Xã hội

Dịch vụ xe đạp công cộng tiếp tục được thí điểm như thế nào?

08:51, 20/04/2024 (GMT+7)

UBND thành phố vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố đề nghị tiếp tục miễn phí sử dụng tạm thời vỉa hè để bố trí trạm xe đạp công cộng trên địa bàn.

Giới thiệu sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: THÀNH LÂN
Giới thiệu sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại Cung thể thao Tiên Sơn. Ảnh: THÀNH LÂN

Trên cơ sở kết quả sau hơn 1 năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng (3-2023), thành phố tiếp tục cho triển khai dịch vụ này. Đây là tín hiệu tích cực để người dân và du khách được tham quan thành phố bằng xe đạp. Phạm Thị Hồng Ngoan, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ: “Cháu rất thích xe đạp công cộng này nên mỗi khi được theo ba mẹ về Đà Nẵng là thường sử dụng để đi chơi. Với mức phí như hiện tại thì rất phù hợp cho các học sinh như cháu”.

Trong khi đó, theo anh Hoàng Quốc Thành (du khách đến từ Hà Nội) đánh giá, với một thành phố có diện tích không rộng như Đà Nẵng, nhưng đường sá rộng rãi, thoáng mát, các điểm tham quan gần nhau như Công viên APEC, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, Thành Điện Hải, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn... thì việc sử dụng xe đạp công cộng để tham quan rất thuận tiện, vừa ít tốn kém, vừa tăng cường thể lực...

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải (GTVT), việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần kết nối các phương thức vận tải công cộng, tăng tiện ích và tạo thêm sự lựa chọn về phương tiện giao thông cho người dân và du khách sử dụng để di chuyển tại khu vực trung tâm thành phố.

Trong 1 năm triển khai thí điểm chưa ghi nhận tai nạn giao thông liên quan người sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng. Việc triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nói trên cũng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải. Dịch vụ này cũng có tính kết nối với xe buýt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân đi xe buýt.

​​​​​​​Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam (chủ đầu tư dự án xe đạp công cộng) cho hay, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay công ty đã cung cấp 600 xe đạp tại 61 trạm trên toàn địa bàn thành phố, dịch vụ được cung cấp sử dụng 24/24 giờ trong ngày. Tính từ ngày 29-3-2023 đến 28-12-2023, có 108.758 khách sử dụng dịch vụ, trung bình 402,8 khách/ngày; trong đó, tổng số chuyến đi là 192.677, trung bình 701 chuyến/ngày, với tổng quãng đường hơn 1 triệu km…

Tương tự như 5 địa phương khác trong cả nước, trong 3 tháng đầu đưa vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng có tính mới và nhận được sự chú ý, quan tâm của truyền thông, báo chí, tạo được hiệu ứng mạnh và người dân trải nghiệm sử dụng nhiều. Qua các tháng tiếp theo dịch vụ đã dần dần quen thuộc với người dân và du khách, lượng người trải nghiệm dịch vụ giảm và dần đi vào ổn định với lượng khách sử dụng phương tiện cho sinh hoạt hằng ngày.

Ngoài ra do thời tiết các tháng cuối năm 2023, tại Đà Nẵng có mưa liên tục vào các buổi chiều và tối (đây là thời gian người dân và du khách đạp xe nhiều nhất) dẫn đến các chỉ số giảm mạnh so với 3 tháng đầu tiên đưa dịch vụ vào sử dụng. Chuyến đi trong 2 ngày cuối tuần có tăng nhưng không đáng kể so với các ngày trong tuần, số chuyến đi tổng thể rất đều giữa các ngày trong tuần. Điều này cho thấy việc sử dụng xe đạp công cộng TNGo đang dần trở thành phương tiện quen thuộc với người dân, đã có nhiều khách hàng sử dụng xe đạp thường xuyên để phục vụ nhu cầu đi lại trong ngày hoặc rèn luyện sức khỏe.

“Đối với Đà Nẵng, chúng tôi nhận định thị trường rất khả quan. Năm đầu tiên, mặc dù chưa được như kỳ vọng nhưng về cơ bản Đà Nẵng là một thành phố du lịch, lượng khách đông đảo nên rất phù hợp với loại hình xe đạp công cộng”. ông Đỗ Bá Quân nhấn mạnh.

Người dân sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại đường Như Nguyệt, quận Hải Châu.  Ảnh: THÀNH LÂN
Người dân sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng tại đường Như Nguyệt, quận Hải Châu. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Hồng Trung, để giúp người dân và du khách có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng với mức giá thấp như vừa qua là 5.000 đồng/30 phút, sở đề nghị tiếp tục miễn phí sử dụng tạm thời vỉa hè để bố trí trạm xe đạp công cộng tại thành phố Đà Nẵng. Theo đề xuất, ngoài 61 vị trí đã bố trí trạm xe đạp công cộng trên địa bàn 5 quận trong thời gian thí điểm, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng, bố trí thêm trạm xe đạp công cộng tại 27 vị trí khác ở các quận/huyện để tăng độ phủ điểm cung cấp dịch vụ, tăng khả năng phục vụ người dân và du khách…

Việc bố trí điểm cung cấp dịch xe đạp công cộng tại các khu vực trường học, trung tâm thương mại, điểm dừng xe buýt đã góp phần hỗ trợ người dân và du khách sử dụng các phương thức giao thông công cộng (xe đạp, xe buýt) để sử dụng thay thế phương tiện cơ giới cá nhân. Với mục tiêu xây dựng giải pháp giao thông thông minh tiên tiến để phát huy tối đa hiệu quả giao thông công cộng đã và đang được đầu tư nhằm góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm tiêu hao nhiên liệu, ô nhiễm môi trường trong quá trình tham gia giao thông. Qua đó bảo đảm các mục tiêu đề ra tại Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030 cũng như Chương trình hành động chuyển đổi xanh và giảm thiểu các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải Đà Nẵng.

THÀNH LÂN

.