.
KHAI MẠC ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG

Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới

.

Sáng 21-1, Đại hội lần thứ XII của Đảng chính thức khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội). 1.510 đại biểu chính thức thay mặt hơn 4,5 triệu đảng viên, tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng về dự Đại hội.

Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội.
Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội.

Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị (khóa XI): Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh, Tô Huy Rứa, Ngô Văn Dụ, Đinh Thế Huynh, Tòng Thị Phóng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quang Nghị, Lê Thanh Hải và đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Dự phiên khai mạc trọng thể có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VI trở về trước, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo và đại diện thế hệ trẻ. Đến dự khai mạc Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài tới đưa tin về Đại hội.
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên khai mạc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.             Ảnh:  TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Đại hội đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới

Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Đại hội XII của Đảng là Đại hội “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Đổi mới,” thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội XII sẽ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới, rút ra những bài học; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới.

Đại hội XII cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII gồm các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại hội vui mừng đón đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Hà Nội thay mặt nhân dân cả nước đến chào mừng, mang tới Đại hội những đóa hoa tươi thắm, tình cảm thắm thiết và niềm tin lớn lao của đồng bào Thủ đô và nhân dân cả nước đối với Đảng.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn Đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô cùng đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên cả nước và bày tỏ quyết tâm tổ chức Đại hội XII thành công tốt đẹp.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. 								 Ảnh TTXVN
Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội. Ảnh TTXVN

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới

Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm tập trung thảo luận, đóng góp những ý kiến quý báu vào việc hoàn thiện nội dung dự thảo các văn kiện; đồng thời tập trung vào những tư tưởng lớn và nội dung cốt lõi; trong đó nhấn mạnh những thành quả quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và chỉ ra những hạn chế, yếu kém cũng như những đánh giá về 30 năm đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Sau khi nhận định tình hình trong nước và trên thế giới cũng như thời cơ và thách thức mới, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện mục tiêu chung trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu lên những giải pháp quan trọng để tiếp tục đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đó là: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường tiềm lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Báo cáo cũng nêu những giải pháp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Trong đó, xác định bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân, Công an nhân dân là nòng cốt.

Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, báo cáo nêu lên những nội dung trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

“Trong những năm tới, yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề của thời kỳ phát triển mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến cơ sở phải nghiêm túc, tự giác và có kế hoạch, biện pháp phù hợp để khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm”, báo cáo do Tổng Bí thư trình bày nêu rõ.

Sau khi nêu cụ thể 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại hội lần thứ XII của Đảng là Đại hội đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - đổi mới, khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thực tiễn sinh động, phong phú và những thành tựu to lớn cùng những bài học sâu sắc qua 30 năm đổi mới, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc”. 

đoàn đại biểu Đà Nẵng tham dự Đại hội XII của Đảng.                 Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Đoàn đại biểu Đà Nẵng tham dự Đại hội XII của Đảng. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, tạo sự đồng thuận trong xã hội

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Báo cáo đã điểm lại nhiều công việc được Ban Chấp hành Trung ương thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua trên nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại...

Trong đó có những công việc lớn như: xem xét thận trọng dự án Sân bay quốc tế Long Thành, quy hoạch các khu kinh tế, chỉ đạo đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn, xử lý các vấn đề nhạy cảm trong và ngoài nước...

Bên cạnh đó, Trung ương cũng ban hành các nghị quyết về xây dựng, kiện toàn, chỉnh đốn Đảng; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương giai đoạn 2016-2021, tái lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Ngoài nước; cho ý kiến, phê bình và tự phê bình các thành viên Bộ Chính trị...

Ban Chấp hành Trung ương đã bàn, đề ra chủ trương, giải pháp tổng thể để Bộ Chính trị triển khai đạt kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Một trong những thành tựu nổi bật mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đánh giá cao, đó chính là việc kịp thời có những quyết sách, chỉ đạo để có sự hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời cho các chủ trương về phương án kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu... Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kịp thời xử lý một số vấn đề quan trọng trong quan hệ kinh tế với các nước và kịp thời đề ra các phương án, giải pháp phát triển kinh tế nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã nhận định đúng tình hình, kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế… Các giải pháp và cách thức điều hành này đã giúp kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức, tránh khủng hoảng; lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định, tăng trưởng đạt tốc độ khá...

Báo cáo cũng nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua, đa số các ủy viên đều nêu gương tốt về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, lắng nghe nhân dân; đồng thời chủ động tham gia những đề án quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh; do đó hầu hết đều có tín nhiệm cao trong cơ quan và đơn vị phụ trách.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội. 				          Ảnh: TTXVN
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN

Mặc dù vậy, báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra, còn có những ủy viên chưa quan tâm, phát hiện và đề xuất với Trung ương những vấn đề khó khăn, bức xúc; chưa kịp thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề nổi lên trong ngành mình, địa phương mình.

Về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XII, báo cáo cho biết nhiều nội dung mới được chuẩn bị với phương hướng nhân sự theo quy trình đổi mới, thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, chặt chẽ để tạo sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Uỷ viên Đoàn Thư ký Đại hội đọc danh sách 170 chính đảng, tổ chức và bè bạn quốc tế đã gửi điện, thư chúc mừng Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam (tính đến ngày 18-01-2016).

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội phát biểu ý kiến bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn tình cảm hữu nghị và hợp tác, sự quan tâm, cổ vũ, ủng hộ và giúp đỡ của các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, các chính đảng, các tổ chức và bạn bè quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

N.Thành - V.Dũng

;
.
.
.
.
.