.

Cần có cơ chế để dân giám sát Đảng

Ngày 13-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, học giả, trí thức, nhà hoạt động thực tiễn, chức sắc tôn giáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992. Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chủ trì hội thảo.

Nhiều ý kiến tham luận đồng tình với Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi HP 1992 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, để thể hiện điều này có sức thuyết phục cao cần phải làm rõ hơn quan điểm trong HP về Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì trách nhiệm trước hết là trước dân tộc, nhân dân và đất nước. Lợi ích của giai cấp công nhân cũng nằm trong lợi ích dân tộc, nhân dân, đất nước. Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn để ngang tầm vị trí lãnh đạo, giữ vững niềm tin tưởng của nhân dân. Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh đề xuất cần có cơ chế để dân giám sát Đảng, để Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật thì cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng. Hòa thượng Thích Chí Mãn phát biểu: Dù HP có ghi nhận vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội hay không thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn nắm vai trò lãnh đạo đất nước. Chưa có tổ chức chính trị nào giành hay tranh chấp vai trò này với Đảng. Chỉ khi nào Đảng làm mất lòng tin của nhân dân đối với mình thì lúc đó có muốn giữ vai trò lãnh đạo cũng không giữ được. Vì vậy Đảng cần phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, dân chủ, cởi mở và minh bạch, đồng thời quyết tâm chỉnh đốn, triệt để chống tham nhũng, quan liêu, xa rời quần chúng.

Nhiều ý kiến cho rằng: Dự thảo sửa đổi HP xác định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị chưa thỏa đáng. Quy định về chức năng giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam cần phải được thể chế hóa thành Luật Giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam.

Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý

Nhiều ý kiến tham luận đặt vấn đề cần đưa tinh thần của HP 1946 về quyền phúc quyết của nhân dân đối với HP và những vấn đề hệ trọng của quốc gia thông qua hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất là trưng cầu dân ý. Theo luật sư Huỳnh Ngọc Lộc, HP là bản khế ước giữa nhân dân với Nhà nước, trong đó nhân dân ủy quyền cho các thiết chế chính trị thực hiện quyền lực của chính nhân dân. Vì vậy, khế ước đó phải được nhân dân phúc quyết thì mới có giá trị. Trong thực tế, quyền phúc quyết HP của nhân dân là quy định phổ biến tại các quốc gia văn minh trên thế giới. Ý kiến của các đại biểu là chức sắc các tôn giáo đồng tình nội dung Dự thảo sửa đổi HP đã có đổi mới trong quy định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng thay vì quy định công dân như trước đây. Điều này được hiểu là bao gồm tất cả người Việt Nam dù đang sinh sống ở đâu, không phân biệt lứa tuổi, dân tộc, giới tính. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”, bởi vì mọi công dân phải có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị pháp luật điều chỉnh.

Nhiều ý kiến đồng tình với điểm mới của Dự thảo sửa đổi HP là có quy định về thiết chế bảo vệ HP là Hội đồng HP. Tuy nhiên, đây chưa phải là cơ quan tài phán HP độc lập mà hoàn toàn là một cơ quan chính trị được Quốc hội thành lập có chức năng giúp Quốc hội thực hiện chức năng bảo vệ HP, chỉ có quyền kiến nghị Quốc hội và các cơ quan Nhà nước xem xét khi phát hiện các vi phạm HP. Việc bảo vệ HP giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh là do hoạt động bảo vệ HP đạt hiệu quả thấp. Do đó cần quy định lập Tòa án HP, một thiết chế thực quyền, có khả năng tài phán để bảo vệ HP là tối ưu. Tòa án HP tồn tại độc lập, không phải là một tòa án chuyên trách trong hệ thống tòa án tư pháp, cũng không thuộc Quốc hội hay Chính phủ.

S.TRUNG
 

;
.
.
.
.
.