Xã hội

Triển khai cấp đổi giấy phép lái xe dịch vụ công mức độ 4 tại Đà Nẵng

08:59, 20/04/2024 (GMT+7)

Dịch vụ công mức độ 4, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) được Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) triển khai tại Công văn số 814/CĐBVN-VT, PT&NL ngày 7-11-2022. Đây là hệ thống thông tin do Bộ GTVT chủ trì triển khai theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công dân làm thủ tục hành chính ở Bộ phận “Một cửa” của Sở Giao thông vận tải. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN
Công dân làm thủ tục hành chính ở Bộ phận “Một cửa” của Sở Giao thông vận tải. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Theo đó, hệ thống dịch vụ công cấp 4 đổi GPLX được thiết kế, thực hiện liên thông dữ liệu số giữa 3 hệ thống thông tin của Bộ GTVT (dữ liệu GPLX), Bộ Y tế (dữ liệu giấy khám sức khỏe của người lái xe) và Cổng dịch vụ công quốc gia (dữ liệu định danh điện tử của công dân).

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung, có thể nói hệ thống dịch vụ công cấp 4 đổi GPLX được xem là một bước tiến lớn trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng, khai thác dữ liệu số từ Trung ương đến địa phương, dữ liệu của công dân được lưu trữ, cập nhật tự động từ địa phương (các cơ sở khám chữa bệnh, trung tâm y tế) lên hệ thống của Bộ Y tế và gửi liên thông đến Bộ GTVT để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho chính người dân sử dụng, nộp hồ sơ trực tuyến.

Đây là mô hình khai thác dữ liệu số sẽ tiếp tục được nghiên cứu, mở rộng áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác của sở trong thời gian đến. Hệ thống dịch vụ công cấp 4 đổi GPLX do Bộ GTVT triển khai để người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng, Sở GTVT tiếp nhận xử lý hồ sơ, tương tự như các dịch vụ công khác mà Sở GTVT đã triển khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố.

Theo Sở GTVT, các trung tâm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không cung cấp dịch vụ công đổi GPLX trực tuyến. Hiện thành phố chỉ có 24 đơn vị đủ điều kiện khám sức khỏe của người lái xe để người dân liên hệ thực hiện khám sức khỏe nộp hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến cấp, đổi GPLX của Sở GTVT và 6 đơn vị hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi giấy phép lái xe.

Công dân chỉ cần đến cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được đơn vị hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi giấy phép lái xe (thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT), thanh toán lệ phí qua mạng và nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện mà không cần phải trực tiếp đến Bộ phận một cửa của Sở GTVT như trước đây.

Để triển khai thành công dịch vụ này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Sở GTVT đã chủ động tham mưu triển khai các nhiệm vụ, sẵn sàng dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin như phối hợp với các đơn vị: Công an thành phố cập nhật dữ liệu vi phạm hành chính; Sở Y tế tích hợp dữ liệu khám sức khỏe lái xe; Sở Tư pháp chứng thực điện tử; Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về hạ tầng, chữ ký số...

Theo đó, đến đầu tháng 2-2023, Sở GTVT đã phối hợp với Sở TT&TT, Sở Y tế và Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn tiến hành thử nghiệm, liên thông dữ liệu khám sức khỏe của người lái xe từ hệ thống của Bộ Y tế về Cổng dịch vụ công toàn trình đổi GPLX của Bộ GTVT và thực hiện đổi thành công GPLX trực tuyến toàn trình hoàn toàn trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu triển khai chính thức tại thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, rà soát các điều kiện triển khai liên quan theo quy định hiện hành về cấp đổi GPLX; Sở GTVT đã có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hướng dẫn, cũng như chỉnh sửa một số chức năng trên phần mềm cho phù hợp để sẵn sàng triển khai chính thức.

Sau khi xây dựng quy trình xử lý nội bộ của sở và quy chế phối hợp với Bưu điện Đà Nẵng về trả GPLX qua dịch vụ bưu chính công ích. Sở GTVT đã có thông báo chính thức triển khai thí điểm dịch vụ công cấp độ 4 đổi GPLX trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kể từ ngày 6-3-2023. Trong quá trình triển khai, Sở GTVT cũng có nhiều văn bản, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam chỉnh sửa, nâng cấp phần mềm đáp ứng yêu cầu hơn nữa trong việc phục vụ người dân đổi GPLX.

Bên cạnh việc thông báo triển khai, Sở GTVT cũng xây dựng video, tài liệu hướng dẫn để đăng tải lên website, niêm yết đường dẫn truy cập (bằng QR) tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đến nay, qua thời gian hướng dẫn qua liên hệ trực tiếp, điện thoại, zalo hỗ trợ… đã có 6 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của người lái xe bố trí bộ phận hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi giấy phép lái xe.

Theo đánh giá của Sở GTVT, việc khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của người lái xe tổ chức hướng dẫn hoặc hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến mang lại hiệu quả cao. Công dân chỉ cần đến cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được đơn vị hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4) đổi giấy phép lái xe (thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT), thanh toán lệ phí qua mạng và nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện mà không cần phải trực tiếp đến Bộ phận một cửa của Sở GTVT như trước đây. Đây là nét mới trong cách tiếp cận giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thay vì tập trung đối tượng hướng dẫn, khuyến khích là công dân riêng lẻ mất nhiều thời gian mà hiệu quả thấp khi áp dụng các thủ tục có tính chất đặc thù như cấp đổi GPLX (quy trình thực hiện nhiều bước nhưng thời gian giãn cách nộp hồ sơ của công dân lâu), thì nay tập trung vào việc hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện khám sức khỏe của người lái xe vừa khám sức khỏe điện tử vừa bố trí bộ phận hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, tạo thói quen cho công dân nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, xây dựng công dân số.

Giải pháp này không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn tiết kiệm nhiều thời gian của cán bộ một cửa trong việc hướng dẫn chi tiết cho từng công dân nộp hồ sơ. Có thể xem là bước tiến lớn trong việc khai thác dữ liệu số phục vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số công tác cung cấp, tiếp nhận giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Khi mà công dân đến một cơ quan, đơn vị này để thực hiện thủ tục hành chính mong muốn tại một cơ quan, đơn vị khác, rồi nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện.

Được biết, theo thống kê của Bộ GTVT, từ tháng 3-2023, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Công an kết nối dữ liệu xử lý vi phạm giao thông; phối hợp với Bộ Y tế kết nối với hơn 1.300 cơ sở y tế, cung cấp hơn 630.000 giấy khám sức khỏe điện tử.

Năm 2023, Sở GTVT đã tiếp nhận, xử lý 4.059 hồ sơ. Trung bình xử lý khoảng 340 hồ sơ/tháng. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ cấp đổi GPLX, đạt gần 20,04%, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng công dân đến làm việc trực tiếp tại sở cũng giảm, góp phần giảm bớt áp lực cho Bộ phận một cửa Sở GTVT. Quý 1-2024 có 2.763 hồ sơ (tăng hơn 1.000 hồ sơ, gần 60% so với quý 4-2023), điều này cho thấy dịch vụ công toàn trình cấp đổi GPLX đang dần mang lại hiệu quả cao hơn, được người dân quan tâm, sử dụng. Sở GTVT vẫn đang tiếp tục phối hợp rà soát, hỗ trợ các cơ sở khám sức khỏe của người lái xe bố trí bộ phận hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến, mở rộng mô hình trên toàn địa bàn thành phố.

PHƯƠNG UYÊN

.