.

Xem vị thế doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

.

ĐNĐT - Trình bày tham luận tại Đại hội XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá, nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất công cuộc đổi mới là đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày tham luận tại Đại hội XII
Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh trình bày tham luận tại Đại hội XII

Kinh tế thị trường đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta, đưa đất nước phát triển.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu rõ, Đại hội XII đánh dấu 85 năm ngày thành lập Đảng, hơn 40 năm đất nước hòa bình, thống nhất, tròn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ, kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.

Hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động của khu vực tư nhân Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức thấp.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Do vậy, cần tập trung cao độ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, mà chủ yếu chính là doanh nghiệp tư nhân cả về chất lượng và số lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước các cấp.

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của các doanh nghiệp trong nước, thông qua việc hoàn thiện và củng cố nền tảng của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, xây dựng các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức và nguồn vốn thông qua hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp này. Từ đó, tạo ra làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Phải xem vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia”.

“Để thực hiện mục tiêu đổi mới thể chế kinh tế, một trong ba khâu đột phá của Đảng ta, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Ngân hàng thế giới tập hợp những chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và trong nước để xây dựng báo cáo Việt Nam 2035, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Báo cáo này nhằm xác định nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu, khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 là gì? Những cản trở nào đối với sự phát triển của Việt Nam hiện nay và bằng cách nào để Việt Nam đạt tới mục tiêu của mình…

Theo báo cáo này, thứ nhất, cần xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, nền kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ, phát triển, thịnh vương cao.

Thứ hai, thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế, song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân.

Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm.

Thứ tư, bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển.

Thứ năm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Thứ sáu, gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh


N. THÀNH - V. DŨNG

;
.
.
.
.
.