Giáo viên quốc phòng tận tâm, yêu nghề

.

Nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đà Nẵng rất quan tâm đến chất lượng dạy và học bộ môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ thầy cô giáo dạy môn học này.

Tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy

Thầy Lưu Văn Hoàn hiện là Phó tổ trưởng Tổ Giáo dục quốc phòng - an ninh Trường THPT Phan Châu Trinh với thâm niên 13 năm giảng dạy môn học này. Thầy là một trong 32 giáo viên của thành phố được đào tạo chính quy và có văn bằng 2 về giáo dục quốc phòng cho học sinh THPT. Nền tảng kiến thức vững cộng với lòng yêu nghề, các tiết học của thầy luôn sôi nổi, thu hút học sinh.

Trường THPT Phan Châu Trinh năm học 2019-2020 có 93 lớp với 3.639 học sinh, là trường duy nhất trên địa bàn thành phố năm học vừa rồi có 100% học sinh khối 11 và 99,9% học sinh khối 12 đạt loại giỏi môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Để đạt kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân học sinh, còn có vai trò rất quan trọng trong việc luôn đổi mới phương pháp giảng dạy của thầy cô bộ môn. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, theo thầy Hoàn, chính là việc sử dụng hệ thống tivi, âm thanh sống động trong mỗi bài học lý thuyết, sự kết hợp giữa đồ họa và quan sát trực quan cũng như việc cập nhật tình hình an ninh quốc phòng trong nước, thế giới trong giờ học thực hành.

Tập huấn giáo viên bộ môn giáo dục quốc phòng - an ninh các trường THPT năm 2020 sử dụng máy bắn tập MBT 03 tại Trường THPT Phan Châu Trinh.Ảnh: Minh Khuê
Tập huấn giáo viên bộ môn giáo dục quốc phòng - an ninh các trường THPT năm 2020 sử dụng máy bắn tập MBT 03 tại Trường THPT Phan Châu Trinh.Ảnh: Minh Khuê

Sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục - Thể thao Đà Nẵng, cô Nguyễn Thị Mỹ Nữ tham gia giảng dạy thể chất tại Trường THPT Ngô Quyền. Trở về từ khóa đào tạo văn bằng 2 tại Trường Sĩ quan Lục quân với tấm bằng đỏ, cô trở thành giáo viên chuyên trách giảng dạy Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Vóc dáng nhỏ bé song tác phong luôn nhanh nhẹn, dứt khoát, nhiều năm liền cô được Sở GD&ĐT tin tưởng giao bồi dưỡng đội tuyển tham gia các hội thao Giáo dục quốc phòng - an ninh dành cho học sinh THPT toàn quốc.

Cô Nữ tâm sự: “Đối với bộ môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, các thầy giáo có nhiều thuận lợi hơn trong giảng dạy, đặc biệt là nội dung thực hành. Tuy nhiên, cô giáo lại chiếm ưu thế bởi khả năng nhạy bén trong nắm bắt tâm lý học sinh, từ đó điều chỉnh bài giảng đạt hiệu quả tiếp thu cao nhất”.

Hoàn thành tốt công việc giảng dạy, nhiều năm liền thầy Lưu Văn Hoàn và cô Nguyễn Thị Mỹ Nữ là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quốc gia với nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy môn học.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Trần Nguyễn Minh Thành, để nâng cao chất lượng dạy và học, sở luôn tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu viết các đề tài sáng kiến kinh nghiệm để truyền đạt trong ngành. Cụ thể, năm học 2019-2020 có 2 đề tài đạt giải Nhì và Ba cấp thành phố về biên soạn giáo án E-Learning môn Giáo dục quốc phòng - an ninh, 2 sáng kiến được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố công nhận sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với Đà Nẵng...

Trăn trở với nghề

Ở bậc tiểu học và THCS, kiến thức quốc phòng - an ninh được lồng ghép vào các môn học. Riêng cấp THPT, môn quốc phòng - an ninh được tách riêng, đưa vào giảng dạy đã tác động tích cực đến hiểu biết và nhận thức của học sinh. Được bổ sung hằng năm song hiện nay trên địa bàn thành phố, ngoài Trường THPT Phan Châu Trinh, hầu hết các trường THPT còn lại vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh.

“53% giáo viên đứng lớp dạy quốc phòng -  an ninh chỉ được đào tạo ngắn hạn 6 tháng, hợp đồng thỉnh giảng hoặc chuyên môn khác. Khắc phục sự thiếu thốn về đội ngũ giảng dạy lẫn trang bị hỗ trợ, các thầy cô giáo với lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề luôn tìm tòi nghiên cứu sáng tạo để phục vụ cho công tác giảng dạy”, ông Nguyễn Ngọc Dần, Sĩ quan biệt phái phụ trách Giáo dục quốc phòng - an ninh, Sở GD&ĐT cho biết.

Vào đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT đều tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức cho đội ngũ giáo viên giảng dạy, tuy nhiên, trình độ không đồng đều lẫn công tác kiêm nhiệm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, việc không được cập nhật trực tiếp kiến thức quốc phòng - an ninh từ các đơn vị quân đội cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc lấy dẫn chứng, minh họa thuyết phục cho bài giảng.

Cô Phan Thị Diễm, giáo viên môn Giáo dục quốc phòng - an ninh Trường THPT Võ Chí Công đề xuất: “Giáo viên hiện nay đủ năng lực, nhận thức để tham dự hoạt động của quân đội như hội thi, hội thao, diễn tập. Vì vậy, hãy để thầy cô giáo có cơ hội được song hành trong một số hoạt động bởi được sống trong hơi thở quân đội sẽ giúp giáo viên có thêm kiến thức và truyền lửa đam mê cho học sinh hiệu quả hơn”.

Còn thầy Hoàng Trung Nghĩa, giáo viên Trường THPT Phạm Phú Thứ cho rằng, hiện nay, suy nghĩ của học sinh về thực hiện nghĩa vụ quân sự đã có chuyển biến rất lớn, nhiều em ngay từ lớp 10 đã dành tình yêu cho quân đội và mong muốn nhập ngũ, vì vậy việc tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự sớm là cần thiết. Thời lượng giới thiệu về quân binh chủng trong phân phối chương trình cần điều chỉnh theo hướng tăng thêm nhằm giúp các em có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh rất quan trọng, góp phần giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, lòng tự hào dân tộc và ý chí kiên cường trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khắc phục sự thiếu thốn về đội ngũ lẫn khó khăn về trang thiết bị dạy học, các thầy cô giáo giảng dạy môn Giáo dục quốc phòng - an ninh luôn tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp trong từng bài dạy và sưu tầm mô hình học cụ để các tiết học luôn lôi cuốn.

Việc dạy và học tích cực sẽ góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc, tạo động lực cho các em tham gia xây dựng quân đội, nêu cao ý thức bảo vệ Tổ quốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

HOÀNG MINH KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.