.

Người phụ nữ “rỗi hơi”

Tình cờ, một lần đi dạo trên bãi biển, tôi gặp chị lom khom nhặt mấy bao ni-lông, gom lại để bỏ vào thùng rác. Lúc đầu tôi tưởng chị là công nhân Công ty Môi trường đô thị, nhưng không thấy chị mặc đồng phục công ty. Hỏi ra mới biết chị và con trai giữ xe trên bãi biển Xuân Hà.

Đã gần 50 tuổi nhưng trông chị Lê Thị Hương (ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu) khá mặn mà, đôi mắt sâu thẳm và nụ cười phúc hậu. Chị nói giản dị về công việc bình thường của mình: “Bãi biển đẹp quá. Ngày nào mình cũng ra đây tắm và bớt chút thời gian để giữ sạch bờ biển thôi mà”. Ngày ngày chị vẫn cặm cụi nhặt rác. Trên bãi biển cũng có hàng trăm người nhặt rác. Nhưng họ nhặt rác vì mưu sinh. Còn chị, nhặt rác đơn giản chỉ vì yêu thành phố, yêu cái bãi biển thoai thoải cát trắng mà chị và bao người vẫn từng dạo chơi mỗi ngày. Chị nhặt rác còn vì một lẽ như lời chị nói: “Để khách phương xa đi đến thành phố không nhìn thấy rác, xả đầy bờ biển. Nhiều người nước ngoài đi ngang ra bãi biển này còn cúi xuống nhặt rác thì huống chi là mình”.

Một lần, một đoàn đi tập thể dục ngang qua chỗ chị đang nhặt rác, một bác đứng tuổi dừng lại và tấm tắc khen: “Ai cũng như ri thì đường phố mình có sạch đẹp không, đẹp hơn nước ngoài luôn”. Rồi họ giúp chị nhặt nốt số rác vương vãi bỏ vào thùng. Niềm vui của chị nhân lên gấp bội bởi có sự đồng cảm. Chị kể một kỷ niệm vui khác: Có một cặp nam nữ: Cô gái là Việt kiều, còn chàng trai là người ngoại quốc đi dạo biển. Họ mua hai cái bánh bao, khi ăn xong liền bỏ rác vào bao cột lại trên xe để lúc về bỏ vào thùng rác. Hành động nhỏ ấy cũng khiến chị Hương chú ý và thầm khen bởi ý thức của họ. Thấy chị đến ghi số xe, họ rất ngạc nhiên, chị giải thích: “Chị giữ xe để các em đi chơi cho thoải mái, không lấy tiền đâu em ạ”. Với hầu hết những người nước ngoài, chị đều không lấy tiền. Dù cô gái cứ đưa tiền nhưng chị Hương vẫn nhất quyết không lấy bởi cái lý lẽ của chị: “Khách du lịch cũng như người bạn đến chơi đất nước mình, đón tiếp một người bạn từ phương xa đến, mình lấy tiền sao đặng”.

Chị kể buồn nhất là có lần, chị bắt gặp hai anh chị ăn mặc rất bảnh bao, ngồi trên bờ biển, ăn uống xong vứt rác ngay tại chỗ, chị lẳng lặng đến và cúi xuống lượm, cô gái sượng sùng, còn chàng trai thì lạnh lùng, phớt lờ. Khi chị vừa quay bước đã nghe tiếng cô gái: “Đúng là “rỗi hơi”, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chị im lặng, không nói gì. Thế nhưng, điều đó không làm chị nản lòng bởi chị biết ý nghĩa việc mình làm. Một buổi trưa, trời nắng chang chang, chị bất ngờ bởi thấy một người đàn ông tay khệ nệ xách một bao kim tiêm đầy máu vừa lượm. Nhìn kỹ té ra là anh hàng xóm cạnh nhà, trước đây anh cũng lâm vào cảnh nghiện ngập, quyết tâm cai và đến giờ anh đã thành công, làm lại cuộc đời. Những niềm vui bất chợt ấy xua tan đi bao vất vả trên “hành trình” lượm rác của chị. Chị khoe vừa mới sắm đôi găng tay để tiện hơn trong việc lượm những kim tiêm đầy máu. Chỉ cần chút sơ sẩy, nguy hiểm là khó tránh khỏi.

Chồng chị, thành viên đội cứu hộ trên biển cũng ủng hộ công việc của vợ. Anh bảo, làm được điều gì có ích cho mọi người cũng là việc nên làm. Bản thân anh cũng đã từng cứu sống khá nhiều người bị đuối nước nhưng nhất quyết không nhận một đồng nào. Anh quan niệm, đó là cái phước anh để lại cho con cháu. Với nghề cứu hộ của anh, thợ may của chị nuôi ba con còn ăn học cũng tạm đủ qua ngày. Khi biết tôi muốn viết bài, chị nói, em đừng đưa hình chị lên báo, chút việc nhỏ này chị làm có đáng là bao… Chia tay chị trong ánh hoàng hôn, tôi biết ngày mai, bãi biển sẽ lung linh hơn, đẹp và sạch hơn.

PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.