Người con của đất Hòa Hải

.

Có nhiều bước ngoặt trong cuộc đời, nhưng điều mà thương binh Huỳnh Phước A, người dũng sĩ diệt Mỹ ghi nhớ nhất là đã hai lần được gặp Bác Hồ.

Dũng sĩ Huỳnh Phước A (thứ hai, từ trái sang) với nhà báo Đức. (Ảnh gia đình cung cấp)
Dũng sĩ Huỳnh Phước A (thứ hai, từ trái sang) với nhà báo Đức. (Ảnh gia đình cung cấp)

Gan dạ có tiếng, Huỳnh Phước A (quê Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) đã tham gia trong tiểu đội cảm tử dưới sự chỉ huy của xã đội trưởng Phạm Nổi (sau này là Anh hùng LLVTND) từ năm 1964.

Đêm cuối năm 1967, Mỹ bao vây khu vực vùng 3 Hòa Hải khi phát hiện được nơi du kích trú ẩn. Trong một trận đánh sinh tử, Huỳnh Phước A bật nắp hầm xông lên ném lựu đạn vào toán Mỹ rồi chạy ra phía biển. Đạn địch bắn cheo chéo phía sau. Chân phải anh trúng đạn, khuỵu xuống. Một cơ sở chạy ra vác anh vào hầm bí mật, đưa xuống thúng chai chở qua Hội An. Địch đuổi bắn theo, anh lộn nhào dưới nước, đồng đội cứu thoát trong gang tấc. Lên được vùng B Đại Lộc, trú suốt 2 tuần trong hang, chân anh bị nhiễm trùng nặng dẫn đến hoại tử, đồng đội cấp tốc khiêng anh lên Ban dân y Quảng Đà. Chân anh được bác sĩ cưa gấp để cứu sống tính mạng. 6 tháng ở đây, được trạm phẫu, các y, bác sĩ hết lòng chăm sóc, vết thương đã tạm ổn.  Các dân công thay nhau cáng anh vượt sông A Vương. Ngày đi, đêm không nghỉ, theo ánh sáng từ con đom đóm, trèo đèo, vượt thác, vòng qua nước Lào để đến Quảng Bình, để từ đó có ô-tô đưa anh ra Hà Nội.

Kỳ tích tận trời Âu

Nhớ lại đoạn đường gian truân đã qua, ông A luôn nghĩ đến ơn nghĩa sâu nặng của các y, bác sĩ, những người như bác sĩ Chiên, y tá Thương, những dân công đã vất vả và thậm chí có thể hy sinh đến tính mạng vì mình. Ông luôn thấy mình mắc nợ với quê hương. Ra miền Bắc, ông được điều trị vết thương và đi nói chuyện về miền Nam và tội ác đế quốc Mỹ. Đi khập khiễng trên chiếc nạng, ông có mặt tại nhiều cơ quan, trường học ở Hà Nội, Hải Phòng. Cũng tại bệnh viện E, ông đã gặp nữ anh hùng Trần Thị Lý, người đã truyền cho ông thêm nghị lực sống. Nhớ lần gặp đầu tiên, ông rất ngạc nhiên khi chị vào nhà ăn với chiếc nón lá trên đầu. Hỏi thì chị trả lời, anh em xứ Quảng ra gặp chị hay gõ yêu trên đầu như một lời chào. Nhưng đầu chị, lính Ngô Đình Diệm tra tấn, đóng đinh nhiều lắm, vết tích vẫn còn nên mỗi lần như vậy là đau nhức. Chính vì thế chị luôn đội nón lá để phòng những cái gõ yêu như thế! Cứ mỗi khi nghĩ đến người chị gái quê hương mảnh mai mà can trường, ông lại thấy mình càng phải vượt qua thương tật.

Đầu năm 1969, Huỳnh Phước A được qua Cộng hòa Dân chủ Đức nghỉ dưỡng hai tháng kết hợp làm chân giả trước khi về học văn hóa. Bác sĩ ở thủ đô Berlin nói rằng, với chân giả nặng đến 9 ký, bệnh nhân phải có từ 3-6 tháng tập mới có thể thích nghi. Ngày xưa đánh Mỹ khó thế còn làm được, nay sá gì. Nghĩ là làm, suốt một tuần ông tập mọi lúc, mọi nơi, hôm nào cũng 12 giờ đêm mới ngủ. Đôi lúc ngã sóng soài bầm tím đầu gối, mồ hôi đầm đìa. Có khi chân thốn đau tận đỉnh đầu. Đến ngày thứ 7, ông đã có thể đi được tự nhiên trước sự ngạc nhiên và khâm phục của các bác sĩ.

Ngay sau khi có thông tin này, nhiều nhà báo Đức đã đến phỏng vấn ông tại bệnh viện. Họ không nghĩ rằng cái con người ấy có vóc dáng mảnh mai, đôi mắt đen láy, hiền hòa này lại có thể chống chọi hàng chục trận với giặc Mỹ - “những con kền kền ở Đà Nẵng”. Từng chiến đấu anh dũng năm xưa, nay chàng trai trở lại tiếp tục viết nên kỳ tích về lòng quyết tâm khi một tuần đã có thể đi được. Thú vị nữa là bài báo tiếng Đức (ông A còn lưu giữ) được dịch ra mấy thứ tiếng. Nhiều cán bộ của ta ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc đều nói rằng đã được đọc bài báo về Huỳnh Phước A và thêm tự hào về người con Đà Nẵng. Bà Đỗ Duy Liên, người dẫn đoàn đi qua Đức năm nào, sau này là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn lấy tấm gương Huỳnh Phước A để nói chuyện với thanh niên ngày mới giải phóng.

Kỷ niệm hai lần gặp Bác

Huỳnh Phước A nhớ lần đầu tiên ông trong đoàn dũng sĩ miền Nam nhìn thấy Bác Hồ là ngày 20-12-1968 tại lễ kỷ niệm lần thứ 8 ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội trường Ba Đình. Trên Chủ tịch đoàn có Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh đạo cao cấp. Khi nghe Bác Tôn giới thiệu có đoàn Dũng sĩ miền Nam đang ở trong hội trường thì Bác Hồ đưa tay vẫy lên khán đài. Các bạn nhỏ hơn và khỏe mạnh đã nhanh chân chạy lên phía trước. Huỳnh Phước A cũng muốn lắm nhưng lúc đó, với chiếc chân thương tật thì chỉ biết ngồi tại chỗ, vì thế mà không được chụp ảnh với Bác. Chàng trai Hòa Hải sung sướng, mắt không rời vị Cha già dân tộc, lắng nghe từng lời Bác dạy với Dũng sĩ miền Nam. Bác dặn kỹ các cháu phải giữ ấm, kẻo không chết vì bom đạn Mỹ mà chết vì rét. Lời Bác hiền từ làm ông bật khóc khi nhớ đến người mẹ thân yêu và 4 đứa em bị địch tàn sát ở quê. Ông biết rằng Bác luôn quan tâm đến các cháu miền Nam nhất là những thương binh nặng như ông. Sau này, ông còn nhớ, lần đang ở bệnh viện E (lúc này ông đã được lắp chân giả), ông và 5 dũng sĩ nữa đã được tặng những chiếc xe đạp Thống Nhất bóng loáng. Các cô chú bệnh viện nói rằng đây là quà của Bác Hồ gửi tặng. Với chiếc xe này, ông đã tập đi và giữ rất nhiều năm sau đó.

Niềm xúc động như trào dâng khi ông nhớ về lần thứ hai được gặp Bác Hồ yêu kính. Lúc đó, ông  đang học văn hóa ở Từ Hồ (Hưng Yên) thì cùng các dũng sĩ Ngô Thị Tuyết, Trần Thị Kim Cúc... được về thăm Bác. Thầy cô của trường cho biết Bác muốn gặp các cháu miền Nam. Quá xúc động nên khi lên bậc tam cấp, ông đánh rơi chiếc dép rọ mang bàn chân giả lúc nào không hay. Bác rất gầy yếu, gương mặt xanh hơn mọi ngày. Mọi người lặng lẽ nắm bàn tay Bác mà nước mắt giàn giụa. Đến bây giờ trong khi các bạn đi cùng nhớ rất kỹ những lời Bác dặn thì ông không nhớ gì ngoài nỗi xúc động mãnh liệt khi cảm nhận Bác sắp đi xa.

 Trong câu chuyện, ông Huỳnh Phước A kể lại rằng, dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, những người bạn ngày xưa của ông về dự còn nhắc đến lớp “công thần”. “Quả đúng như vậy, ngày đó chúng tôi hưởng chế độ đặc biệt. Ăn uống có phòng riêng. Mọi người chỉ có 3 lạng thịt/tháng thì chúng tôi được 3 ký thịt heo, 2 ký thịt gia cầm. Đó là chưa kể đường, sữa. Sau khi xong dự bị, vào chính thức đại học thì hưởng lương hằng tháng 70.000 đồng, tương đương hàm thứ trưởng. Trong điều kiện đất nước còn muôn vàn khó khăn, Bác Hồ và cả miền Bắc đã dành cho những đứa con thương binh miền Nam sự ưu ái đến như vậy”, ông nghẹn ngào nhớ lại. Tình cảm của Bác là động lực để ông quyết tâm học tập cho giỏi. Ở nhà mới lớp 4, vậy mà ra Bắc, ông “cày” một năm hai lớp và tiếp tục đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Chính vì ngưỡng mộ ý chí của ông mà cô gái xinh đẹp Phạm Thị Bạn học trên một lớp đã đem lòng yêu thương và gắn kết trọn đời cùng ông. Về lại quê hương, cả hai vợ chồng đều công tác ở Ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, sau này là Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng suốt 35 năm cho đến khi về hưu. Từ tấm gương của cha mẹ mình, ba người con của ông A học hành đến nơi đến chốn và hiện nay đều có việc làm ổn định.

Căn nhà ông đang ở hiện nay (99/50 Núi Thành, Đà Nẵng) có được là nhờ sự quan tâm của cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh. Ở tuổi 73, giở những tấm ảnh lưu lại một thời đầy tự hào của tuổi trẻ, cũng như bao người thương binh khác đã may mắn sống đến ngày non sông thống nhất, ông Huỳnh Phước A luôn nhớ thương đồng đội đã ngã xuống khi chưa kịp đón niềm vui đoàn tụ. Ông luôn dặn các con phải trân trọng từng ngày đang sống để xứng đáng với thế hệ cha anh.

HỒNG VÂN

;
.
.
.
.
.