Về thăm trường cũ

.

Lần này tôi lại được trở về ngôi trường cũ. Osaka Prefecture University, nơi chứa bao kỷ niệm một thời học tập, nghiên cứu, đã được phá bỏ và thay vào đó là các tòa nhà mới khang trang, hiện đại cùng các thiết bị thông minh. Nhưng vẫn còn đây tảng đá xếp chồng theo hình khối vuông, với phía dưới sù sì, lởm chởm, càng lên cao càng được mài bóng - biểu tượng cho “có công mài sắt có ngày nên kim”. Vẫn còn đây hai hàng cây ngân hạnh ngả màu vàng chói dưới nắng chiều.

Góc sân trường cũ, hai hàng cây ngân hạnh năm xưa đang ngả màu vàng.
Góc sân trường cũ, hai hàng cây ngân hạnh năm xưa đang ngả màu vàng.

Năm 1989, ra đi nghĩ đến ngày về

Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ở đại học, giảng viên đi học nước ngoài còn rất khó khăn. Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng thường mỗi năm được cử 4 - 5 người dự thi để chọn 2 - 3 suất. Riêng tôi do ảnh hưởng của gia đình, đã ấp ủ ước mơ đi học Nhật Bản từ những năm vào Trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng (1969). Nhờ làm giảng viên đại học, chính sách “Đổi mới” ra đời, đi học Nhật lại thôi thúc và cơ hội đã đến vào những ngày khai giảng năm 1989, khi Osaka Prefecture University nhận tôi làm kenkyusei (ở Nhật, Kenkyusei - nghiên cứu sinh, thực ra chỉ là khóa học chính thức dành cho người chuẩn bị thi vào sau đại học). Không thể nào diễn tả được niềm vui sướng, xen lẫn lo lắng khi lên đường. Tôi nhớ mãi cảm giác khi máy bay lên cao, nhìn xuống đất nước Việt Nam, núi sông, liên tiếp hiện ra với những hình ảnh thật đẹp mà trong lòng nặng trĩu nỗi nhớ gia đình, người thân, nhớ trường, nhớ lớp. Tôi nghĩ mình phải học tập thành đạt và sớm trở về làm việc, đóng góp xây dựng quê hương.

Du học sinh trường tôi lúc đó chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Brazil, một số nước châu Á khác như Nepal, Myanmar,... một số ít từ châu Âu, Hoa Kỳ, vùng Caribe,… Việt Nam chỉ có mình tôi, vì vậy giao tiếp chủ yếu vẫn là tiếng Nhật và một ít tiếng Anh. Dĩ nhiên học ở trường lúc đó chỉ có tiếng Nhật, do vậy ai cũng tranh thủ mọi thời gian, cơ hội có thể là học tiếng Nhật và trường cũng có chế độ tutor (phụ đạo) hỗ trợ cho từng sinh viên nước ngoài. Điện thoại cũng chưa được phổ biến ở Việt Nam nên giai đoạn đầu tôi không có cơ hội nói tiếng Việt, nhờ vậy tiếng Nhật tiến bộ và nhanh chóng hòa nhập môi trường học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả ở phòng nghiên cứu, khoa, trường và ngoài xã hội. Những người Việt Nam được học tập nghiên cứu ở các nước, nhất là có cơ hội ở châu Âu, Nhật Bản luôn ý thức nỗ lực học tập, vươn lên.

Nhìn các bạn Hàn Quốc - đất nước tổ chức thành công rực rỡ Olympic Seoul 1988 chăm chỉ học hành, mong sớm về đóng góp xây dựng quê hương giàu mạnh, đuổi kịp Nhật Bản và các nước trong nhóm G7 càng thôi thúc, tạo thêm động lực cho chúng tôi miệt mài học tập. Ấn tượng nhất đối với chúng tôi là môi trường ĐH, tự do học thuật và dĩ nhiên trang thiết bị thí nghiệm hiện đại và khả năng cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị phục vụ nghiên cứu. Sinh viên năm 4 được chọn Lab (phòng nghiên cứu) và được bố trí bàn làm việc cùng với học viên cao học và nghiên cứu sinh. Chính vì vậy, các em tiến bộ nhanh chóng về kiến thức, kỹ năng và học hỏi lẫn nhau các phần mềm chuyên dụng, máy tính…

Ngày ngày sinh viên năm cuối đến trường học tập và nghiên cứu như là một biên chế chính thức của Lab cùng với sinh viên sau ĐH. Nhiều hôm làm việc căng thẳng, chúng tôi phải ngủ lại Lab hay về nhà rất trễ. Các thầy giáo có phòng làm việc riêng, nhưng tôi nhớ rõ hầu hết không về đúng giờ làm việc, mà bao giờ cũng ra về rất muộn. Tự hào về quê hương đất nước, hầu hết du học sinh sau khi học xong, mang bao hoài bão, kiến thức học hỏi nơi xứ người trở về góp công sức nhỏ bé của mình phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, mặc dù lúc đó nhiều công ty hàng đầu của Nhật đang làm ăn với Việt Nam rất muốn nhận chúng tôi vào làm việc.

Tận dụng cơ hội đào tạo nguồn nhân lực

Trong thời gian học tập tại Nhật (1989-1993), ngoài kiến thức chuyên môn, quản trị Lab, khoa và quản trị đại học, chúng tôi luôn ý thức học hỏi những điều hay trong hoạt động xã hội thường nhật, cũng như tích lũy kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp từ vừa và nhỏ đến lớn mà chúng tôi từng đến thực tập hay làm thêm.

ĐH Đà Nẵng đã ký kết và triển khai hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, phát triển dự án với các ĐH hàng đầu của Nhật Bản như: ĐH Kyoto, ĐH Osaka, ĐH Kansai, ĐH Kobe, ĐH Tokyo, ĐH Quốc gia Yokohama, ĐH Kanazawa, ĐH KitaKyushu, ĐH Tsukuba, ĐH Ritsumeikan, ĐH Kogakuin, ĐH Kỹ thuật Nagaoka, ĐH Kỹ thuật Toyohashi, ĐH Tokushima, ĐH Ehime, ĐH Yamaguchi, ĐH Kagoshima, JAIST, ĐH Điều dưỡng Kobe… Thông qua mối quan hệ hợp tác đó, đã có một số dự án nghiên cứu chung, hợp tác với doanh nghiệp và gắn kết với thành phố giải quyết về môi trường, nước cấp, nước thải, các công trình cầu cống, sạt lở, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, nhiều giảng viên được gửi đi đào tạo sau ĐH (chủ yếu là tiến sĩ) tại Nhật bằng các nguồn học bổng của Chính phủ Nhật (MEXT), JDS, trường đối tác hay của Việt Nam (Đề án 322, 911).

Có thể nói, hầu hết các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng đều có người tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường ĐH của Nhật, cũng như có khoa Tiếng Nhật mạnh. Chương trình hợp tác song phương cũng giúp nhiều sinh viên đi học, trao đổi ngắn hạn, đồng thời tiếp nhận nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Nhật đến Đà Nẵng qua hình thức giao lưu, học tập, nghiên cứu. Theo mô hình ĐH của Nhật, trường ĐH tổ chức những buổi giao lưu và thi tuyển dụng vào các doanh nghiệp dành cho sinh viên cuối năm 3 và đầu năm 4. Các công ty Nhật đã trực tiếp đến gặp gỡ sinh viên để tuyển dụng, nhờ vậy sinh viên có động lực học tập, năng động và trang bị thêm tiếng Nhật, kỹ năng mềm. Thông qua chương trình này, nhiều sinh viên tốt nghiệp từ ĐH Đà Nẵng được các công ty tiếp nhận đưa sang Nhật làm kỹ sư. Một số em đã quay về Việt Nam theo công ty (FDI) hay ra ngoài làm việc, khởi nghiệp rất thành công.

Các doanh nghiệp Nhật đến Đà Nẵng tìm kiếm đầu tư, điều họ quan tâm nhất vẫn là nguồn nhân lực, và họ hoàn toàn yên tâm khi ở đây có đủ ngành nghề, lĩnh vực và tiếng Nhật. Có thể nói, ĐH Đà Nẵng đã đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ chốt cho các công ty Nhật như: Daiwa, Mabuchi Motor, Foster, Shinko Technos, Takemoto Denki, Jesco Asia, Danifoods, Nissan, NTT Data, FSoft và các dự án đầu tư khác…; đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, chế tạo máy, chế biến thực phẩm, điện-điện tử và IT.

Nhận thấy Việt Nam xây dựng nhiều tòa nhà cao tầng, nhưng nguồn nhân lực làm việc liên quan đến thang máy chưa được đào tạo bài bản, ĐH Đà Nẵng đã hợp tác với Công ty ME và Fujitsu mở các khóa đào tạo miễn phí về thang máy theo tiêu chuẩn Nhật Bản và được thực hành trên các hệ thống thang máy hiện đại. Nhờ vậy, nhiều sinh viên đã được tuyển chọn sang làm việc tại các công ty ở Nhật hay các doanh nghiệp, dự án tại Việt Nam.

Còn nhớ năm 2008, sau 15 năm rời trường (1993), tôi cùng GS Bùi Văn Ga và PGS Võ Trung Hùng được Trường Osaka Prefecture University mời đến báo cáo chuyên đề về biogas, LPG (khí hóa lỏng) ứng dụng trên xe gắn máy và hướng phát triển hợp tác giữa hai trường và hai thành phố Đà Nẵng và Osaka; sau đó tiến hành ký kết biên bản hợp tác với Trường ĐH Bách khoa và tiếp đó là với ĐH Đà Nẵng.

Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với đại học ở Osaka.
Đại học Đà Nẵng ký kết hợp tác với đại học ở Osaka.

Osaka Prefecture University có 12 chương trình nghiên cứu trọng tâm cho thế kỷ 21 với những vấn đề liên quan về khoa học sự sống, sức khỏe, xã hội, hỗ trợ cuộc sống, hợp tác xã hội, công nghệ thông tin, viễn thông, trí tuệ nhân tạo, hệ thống sản xuất, năng lượng môi trường, công nghệ vật liệu… Trong đó, có rất nhiều lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành của ĐH Đà Nẵng và thành phố Đà Nẵng đang quan tâm như: Công nghệ thông tin, Điện tử-Viễn thông, Công nghệ sinh học, Khoa học sự sống, Sức khỏe, Công nghệ Hóa học, Công nghệ vật liệu, Môi trường, Cơ khí, Tàu thuyền, Nông nghiệp, Du lịch, Dịch vụ, Kinh tế, Khoa học giáo dục, Khoa học xã hội, Điều dưỡng...

Cũng như ĐH quốc gia Yokohama gắn kết chặt chẽ với thành phố Yokohama, ĐH Phủ lập Osaka cũng gắn liền với sự phát triển của Osaka năng động, sáng tạo mà được ví như thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam. Sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả và thực chất giữa tam giác: ĐH - Chính quyền - Doanh nghiệp là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển kinh tế-xã hội Nhật Bản vươn lên từ sau chiến tranh đổ nát trở thành nước thứ 2 trong nhóm G7. Hàn Quốc cũng lấy Nhật Bản làm bài học kinh nghiệm để có phát triển thần kỳ như ngày hôm nay.

Nhờ có môi trường học tập nghiên cứu và biết chắt chiu các bài học kinh nghiệm của Nhật, áp dụng một cách nhuần nhuyễn vào điều kiện giáo dục ĐH Việt Nam, tôi đã từng bước đóng góp tâm sức nhỏ bé của mình cho quê hương, như ý nguyện ngày đầu tiên rời xa quê hương, đất nước. Về phía Nhật Bản, tôi cũng được các đối tác tin cậy, hợp tác và thường xuyên gặp gỡ trao đổi, mạn đàm, mời báo cáo học thuật hay quản lý. Năm 2014, tôi vinh dự được ĐH Quốc gia Yokohama phong tặng Tiến sĩ danh dự và năm 2018 được nhận Tiến sĩ danh dự của ĐH Kỹ thuật Nagaoka. Nhìn về quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, tin tưởng Việt Nam sớm có ngày như các nước Đông Á này…

Tháng 11 năm nay, tôi lại có dịp về với ngôi trường cũ. Bao sự đổi thay, nhưng tảng đá xếp chồng theo hình khối vuông với phía dưới sù sì, lởm chởm, càng lên cao càng được mài bóng - biểu tượng cho “có công mài sắt có ngày nên kim” vẫn còn đây. Hai hàng cây ngân hạnh vẫn còn đây, ngả màu vàng chói dưới nắng chiều.

Kết nối các sản phẩm dệt may tại Đà Nẵng đến với Nhật Bản

Tại Đà Nẵng, nhờ mối quan hệ với Nhật, Công ty Enshu Trading Corporation đã kết nối, đặt hàng và phát triển ngành dệt vải, in hoa, dệt và in hoa trên khăn, may mặc cho các công ty của Đà Nẵng như: Dệt Hữu nghị, Dệt may 29-3, Dệt Hải Vân (thuộc Dệt Hòa Thọ), Dệt Hòa Khánh, Thảm len Thanh Sơn, Công ty CP Vinatex Đà Nẵng,… và lan tỏa mở rộng các đơn đặt hàng dệt vải đến cho xã Duy Sơn, Duy Trinh (huyện Duy Xuyên)…

Hầu hết các công ty này đều là lá cờ đầu của Đà Nẵng trong đóng góp ngân sách và xuất khẩu của Đà Nẵng giai đoạn 1994-1998 và các năm sau đó. Vào các siêu thị lớn của Nhật lúc bấy giờ, đâu đâu cũng thấy sản phẩm vỏ chăn, áo gối, nệm thảm ngồi, khăn mặt của Đà Nẵng. Có thể nói, đó là thời kỳ Đà Nẵng bắt đầu xâm nhập thị trường Nhật Bản, tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động xuất nhập khẩu sôi động của miền Trung.

GS.TS Trần Văn Nam


 

;
;
.
.
.
.
.