Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (1913 - 2023)

Người cộng sản kiên trung, mẫu mực; học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học và yêu nước, đồng chí Hồ Nghinh từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh và hiếu học. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, đồng chí ra Huế học trường Quốc học. Tại đây, đồng chí đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong trào yêu nước và tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Đồng chí Hồ Nghinh khi ở Hòn Tàu. (Ảnh tư liệu, nguồn: baoquangnam.vn)
Đồng chí Hồ Nghinh khi ở Hòn Tàu. (Ảnh tư liệu, nguồn: baoquangnam.vn)

Những năm 1943-1944, đồng chí bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh, tiếp thu chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh. Tháng 8-1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Tháng 2-1946, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Duy Xuyên, vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương; rồi tham gia Huyện ủy Duy Xuyên. Tháng 3-1947, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện.

Năm 1950, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh. Tháng 7-1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Đồng chí Hồ Nghinh được tổ chức phân công ở lại hoạt động công khai dưới vỏ bọc ngoài là Bí thư Đảng bộ Đảng Xã hội tỉnh Quảng Nam. Hiệp định ký chưa ráo mực thì chính quyền tay sai do Mỹ hậu thuẫn đã ngang nhiên xé bỏ, khủng bố khốc liệt phong trào cách mạng của nhân dân ta.

Không thể hoạt động như dự kiến, được tổ chức đồng ý, đồng chí Hồ Nghinh phải tìm cách ra miền Bắc. Trở ra miền Bắc, đồng chí Hồ Nghinh tham gia công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở tỉnh Nam Định; sau đó về công tác ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Từ năm 1957 đến năm 1959, đồng chí Hồ Nghinh được điều về công tác tại Đặc khu Vĩnh Linh (khu vực giáp với giới tuyến quân sự tạm thời), làm Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy, phụ trách công tác dân vận - mặt trận.

Năm 1959, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, để giúp các địa phương miền Nam chuyển hướng đấu tranh, Trung ương điều động một số cán bộ tập kết ra miền Bắc trở lại miền Nam tham gia công tác, đồng chí Hồ Nghinh là một những người đầu tiên trở lại quê hương. Tháng 8-1959, về đến Quảng Nam, đồng chí Hồ Nghinh được bổ sung vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tháng 1-1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng lần thứ IV tiến hành tại thôn Adhur (A Duân), bên bờ sông A Vương, huyện Bến Hiên (nay thuộc huyện Đông Giang), đồng chí Hồ Nghinh được bầu lại vào Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cuối năm 1960, đồng chí Trương Chí Cương, Bí thư Tỉnh ủy được điều về khu; đồng chí Phạm Tứ (Mười Khôi) làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Nghinh được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Cuối năm 1962, thực hiện chủ trương của Khu ủy 5, Tỉnh ủy họp tại Nà Cau (Tiên Lãnh, Tiên Phước) quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà. Tháng 1-1963, Đảng bộ tỉnh Quảng Đà tiến hành Đại hội tại làng Đào, huyện Bến Hiên; đồng chí Hồ Nghinh được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà. Năm 1964, phong trào và lực lượng cách mạng Đà Nẵng phát triển mạnh, Khu ủy 5 quyết định tách Đà Nẵng ra khỏi Quảng Đà và thành lập Thành ủy Đà Nẵng; đồng chí Hồ Nghinh được cử kiêm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Tháng 12-1964, Đảng bộ tỉnh Quảng Đà tiến hành Đại hội tại Ô Rây, huyện Đông Giang; đồng chí Hồ Nghinh tiếp tục được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 5-1967, để tập trung chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị, được sự chỉ đạo của Khu ủy 5, đồng chí Hồ Nghinh thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà để tập trung cho nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Tháng 11-1967, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà thành Đặc khu Quảng Đà. Khu ủy cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy trực tiếp làm Bí thư; đồng chí Hồ Nghinh cùng một số đồng chí khác được cử làm Phó Bí thư Đặc khu ủy. Sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đồng chí Trương Chí Cương được điều về lại Khu ủy, đồng chí Hồ Nghinh được cử làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, Đà Nẵng được xác định là địa bàn trọng điểm của chiến trường Khu 5. Với trách nhiệm của mình, đồng chí đã vào tận nội thành Đà Nẵng giữa ban ngày để nắm tình hình địch.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, địch đánh phá ác liệt, nhiều vùng ở Quảng Đà bị chúng cày xới nhiều lần, không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động; dân không trụ bám nổi ở vùng giải phóng. Trong tình thế nóng bỏng ấy, đồng chí Hồ Nghinh quyết định đưa Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà về đứng chân ở Gò Nổi, nơi bị đánh phá, cày ủi liên tục ngày đêm. Chính nhờ luôn ở phía trước, nhìn tận mặt quân thù, chia sẻ, đồng cảm với bao nỗi đau thương, căm phẫn của đồng bào, đồng chí mà đồng chí Hồ Nghinh đã có những quyết sách kịp thời, chính xác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho quê hương.

Tại Đại hội Đảng bộ Khu 5 lần thứ III (1973), đồng chí Hồ Nghinh được bầu vào Khu ủy và được Khu ủy bầu vào Ban Thường vụ Khu ủy 5; được phân công phụ trách phong trào đấu tranh ở đô thị. Đồng chí còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, đồng chí cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu 5 trực tiếp tham chỉ đạo giải phóng Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng. Ngày 30-3-1975, ngay sau khi Đà Nẵng được giải phóng, để tăng cường chỉ đạo Đà Nẵng, Ban Thường vụ Khu ủy 5 quyết định cử đồng chí làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng. Tháng 10-1975, Đặc khu Quảng Đà và tỉnh Quảng Nam được sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; đồng chí Hồ Nghinh được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 4-1976, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, tháng 12-1976, đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI (vòng 2) tháng 4, 5-1977 và Đại hội lần thứ XII, tháng 12 năm 1979, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Bí thư Tỉnh ủy.

Công lao to lớn của đồng chí Hồ Nghinh trong thời gian này, là góp phần chỉ đạo đưa Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành tỉnh phát triển toàn diện ở miền Trung, một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước, nhất là trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tại Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4-1982, đồng chí được Trung ương điều động về công tác ở Ban Kinh tế Trung ương, giữ chức vụ phó trưởng ban. Đồng chí Hồ Nghinh đã góp phần cho quá trình chuẩn bị Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, một nghị quyết đóng vai trò then chốt để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ.

Năm 1986, đồng chí Hồ Nghinh nghỉ hưu. Đồng chí từ trần ngày 15-3-2007. Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hồ Nghinh được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Giải phóng Hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hồ Nghinh (15-2-1913 - 15-2-2023) là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng ôn lại truyền thống, trân trọng, biết ơn và noi theo. Đồng chí Hồ Nghinh là người có đầy đủ những đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn; là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy)

;
;
.
.
.
.
.