Đóa hồng của núi rừng Hòa Bắc

.

Chị Lê Thị Thu Hà được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) khi tròn 30 tuổi. Chị là người khởi xướng xây dựng “Đề án bảo tồn văn hóa Cơ tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng” vào đầu năm 2018 nhằm giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cơ tu.

 

Bỏ phố về quê

Hoàn thành khóa đào tạo cán bộ chủ chốt cấp phường, xã theo Đề án 89 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng với kết quả xếp thứ 4/100 học viên, cô gái quê xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) Lê Thị Thu Hà là một trong những trường hợp được ưu tiên chọn nơi làm việc ở các phường thuộc các quận Thanh Khê, Hải Châu... Vậy mà Hà xin trở về nhận công tác tại nơi mình sinh ra, cốt để trả nợ ân tình mảnh đất đã nuôi mình lớn khôn.

Công tác tại UBND xã Hòa Khương được 7 tháng, năm 2010, Hà được lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang lúc bấy giờ mời đến động viên về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc. Trước lời “đề nghị” này, Hà đồng ý mà không chút đắn đo. Hôm sau, Hà cùng người chồng mới cưới chạy xe máy từ Hòa Khương lên Hòa Bắc để “tiền trạm” trước khi nhận quyết định chuyển công tác.

“Lúc đầu thấy xa xôi, đường đi lại khó khăn, đời sống người dân còn nghèo nàn, mình cũng hơi dè dặt. Nhưng sau đó mình nghĩ, mọi người sống và làm việc được thì mình cũng làm được”, nữ Chủ tịch xã tươi cười nhớ lại.

Trong những ngày đầu đến Hòa Bắc, vợ chồng Hà ở trọ gần trụ sở UBND xã, thuận tiện cho Hà đi làm, nhưng người chồng hằng ngày phải chạy ngược quãng đường gần 30km về Hòa Khương làm việc. Năm 2015, lúc tròn 30 tuổi, Hà được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc.   

 

Hòa Bắc có địa bàn rừng núi hiểm trở, với nhiều cánh rừng nguyên sinh, thân gái không thể lội suối băng rừng đi thực tế như cánh nam nhi. Trong những ngày đầu làm Chủ tịch UBND xã, Hà nghĩ ra cách quản lý rất độc đáo, đó là cho in hàng trăm móc khóa có ghi số điện thoại của mình và một số lãnh đạo xã rồi gửi tặng người dân, lực lượng “cài cắm”. Cứ mỗi lần phát hiện các đối tượng phá rừng, đào vàng trái phép, người dân gọi điện báo, chị chỉ đạo ngăn chặn, xử lý ngay lập tức. Nhờ vậy, nạn phá rừng, khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Hòa Bắc đã được khống chế.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Cơ tu

Ngoài các hộ người Kinh, xã Hòa Bắc có 245 hộ đồng bào dân tộc Cơ tu, với hơn 700 nhân khẩu sinh sống từ nhiều đời nay. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, sống dựa vào núi rừng nên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Đáng ngại hơn, các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cơ tu bị mai một dần.

Xót xa trước thực trạng này, chị Hà bắt tay vào việc giúp đỡ bà con khôi phục những nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế thông qua làm du lịch cộng đồng. “Mình nhớ như in lời của một thầy giáo cũ rằng, nếu sau này em về công tác tại xã Hòa Bắc thì cố giúp đồng bào Cơ tu giữ gìn, khôi phục bằng được bản sắc văn hóa dân tộc”, chị Hà nhớ lại.

Dù là người Cơ tu chính hiệu, nhưng nhiều phụ nữ, trẻ em ở xã Hòa Bắc lại ngại ngùng khi mặc trang phục thổ cẩm truyền thống. Chị Hà đứng ra vận động các nhà hảo tâm tặng vải thổ cẩm may hơn 100 bộ áo quần phát cho học sinh từ bậc mầm non đến THCS. Đồng thời, UBND xã Hòa Bắc yêu cầu Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn quy định thứ hai hằng tuần, học sinh người Cơ tu phải mặc đồng phục truyền thống đến lớp.

Chưa hết, chị Hà còn “tậu” cho mình bộ đồ thổ cẩm của người Cơ tu, tranh thủ những buổi chiều rảnh rỗi chạy xe máy lên thôn Tà Lang, Giàn Bí hòa vào đời sống của đồng bào và chị em người Cơ tu. Từ đó, nhiều chị em cũng hình thành thói quen mặc váy thổ cẩm hằng ngày.   

 

Đầu năm 2018, chị Hà khởi xướng xây dựng “Đề án bảo tồn văn hóa Cơ tu gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. UBND xã Hòa Bắc mời các nghệ nhân về mở lớp dạy phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ Cơ tu; phát triển, nâng cao điệu múa truyền thống tung tung da dá; phục hồi nghề làm rượu cần truyền thống…

Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch đến với Hòa Bắc, xã thành lập các tổ ẩm thực, tổ hướng dẫn viên; đội văn nghệ biểu diễn ở nhà Gươl gần 100 người. Sau thời gian triển khai, chương trình phát triển du lịch cộng đồng được 100% đồng bào người dân tộc Cơ tu ở 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí hưởng ứng mạnh mẽ.

Chàng thanh niên người Cơ tu Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay (nhà lưu trú bình dân) để phục vụ du khách. Không chỉ khách người Việt dưới xuôi lên, mà còn có những vị khách đến từ Nhật Bản cũng tham quan, khám phá vẻ đẹp của núi rừng Hòa Bắc, tìm hiểu các nét văn hóa của đồng bào Cơ tu.

Theo Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang Trần Văn Vân, sự nhiệt tình, tâm huyết của chị Lê Thị Thu Hà đã góp phần mang lại những đổi thay lớn trong nhận thức của đồng bào Cơ tu ở xã Hòa Bắc; họ biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc cha ông để lại. Quan trọng hơn, một số người dân tộc Cơ tu tham gia làm du lịch cộng đồng để có thu nhập ổn định.

Ngày nào còn công tác ở xã Hòa Bắc, ngày ấy tôi sẽ nỗ lực hết sức để giúp đỡ người dân vươn lên làm ăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Chị Lê Thị Thu Hà,
Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc

NGỌC ĐOAN

;
;
.
.
.
.
.