.

Anh Thanh trong lòng dân

.

Thế là người kiến trúc sư trưởng của đại công trình thành phố Đà Nẵng vươn lên giàu đẹp, văn minh, hiện đại đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào Đà Nẵng, Quảng Nam và hơn thế cả những bà con ở nhiều miền đất nước.

Cầu Sông Hàn đích thực là một đóa hoa, một biểu tượng Anh Thanh hòa vào, gắn với nhân dân Đà Nẵng, không gì đẹp hơn. TRONG ẢNH: Lễ khánh thành cầu Sông Hàn ngày 29-3-2010. Ảnh: NHÂN MÙI
Cầu Sông Hàn đích thực là một đóa hoa, một biểu tượng Anh Thanh hòa vào, gắn với nhân dân Đà Nẵng, không gì đẹp hơn. TRONG ẢNH: Lễ khánh thành cầu Sông Hàn ngày 29-3-2000. Ảnh: NHÂN MÙI

Người Đà Nẵng chắc là gần như tất cả đều thương quý Anh bởi đã 20 năm nay Anh thật sự gắn bó gần gũi họ, hết lòng lo toan cho cuộc sống của họ, chăm chút xây dựng thành phố vô cùng thân thiết của họ và của Anh.

Những người ở miền khác thì bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp lạ lùng, sự phát triển nhanh chóng của thành phố này, thành phố mà Anh gửi ở đó hy vọng cõi đáng sống.

Một nhà báo Đà Nẵng ra Hà Nội công tác, anh đi 10 cuốc taxi thì 10 ông tài nghe anh nói giọng Quảng, biết anh ở Đà Nẵng cả 10 ông tài đều hỏi anh: “Sao Đà Nẵng các ông yêu quý sếp Thanh dữ như vậy”? và khi nghe anh trả lời “Bởi vì ông ấy làm nhiều việc đem lại lợi ích cho họ. Trước kia họ ở trong các xóm nhà chồ, khu ổ chuột. Họ ở những nơi 4 - 5 không, không điện, không nước sạch, không nhà vệ sinh, trẻ con ra đời không có giấy khai sinh và rồi không đi học. Bây giờ, họ ở thành phố hẳn hoi, có người ra mặt tiền”. Có một ông tài bình luận “phải chi thành phố nào cũng có một vài ông Thanh thì dân có nhờ”.

Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Anh Thanh trên cương vị người đứng đầu đã thấy ngay vấn đề: Muốn thành phố phát triển nhanh và bền vững trước hết phải có cơ sở hạ tầng thật tốt và đồng bộ trong một quy hoạch khoa học. Nhưng đất nước chưa ra khỏi cơ chế bao cấp, thành phố còn rất nghèo lấy gì mà đầu tư cho cơ sở hạ tầng?

Đáp án của bài toán này là khai thác và phát triển quỹ đất. Trong cơ chế cũ đất chẳng có mấy giá trị. Bây giờ, với cơ chế mới, thị trường bất động sản đang hình thành và ngày càng sôi động. Thứ của cải nằm im chết cứng đó, với đôi đũa thần đổi mới trở thành nguồn lực to lớn.

Điều này nhiều nơi, nhiều người đã thấy. Anh Thanh cũng là người ngộ ra chân lý đó. Quan trọng hơn nhờ sát dân, gắn bó máu thịt với dân, Anh đã đề ra những cách làm, những phương thức để việc khai thác phát triển quỹ đất thực sự là vì dân, do dân, của dân. Người dân không chỉ thụ hưởng gián tiếp thành quả của chủ trương đổi đất lấy công trình như một thành viên của cộng đồng mà mỗi nhà, mỗi người đều có lợi ích trực tiếp. Họ phải giàu lên thật, có vốn liếng thật, có cơ hội việc làm và tạo lập một cuộc sống tốt hơn thật.

Lý lẽ của Anh trong chủ trương này không có gì là sách vở xa vời, nó hiển hiện trong đời sống của người dân.

Hồi thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đầu tiên ở kiệt Tiến Thành (nay là đường Phan Thanh): Việc nhân dân hiến đất và tự giải quyết tường rào, cổng ngõ, cây trái bên trong chỉ giới được xác định là của dân, cùng với việc Nhà nước lo làm đường (và vỉa hè nếu có), có hệ thống cấp nước sạch, mương cống thoát nước thải, có điện chiếu sáng. Anh Thanh tuyên bố công khai minh bạch: Nếu chấp thuận phương thức như trên thì sẽ làm ngay, có đường mới đẹp ngay. Nếu chưa thông (qua lấy ý kiến từng hộ) thì chưa làm vì lý do ngân sách thành phố còn hạn hẹp.

Lý lẽ này quá phải, mà ông bà ta đã đúc kết: nói phải củ cải cũng nghe. Thế là nhiều nơi nhao nhao đòi được chỉnh trang đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ai chẳng thấy cải tạo nâng cấp các con đường đều đẹp sạch hơn, đi lại an toàn tiện lợi hơn, làm ăn buôn bán thịnh hơn, giá nhà, tiền thuê nhà cũng tăng lên. Nhiều người ở trong những căn nhà rách nát, dự án chỉnh trang đô thị phủ đến tự nhiên có cơ ngơi mà trước đây nằm mơ cũng không bao giờ thấy.

Khi Anh đề ra ý tưởng làm cầu Sông Hàn, ai cũng thấy cây cầu này là quá cần thiết cho thành phố, cho sự phát triển của bên tê Hàn nước xanh như tàu lá, hài hòa với bên ni Hàn phố xá nghênh ngang.
Chỉ có vấn đề phải tính là đầu tiên - tiền đâu. Anh Thanh làm một phép tính phải đầu tư 100 tỷ mới có cây cầu (ngân sách thành phố bỏ ra 25 tỷ, vận động nhân dân đóng góp 25 tỷ, còn 50 tỷ xin Chính phủ cho vay, sau này sẽ thu phí qua cầu trả lại).

Còn vì sao phải là cầu quay? Việt Nam cho đến nay mới chỉ có 1 cây cầu quay là cầu Sông Hàn. Vì ở vị trí hiện hữu phải có thời gian cầu quay tạo khoảng thông cho tàu bè qua lại, lúc này cảng của Quân khu 5 ở phía thượng lưu vẫn đang hoạt động.

Có thể làm cầu với độ thông thuyền cao, nhưng như thế thì đường dẫn lên cầu sẽ rất dài, phải giải tỏa nhiều nhà dân trên vệt đường Lê Duẩn.

Vấn đề kỹ thuật quay được Anh Thanh giải thích rất giản dị “nó cũng như bộ phận xoay của một chiếc cần cẩu lớn, chỉ cần có đường ray bánh xe và ổ bi thật chuẩn, điện sẽ vận hành quay”. Anh cười vui “nếu trục trặc thì hè nhau kéo đẩy”.  

Cầu đã quay hằng ngày suốt 15 năm, nghe đâu chỉ có một lần trục trặc vào năm 2002. Chỉ cần nhìn dòng người xe máy như chảy đi bất tận trên cầu và nhìn những ông phó nháy tác nghiệp rộn ràng dù cây cầu đã có ở đây và trong lòng người Đà Nẵng hơn 5 nghìn ngày ta sẽ hiểu cây cầu này có vị trí như thế nào trong cuộc sống thành phố.

Thời gian xây cầu tôi đang công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Anh nói với tôi “Việc vận động nhân dân đóng góp xin MTTQ lo cho” và Anh động viên tôi “nhập vào cuộc này anh sẽ thấy những ngày công tác Mặt trận của anh là những ngày có ý nghĩa nhất”.

Quên sao được những bà bán rau hành, vuốt thẳng những đồng tiền lẻ nhàu nát, những em học sinh không ăn quà sáng rụt rè đến cơ quan Mặt trận đóng góp chút ít. Quên sao được những người ngày ngày cứ quanh quẩn ở bờ sông dõi theo công trình như thể đó là ngôi nhà đang xây của mình. Và tôi hiểu khi người dân thật sự tự giác tham gia công việc của thành phố thì họ như được nâng lên cả tình yêu quê hương, Tổ quốc và sự gắn bó với vận mệnh thành phố.

Hẳn là rất nhiều người Đà Nẵng và bạn bè gần xa còn nhớ mãi ngày khánh thành cầu Sông Hàn. Cả vạn người như là tất cả người Đà Nẵng đổ về cây cầu mới, ai cũng vui tươi, nhiều người nhìn cây cầu, nhìn những gương mặt vui mừng mà trào nước mắt.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng có đề xuất sau này xin đặt cho cầu Sông Hàn là cầu Nguyễn Bá Thanh. Có lý lắm chứ. Trên thành phố này từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến Bệnh viện Ung thư, từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý - và cả ngôi trường dân tộc nội trú ở trên dải Trường Sơn - có công trình nào mà không có dấu ấn, có hình bóng Anh Thanh. Nhưng cầu Sông Hàn đích thực là một đóa hoa, một biểu tượng Anh Thanh hòa vào, gắn với nhân dân Đà Nẵng, không gì đẹp hơn.

Anh Thanh là kiến trúc sư của công trình đô thị hóa Đà Nẵng. Chỉ trong vòng 20 năm từ một thành phố mà thực chất là một căn cứ quân sự khổng lồ, một trại tập trung khổng lồ rồi tiếp theo sự trì trệ chắp vá của cung cách quản lý đô thị thời bao cấp, Anh Thanh đã làm một cuộc sắp đặt khổng lồ, với hơn 110.000 hộ dân trong diện di dời giải tỏa (hơn 30% tổng số hộ của thành phố). Công cuộc sắp đặt này phải nhằm hướng đâu ra đấy để Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh hiện đại, với chi phí thấp nhất có thể và nhất là phải bảo đảm đổi thay nâng cao đời sống nhân dân. Chìa khóa thành công ở đây là tất cả vì con người.

Với Anh Thanh, đô thị hóa là vì con người, tuyệt đối không chấp nhận đô thị hóa không có con người. Cách làm của Anh, phong cách công tác của Anh thể hiện rõ điều này. Nếu có một cuộc bình chọn để đưa vào sách Guinness thì Anh Thanh sẽ đứng đầu bảng những nhà lãnh đạo siêng đối thoại trực tiếp với dân nhất. Anh đối thoại với tất cả mọi người, ở mọi nơi, cả ở những điểm nóng, những vấn đề nhạy cảm. Có người Anh đã trò chuyện nhiều lần. Có nơi ngoài việc thăm, làm việc chính thức, Anh còn có cách vi hành của mình. Trời phú cho Anh một trí nhớ tốt, nhớ người, nhớ việc, nhớ đất và cả nhớ thơ, văn… Không ai có thể qua mặt Anh. Với Anh, mỗi cảnh đời cụ thể lại cần có một giải pháp cụ thể. Chính vì thế, cả trăm ngàn hộ dân đã vì thành phố, vì sự phát triển của chính nơi mình ở đồng ý di dời.

Đà Nẵng ngày xưa chỉ có hơn 400 con đường có biển tên, sau 17 năm con số ấy là 1.700. Có lẽ chỉ riêng điều này cũng đủ nói lên sự đổi thay sâu sắc của Đà Nẵng mà có lẽ ít nơi có được. Cũng có người trách, đô thị hóa nhanh như kiểu sau ngủ một đêm sáng dậy từ xã lên phường, nông dân bỗng chốc thành thị dân. Thế thì làm sao đây, chẳng lẽ ngồi chờ, chờ cả một, hai thế hệ để có đô thị? Anh Thanh không thuộc tạng người bình thản ngồi chờ, Anh muốn làm tắp lự và nếu còn thiếu sót, khiếm khuyết sẽ bổ sung sửa đổi dần. Ở đây còn có vấn đề thời cơ.

Người xưa nói “cái quan định luận”. Nhưng có lẽ khép nắp quan tài, đưa Nguyễn Bá Thanh về miền vĩnh hằng hình như chưa thể “cái quan định luận được”.

Cuộc đời nhiều thăng trầm, nhiều lúc lên bờ xuống ruộng của Anh, và Anh cũng có những thiếu sót như bất cứ một con người chân chính nào. Nhưng Anh Thanh ơi, xin Anh cứ thanh thản ngẩng cao đầu đi về phía ấy, nơi nhân dân luôn ở bên anh, đồng cảm và yêu quý anh.

Mấy tuần qua từ khi Anh điều trị ở Mỹ trở về, lòng dân Đà Nẵng và còn rộng hơn thế đã lo lắng, cầu nguyện cho anh nói lên tất cả. Một gia đình ở Lào Cai thuê hẳn một chiếc xe 16 chỗ từ miền biên viễn vào đây dù biết rằng họ không thể nào đến bên giường bệnh vấn an Anh, họ mãn nguyện khi được chụp một vài kiểu ảnh trước ngôi nhà của Anh.

Từ anh xe thồ, chị bán vé số, anh X hay đánh vợ, chị Y người mẹ đơn thân, từ em bé như tái sinh nhờ Anh giúp được mổ tim, đến bà mẹ già ở đầu nguồn sông Thu Bồn đang yên tâm nằm điều trị miễn phí ở Bệnh viện Ung thư, ai cũng nghẹn ngào nhắc đến Anh, giờ phút này nhiều người mắt đẫm lệ đưa Anh đi xa.

Giữa lúc một bộ phận không nhỏ cán bộ có chức, có quyền ngày càng suy thoái về đạo đức, lối sống, càng hành dân, hại dân thì dù hôm nay Anh đi xa, chúng tôi vẫn có Anh như một tấm lòng, một tấm gương, một chỗ dựa, một niềm tin.

Như thế là đủ rồi phải không Anh.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.