Con số 2 ấn tượng

.

Khi chúng tôi tìm đến nhà chị Huỳnh Thị Sang, ở tổ 6, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ cũng là lúc cơn mưa chiều nặng hạt ập đến. Trong ngôi nhà nhỏ mới toanh, chị Sang không giấu niềm vui: “Gần 10 năm trước, khi chồng tôi lâm bệnh nặng qua đời để lại hai đứa con nhỏ, 3 mẹ con sống trong túp lều ngay trên mảnh đất này. Trong khó khăn đó, thật may mắn tôi luôn nhận sự trợ giúp của bà con chòm xóm.

Cách đây hơn 2 năm, UBND phường hướng dẫn tôi làm hồ sơ vay 20 triệu đồng để sửa nhà, rồi hỗ trợ thêm 3 triệu đồng để tôi làm vốn mở một tủ bánh mì… Khó khăn cũng dần qua, tháng 10 này tôi đã trả xong nợ 20 triệu đồng và đang được Hội Phụ nữ phường hướng dẫn vay tiếp 50 triệu đồng để con gái tôi mở quán làm ăn. Thật chẳng thể tin có một ngày tôi thoát được nghèo như hôm nay”.

Bây giờ chị Lê Thị Nhựt đã an tâm khi có chỗ thờ chồng và con gái; nhà cửa cũng không còn lo mưa dột.
Bây giờ chị Lê Thị Nhựt đã an tâm khi có chỗ thờ chồng và con gái; nhà cửa cũng không còn lo mưa dột.

Chồng và con gái mất do bệnh, chị Lê Thị Nhựt, ở tổ 6, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê nhớ lại: “Lúc đó nợ tứ bề, hai đứa nhỏ còn tuổi đi học, đứa lớn thì thất nghiệp, mấy mẹ con tối về chen chúc trong ngôi nhà chưa đến 2m2, chẳng có chỗ đàng hoàng thờ chồng và con gái. Con trai lớn khi có vợ cũng phải chịu cảnh tối xếp lớp xuống nền nhà mà ngủ, khổ quá!”.

Thật mừng là đầu năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và quận hỗ trợ gia đình chị Nhựt 50 triệu đồng, chị vay thêm 30 triệu đồng nữa để làm được căn nhà nhỏ với gác bê-tông. Chưa hết, cách đây 3 tháng, vợ chồng con trai chị được phường giới thiệu để xin thành phố một căn chung cư gần cầu vượt Hòa Cầm, bản thân chị được Hội Phụ nữ phường hỗ trợ 3 triệu đồng làm vốn buôn bán rau ở chợ. “Bây giờ nhà đã có, con trai cũng có nhà riêng, bản thân tôi thu nhập ổn định. Nhiều đêm ngủ mà giật mình, không biết mình đang mơ hay thực nữa”, chị Nhựt nói.

Những “giấc mơ” như vậy đã xuất hiện ngày càng nhiều trong những năm gần đây ở các xóm lao động nghèo, trong các con hẻm nhỏ của thành phố với những câu chuyện đổi đời mà ngay bản thân người trong cuộc còn khó tin được.

Còn nhớ cách đây tròn 3 năm, khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 123/2015/NQ-HĐND ngày 10-12-2015 thông qua đề án Giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, không ít người lo lắng liệu có thể đạt chỉ tiêu “khủng” như: phấn đấu mỗi năm giảm 500-600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giảm 20% trở lên số hộ nghèo còn sức lao động (tương đương 4.030 hộ nghèo và 2.080 hộ cận nghèo), để đến cuối kỳ đề án, thành phố chỉ còn khoảng 2.300 hộ nghèo.

Tuy nhiên, mức phấn đấu đó của HĐND thành phố là có cơ sở khi chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001-2015 cũng đã có cú về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra và lần đầu tiên thành phố không còn hộ đói. Tiếp đó, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2013-2017 một lần nữa cũng về đích với con số 2 ấn tượng khi thành phố xóa hết hộ nghèo (theo chuẩn quy định của Trung ương) trước 2 năm so với chỉ tiêu.

Để đạt kết quả đó là cả sự quyết tâm và vào cuộc của hệ thống chính trị và rất nhiều sự chung tay của doanh nghiệp, các mạnh thường quân, tấm lòng chia ngọt sẻ bùi của bà con lao động nghèo đến những cán bộ phụ trách giảm nghèo cần mẫn. Chỉ tính riêng 2 năm 2015 và 2016, thành phố huy động trên 1.400 tỷ đồng, trợ giúp 23.000 hộ dân thoát nghèo. Đây chính là động lực và niềm tin để cuối năm 2016 thành phố quyết định xây dựng chuẩn nghèo theo hướng cao hơn mức quy định của Trung ương.

Trong dịp tổng kết công tác giảm nghèo năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh: “Thành phố không dừng lại việc giảm nghèo mà sẽ nỗ lực nâng cao mức sống cho người dân, nhất là người dân nghèo bằng cách nâng chuẩn cao hơn để phấn đấu”. Theo quy định của Trung ương, mức chuẩn nghèo thu nhập người dân ở khu vực nội thành là 900.000 đồng/người/tháng và nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo quy định của thành phố Đà Nẵng, mức này lần lượt là 1,3 triệu đồng và 1,1 triệu đồng. Chuẩn cao hơn thì việc đạt các mục tiêu khó hơn, nhưng thêm một lần nữa con số 2 ấn tượng lại xuất hiện. Đặc biệt năm 2018 thành phố quyết tâm dồn mọi nguồn lực để đưa số hộ nghèo về mức 2.300 hộ. Để biến mục tiêu thành hiện thực, các địa phương đã rà soát và hỗ trợ 2.060 hộ nghèo vay gần 100 tỷ đồng, mua thẻ bảo hiểm y tế cho 90.000 người nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo với tổng kinh phí 49 tỷ đồng.

Còn với chị Huỳnh Thị Sang thì đã lâu lắm rồi khi trời mưa nhưng mà nền nhà vẫn khô ráo là điều trước đây chưa từng có.
Còn với chị Huỳnh Thị Sang thì đã lâu lắm rồi khi trời mưa nhưng mà nền nhà vẫn khô ráo là điều trước đây chưa từng có.

Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ 290 hộ nghèo sửa chữa nhà với kinh phí 7,3 tỷ đồng, bố trí chung cư cho 240 hộ nghèo khác. Trong năm, thành phố cũng đã duy trì trợ giúp xã hội cho trên 7.000 đối tượng xã hội, người bị bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 7.208 hộ nghèo, cung cấp phương kế mưu sinh cho 68.000 lượt người với tổng nguồn lực huy động lên đến 330 tỷ đồng. Nếu đầu năm 2018 thành phố còn 7.114 hộ nghèo còn sức lao động, thì đến cuối tháng 12-2018, con số trên đã hạ xuống còn 2.319 hộ. Điều này có nghĩa đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đã về đích trước 2 năm.

Tháng 11-2017, trong lần làm việc với thành phố Đà Nẵng về công tác giảm nghèo, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho rằng, thành công của Đà Nẵng về “xóa đói, giảm nghèo” nhờ dựa vào 2 trụ cột rất quan trọng là bảo đảm “an cư”, tức giúp người nghèo có chỗ ở và kế sách giúp họ “lạc nghiệp” bằng hỗ trợ phương kế mưu sinh.

Đây cũng là giải pháp chính của thành phố Đà Nẵng trong việc thực hiện thắng lợi đề án Giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu xóa hết khoảng 2.100 hộ nghèo còn lại. Bên cạnh giảm nghèo là chống tái nghèo. Đây là mục tiêu không hề đơn giản nhưng với kỳ tích “2 năm” như thời gian qua, hy vọng Đà Nẵng sẽ đạt và vượt mục tiêu mình đề ra.


Tại kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố (khóa IX) đã thông qua Nghị quyết về nâng chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, áp dụng trong 2 năm 2019-2020. Theo đó, chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố là hộ đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.300.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.600.000 đồng và thiếu hụt từ 3/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.