.

Cần cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo

.

(ĐNĐT) - Ngày 25-10, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về dự thảo Luật Tố cáo, đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, vấn đề bảo vệ người tố cáo tại Chương V là rất quan trọng. Vì có khuyến khích được người tố cáo hay không phụ thuộc nhiều vào việc bảo vệ người tố cáo, là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, cần có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ họ, làm sao để người bị tố cáo không thể biết được hoặc dù có biết cũng không thể trả thù họ.

Mô tả ảnh.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu tại hội trường

ĐB đề nghị điều chỉnh và bổ sung vào Chương V ba nội dung quan trọng, khẳng định trong luật là bảo vệ người tố cáo cho dù họ có yêu cầu hay không để đề phòng sự chủ quan, sơ suất hoặc đổ lỗi cho nhau của người tố cáo cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo. ĐB đề nghị bỏ Điểm a, Khoản 2, Điều 35 quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người tố cáo là: "Gửi yêu cầu bằng văn bản về việc cần bảo vệ đến người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo", vì nếu quy định như vậy là làm khó cho người tố cáo.

 

Bà Kim Thúy nêu thực tế tại buổi vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng trong năm 2009 do Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức, hầu hết những người được vinh danh đều nói từng bị trù dập, đe dọa. Qua đó cho thấy người tố cáo dù là ai đều cần được bảo vệ dù họ có yêu cầu hay không.

 
Về đối tượng bảo vệ ở Khoản 2 Điều 34, theo ĐB, không chỉ bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ như dự thảo luật mà cần bảo vệ cả người cung cấp thông tin, tài liệu khác góp phần vào giải quyết vụ việc tố cáo cũng như người thân thích của họ. Bởi vì tuy không phải là người gửi đơn tố cáo nhưng khi biết cơ quan chức năng đang thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc tố cáo thì họ đã góp phần cung cấp, cộng tác nên họ cần được bảo vệ.


Về thời hiệu tố cáo, ĐB Thúy đề nghị cần bổ sung thêm quy định về thời hiệu tố cáo bởi tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của người tố cáo đối với xã hội, góp phần ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy lượng đơn thư tố cáo thường gia tăng đột biến trong những dịp chuẩn bị bầu cử hoặc đại hội Đảng, làm ảnh hưởng tình hình chính trị, quá tải cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý trong những dịp này.

Trong trường hợp trên, đa số vụ việc tố cáo đã xảy ra từ lâu, vậy động cơ, mục đích của việc tố cáo này là sao, nếu không phải xuất phát từ động cơ cá nhân thì từ động cơ gì. Do đó, ĐB cho rằng nếu người tố cáo thực sự có trách nhiệm với xã hội thì phải tố cáo ngay từ khi có hành vi vi phạm chứ không phải chờ đến dịp bầu cử hay đại hội mới tố cáo. Theo ĐB, trong Bộ luật hình sự có tội danh không tố giác tội phạm, trong Bộ luật dân sự có quy định thời hiệu khởi kiện, do đó Luật tố cáo cũng cần có quy định về thời hiệu tố cáo để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật gây ra. ĐB đề xuất thời hiệu tố cáo là 3 năm, còn thời điểm để tính thời hiệu tố cáo là kể từ khi người tố cáo phát hiện ra hành vi vi phạm.

Phạm Hữu Hoa

;
.
.
.
.
.