Hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng với lượng mưa quá lớn

.

Trong ngày 9 và 10-12, thành phố Đà Nẵng trải qua trận mưa lớn khiến hầu hết các khu vực trung tâm như quận Hải Châu và Thanh Khê cũng như một số khu vực ở quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang ngập sâu. Khả năng chịu tải của hạ tầng thoát nước đã không đáp ứng được điều kiện thời tiết mưa lớn kéo dài; ngoài ra, yếu tố con người, hoạt động xây dựng hiện nay cũng cản trở năng lực thoát nước đô thị.

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng:

Một số dự án thi công dang dở ảnh hưởng đến thoát nước

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lượng mưa tại thành phố Đà Nẵng phổ biến từ 100-200mm, có nơi hơn 300mm. Đây là trường hợp mưa cực đoạn, chưa từng xảy ra trước đây.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với hội tụ gió tây trên cao, khu vực các quận trong thành phố Đà Nẵng đã có mưa rất to, lượng mưa từ 8-11 giờ ngày 9-12 phổ biến 40-70mm, riêng quận Cẩm Lệ 79mm.

Do lượng mưa quá lớn, vượt khả năng của hệ thống thoát nước đô thị hiện trạng của thành phố nên đã gây ngập úng nhiều khu vực. Một số dự án đang triển khai thi công dở dang, ảnh hưởng đến thoát nước của hệ thống; mặt khác, một số vị trí mương, cống, cửa thu nước bị tắc nghẽn cục bộ.\

Kỹ sư  Mai Thiệu Quang (Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế BK-EEC; thành viên Viện kỹ thuật hạ tầng CEI, Hội viên Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng):

Cần nghiên cứu và áp dụng giải pháp thoát nước đô thị hiệu quả

Với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay, xuất hiện thời tiết cực đoan, trong quá trình quy hoạch đô thị, thiết kế hạ tầng thoát nước phải xem xét kỹ đến tình hình thời tiết, tính chất mưa, lượng mưa để có thông số thiết kế phù hợp, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước khi các trận mưa đặc biệt lớn xảy ra.

Việc ngập cả thành phố vừa qua để lại nhiều thông tin, cơ sở dữ liệu cho hoạt động thiết kế đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị mới phải có cao trình phù hợp, tránh những trường hợp cao trình chênh lệch cao - thấp dẫn đến việc không đấu nối được hệ thống thoát nước.

Quy hoạch đô thị phải tính toán tổng thể làm sao hệ thống cống rãnh thoát nước có khẩu độ phù hợp, đủ số lượng để tiêu thoát nước, giảm ngập úng thay cho hạ tầng cũ là các ao, hồ đã bị san lấp. Nếu bảo đảm đúng thiết kế sẽ tiêu thoát hết lượng nước mưa đã được tính trước từ các trận mưa lịch sử như vừa qua.

Với lượng mưa trên 300mm lại diễn ra trong thời gian dài ở thành phố Đà Nẵng vừa qua, hiện tại không có hệ thống thoát nước ở đô thị nào có thể đáp ứng tiêu nước ngay được.

Giải pháp nâng cao năng lực thoát nước cho đô thị Đà Nẵng là cần có quy định chủ động nạo vét cống và cửa thu trước mùa mưa, huy động tổng lực cả Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cùng người dân tham gia.

Cần đồng bộ hóa hệ thống cửa thu cải tiến vừa phải ngăn rác vừa phải ngăn mùi và ít bị tắc do mắc rác. Việc cải tạo cửa thu cần làm đồng loạt, chứ không phải từng đường như hiện nay sẽ không phát huy hiệu quả.

Tiến sĩ Quách Thị Xuân (Trưởng phòng Đô thị, Viện Nghiên cứu Phát  triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng:

Chống ngập đô thị dựa vào cộng đồng; dựa vào tự nhiên

Trước hết, phải thấy rằng, những vùng ngập là những khu vực thấp trũng trong nội đô và vùng ngoại ô. Nghĩa là một trong những nguyên nhân ngập đầu tiên là do mưa nhiều giờ, nhiều ngày với lượng mưa tập trung rất lớn.

Nhưng một số khu vực nội thị ngập nặng hơn và thời gian ngập lâu hơn, thì có một số nguyên nhân là do khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước đô thị nhỏ hơn so với lượng nước cần tiêu thoát.

Giải pháp chống ngập úng đô thị, theo tôi cần phát huy giải pháp dựa vào cộng đồng (community-based solutions) và giải pháp thuận thiên (natural-based solutions) bao gồm:

Quản lý tốt hệ thống tiêu thoát nước, tăng cường năng lực và khuyến khích người dân (những người có điều kiện ở gần các cửa thu nước) trong việc quản lý các cửa thu nước này; giữ và nạo vét thường xuyên các hồ điều hòa, khu trữ nước tự nhiên và nghiêm cấm việc lấn chiếm, san lấp các khu vực này.

Ngoài ra, cần chủ động dự báo mưa, thông tin về mưa và các điểm có khả năng ngập để người dân phòng tránh thiệt hại.

KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng:

Cần chú trọng quy hoạch hành lang thoát lũ cho các khu đô thị

Đợt mưa trong 3 ngày vừa qua là cực lớn nên không riêng Đà Nẵng mà các thành phố, đô thị miền Trung từ Đà Nẵng đến Bình Định đều bị ngập nặng. Tại thành phố Đà Nẵng do cường độ, tần suất mưa ngày càng lớn dẫn đến hệ thống thoát nước không bảo đảm (vượt tần suất tính toán).

Các hồ điều tiết mất khả năng thu gom, hệ thống bơm không thể xử lý nên nhiều khu vực có cao độ nền quá thấp bị ngập nặng. Từ đó, nhận biết hệ thống hạ tầng đô thị của Đà Nẵng bộc lộ một số nhược điểm. Về giải pháp, theo tôi, trước mắt cần đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống, có bài toán tổng thể mang tính chiến lược, giải pháp căn cơ hơn trong thoát nước.

Đặc biệt, có phương án chủ động đối mặt với tình trạng ngập úng hằng năm do yếu tố cực đoan của khí hậu và do phát triển đô thị; kiểm soát sử dụng đất, hạn chế phát triển đô thị tại khu vực trũng thấp (xây dựng vùng chứa lũ) để hạn chế gia tăng mực nước sông ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ. Đây là nguy cơ gây ngập lụt, ngập úng đô thị trong tương lai.

Để giải cứu đường phố Đà Nẵng khỏi bị ngập trong mùa mưa, hệ thống thoát nước phải làm tốt hơn, nghĩa là phải thay thế sửa chữa các cống có khả năng tích đủ lưu lượng chứa thay cho các hồ điều hòa đã mất, tránh tình trạng quá tải cho hệ thống thoát nước; xây dựng các trạm bơm chống ngập tại các vị trí tụ thủy tại khu vực trung tâm là giải pháp căn cơ, lâu dài và phù hợp với điều kiện địa hình.

Trong quá trình quy hoạch cần lưu ý mở rộng các hành lang thoát lũ, dành đất xây dựng các hồ điều tiết tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảng xanh để tăng hệ số thẩm thấu nước; ưu tiên sử dụng kênh thoát nước để tăng khả năng thoát nước.

PHƯƠNG TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.