độ khả thi của dự án...

Đây là những kỹ năng cần thiết để các sinh viên CNTT được tuyển dụng vào các doanh nghiệp. Ngô Hà Văn Đạt (sinh viên Trường Đại học Duy Tân) chia sẻ: “Những ngày đồng hành cuộc thi và các bạn chơi, các anh chị lập trình viên dày dạn kinh nghiệm là cơ hội đáng quý để tôi trải nghiệm và học hỏi nhiều. Một sản phẩm công nghệ có thể bắt đầu từ ý tưởng tốt, nhưng nó cần đến rất nhiều yếu tố khác để có thể trở thành một ứng dụng tốt”.

Chị Nguyễn Thị Phương Nhi, người sáng lập cộng đồng Google Developer Group MienTrung cho biết: “Có những thí sinh thắng giải DevFest Hackathon các năm trước năm nay cũng về tham gia với vai trò cố vấn.

Cũng có những đội thi năm trước đã thi, năm nay lại đăng ký tham gia để tiếp tục phát triển dự án. Rất nhiều những hướng dẫn cụ thể và chi tiết từ các cố vấn được thí sinh ứng dụng được ngay tại cuộc thi. Chúng tôi khuyến khích các bạn lập trình viên mơ những giấc mơ lớn, nhưng hãy bắt đầu từ những điều thiết thực và cụ thể”.

Bài và ảnh: PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.