Chính trị - Xã hội

Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam

08:58, 07/04/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ báo chí được tạo điều kiện phát huy quyền dân chủ, hoạt động cởi mở, thông thoáng như thời điểm hiện nay. Theo thống kê, đến nay cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người ( theo Thông tấn xã Việt Nam, số liệu về các cơ quan báo chí năm 2022). Đây được xác định là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Quyền tự do báo chí được hiến định tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và Luật An ninh mạng và hàng loạt các nghị định, thông tư đã dần hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận cho tổ chức, cá nhân công dân.

Các thế lực thù địch ra sức đơm đặt rằng, Việt Nam không có tự do báo chí vì không có báo chí tư nhân và báo chí bị kiểm soát gắt gao. Vậy, không có báo chí tư nhân có đồng nghĩa với không có tự do báo chí? Và báo chí ở Việt Nam có bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng hay không?

Đúng là ở nước ta không có báo chí tư nhân nhưng không hề tồn tại lỗ hổng thông tin. Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền nói lên tiếng nói của mình thông qua các ấn phẩm, tạp chí, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà mình tham gia. Ngoài báo phổ thông, nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương còn xuất bản ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số hay xuất bản tờ báo dành riêng cho cộng đồng bà con dân tộc thiểu số. Điển hình như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã dành chuyên kênh phát thanh, truyền hình bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc như Mông, Khơ me, Êđê, Giarai, Bana, Xơ đăng, Cơ ho…

Đến nay, sau 3 năm triển khai Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Nhà nước đã cấp miễn phí 19 tờ báo, tạp chí và các loại ấn phẩm chuyên đề, báo, tạp chí dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng khó khăn với tổng số lượng hằng năm hơn 34 triệu bản cung cấp cho 424.529 đối tượng được thụ hưởng.

Báo chí Việt Nam luôn chú trọng thay đổi nội dung, hình thức, cải tiến cả cách tiếp cận, khai thác và truyền tải thông tin để mang lại lợi ích tối đa cho người dân, là những diễn đàn người dân có thể bày tỏ ý kiến, kiến nghị hợp pháp của mình. Như vậy, có thể nói rằng, tuy không có báo chí tư nhân Việt Nam vẫn đảm bảo không có khoảng trống thông tin trong xã hội.

Cần khẳng định rõ, ở Việt Nam “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng” (khoản 3 Điều 13 Luật Báo chí). Đảng, và Nhà nước đề ra định hướng, quan điểm, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Cơ quan báo chí có quyền thông tin, và tạo mọi điều kiện để thông tin nhưng phải chịu trách nhiệm về thông tin đưa ra. Việc lợi dụng báo chí để bóp méo sự thật, phát tán tài liệu tổn hại đến an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân công dân bị nghiêm cấm. Điều này thể hiện sự bình đẳng, nghiêm minh của pháp luật nhằm bảo hộ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính ở Việt Nam.

Dù ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là quyền tự do vô giới hạn, tự do tuyệt đối mà phải gắn với chế độ chính trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức, pháp lý cụ thể. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân như quy định của Luật Báo chí. Như vậy, có thể còn khiếm khuyết nhưng thực tiễn chỉ ra rằng Việt Nam luôn bảo vệ tự do báo chí và ngày càng chú trọng hoàn thiện thể chế để quyền này càng được phát huy, nhân rộng.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP

.