Chính trị - Xã hội

Đà Nẵng-Quảng Nam: Liên kết, hợp tác cùng phát triển

Bài cuối: Đưa quan hệ đặc biệt lên tầm cao mới

08:09, 15/06/2016 (GMT+7)

Mối quan hệ hợp tác truyền thống nghĩa nặng, tình sâu giữa Đà Nẵng và Quảng Nam vốn đã khắng khít trong suốt mấy chục năm qua, nay có thêm nhiều điều kiện phát triển khi hai địa phương cùng đón đầu nhiều cơ hội bứt phá mới, tạo hình mẫu đẹp trong liên kết vùng. Tinh thần chung được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thống nhất tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới là đẩy mạnh liên kết hợp tác, cùng chia sẻ khó khăn, tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển, xem cơ hội của bạn cũng là cơ hội của chính mình.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn duy trì mối quan hệ gắn bó để thúc đẩy hai địa phương cùng phát triển. TRONG ẢNH: Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam đến chúc Tết Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng.     								 Ảnh: V.D
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luôn duy trì mối quan hệ gắn bó để thúc đẩy hai địa phương cùng phát triển. TRONG ẢNH: Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Nam đến chúc Tết Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng. Ảnh: V.D

Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Trên quan điểm hợp tác đôi bên cùng có lợi, Đà Nẵng và Quảng Nam xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong hợp tác, phát triển liên kết vùng trong thời gian đến. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng Trần Văn Sơn cho biết, về kinh tế, ngoài các dự án phát triển hạ tầng giao thông và du lịch mà Quảng Nam và Đà Nẵng thống nhất cùng triển khai thực hiện, hai địa phương sẽ tiếp tục rà soát, phát huy các thế mạnh, chia sẻ cơ hội phát triển như: tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cung ứng sản phẩm để tăng cường nội địa hóa sản phẩm trong nước.

Trong khi đó, theo đánh giá của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, một trong những nội dung liên kết hợp tác cùng phát triển hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho hai địa phương là mở rộng hợp tác giữa Khu phức hợp sản xuất lắp ráp ô-tô Chu Lai-Trường Hải với một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô-tô và phụ tùng ô-tô tại Đà Nẵng như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty TNHH TCIE Việt Nam chuyên sản xuất và lắp ráp ô-tô Nissan, Công ty CP Công nghiệp NBB chuyên sản xuất thiết bị lọc gió, lọc dầu, lọc nhớt… Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có thể hợp tác đầu tư như: sản xuất, tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, logistics, phát triển sản phẩm du lịch mang bản sắc địa phương… Tỉnh Quảng Nam sẽ sớm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang thuộc 2 xã Chàvàl và Ladee (huyện Nam Giang), qua đó đẩy mạnh hoạt động khai thác khách du lịch qua đường bộ từ các nước Lào, Myanmar… và phát triển logistics.

Với thế mạnh của mình, Đà Nẵng sẵn sàng chia sẻ với Quảng Nam kinh nghiệm về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, chính quyền điện tử, trung tâm công nghệ phần mềm… Hai địa phương sẽ phối hợp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch chung; thu hút, xúc tiến đầu tư, sử dụng chung các cơ quan đại diện của Đà Nẵng ở nước ngoài.

Theo ông Trần Văn Sơn, với vai trò là thành phố động lực phát triển khu vực miền Trung, là điểm cuối của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, trong thời gian đến, thành phố sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả năng lực khai thác, vận chuyển hàng hóa qua cảng Tiên Sa; đồng thời tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics, trao đổi thương mại trong khu vực và các nước Tiểu vùng sông Mê-kông cũng như với các nước có cảng biển lớn trên thế giới. Ngoài ra, với công suất vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày càng cao, Sân bay quốc tế Đà Nẵng tiếp tục đóng vai trò là trung tâm vận chuyển đường không lớn nhất khu vực miền Trung. Những yếu tố trên sẽ tạo cơ hội rất thuận lợi để nhiều địa phương lân cận, trong đó có Quảng Nam, khai thác, thu hút đầu tư đến với dải đất miền Trung gian khó nhưng nhiều tiềm năng này.

Ông Trần Văn Sơn cho rằng, để tạo tính thống nhất trong liên kết hợp tác, cần tập trung xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch của các địa phương trong vùng, phù hợp với định hướng phát triển của Trung ương đối với vùng.

Cùng đón đầu APEC 2017

Năm 2017, Đà Nẵng vinh dự được chọn tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Đây là sự kiện quan trọng của đất nước, đồng thời là “cơ hội vàng” để thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, tạo cú hích phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới.

Chủ động đón đầu sự kiện này, thành phố Đà Nẵng sớm xây dựng và ban hành kế hoạch phục vụ sự kiện APEC 2017. Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo tổ chức sự kiện APEC 2017 của thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, thành phố phải có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến kêu gọi hợp tác, đầu tư thông qua sự kiện này.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort cho biết, Furama Đà Nẵng đã được Bộ Ngoại giao và UBND thành phố Đà Nẵng lựa chọn là đơn vị đầu tư xây dựng dự án Cung hội nghị - Trung tâm hội nghị quốc tế nhằm kịp thời phục vụ hai sự kiện là CEO Summit APEC 2017 và Gala Dinner của CEO Summit. “Chúng tôi coi Tuần lễ cấp cao APEC 2017 là cơ hội lớn cho ngành du lịch Đà Nẵng. Sự có mặt của nhà lãnh đạo các nền kinh tế thuộc APEC, lãnh đạo các tập đoàn lớn là cơ hội lớn cho hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư của thành phố Đà Nẵng cũng như của các địa phương lân cận, trong đó có tỉnh Quảng Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.

Đánh giá về thời cơ khi Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, tỉnh Quảng Nam xem đây là một cơ hội quan trọng để tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương; là dịp để giới thiệu và thu hút khách du lịch, doanh nghiệp, các tổ chức, nhà đầu tư trong khu vực và quốc tế đến với Quảng Nam. Theo ông Thu, với các kinh nghiệm đã có cũng như mối quan hệ phối hợp rất tốt giữa hai địa phương trong thời gian qua, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẵn sàng phục vụ tốt cho các hoạt động trong khuôn khổ APEC 2017.

Có thể khẳng định, bằng nội lực của từng địa phương, cộng với sự hợp tác, liên kết chặt chẽ trong thời gian qua, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tạo nên một hình mẫu tốt về hiệu quả của sự kết nối, phối hợp trong phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng - Quảng Nam “tuy hai mà một”, mối quan hệ đặc biệt này sẽ tiếp tục được nâng tầm cao mới với nhiều hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết, hỗ trợ phát triển, tạo sự gắn bó tình cảm ngày càng bền chặt giữa hai địa phương.   

Về phát triển lĩnh vực văn hóa, thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện để tỉnh Quảng Nam thu thập phiên bản bộ số hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa và con người Quảng Nam đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng; hỗ trợ sao chụp, phục dựng phần hiện vật phục chế độc bản; phối hợp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam lập phương án phục dựng, hỗ trợ một số hạng mục trùng tu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà tại núi Hòn Tàu, huyện Duy Xuyên. Hai địa phương hợp tác xuất bản một số ấn phẩm, sách về danh nhân Quảng Nam-Đà Nẵng; tăng cường phối hợp các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, thể thao và lễ hội...
“Nếu có cơ hội tham gia các sự kiện bên lề của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng sẽ nỗ lực giới thiệu với các nhà đầu tư lớn trên thế giới về khả năng tham gia chuỗi cung ứng các sản phẩm phụ trợ cho các đối tác lớn. Đây mới chỉ là phân khúc hẹp trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu khi doanh nghiệp Đà Nẵng tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).” (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Phan Hải)

VIỆT DŨNG-SƠN TRUNG

.