49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2024)

Mở rộng không gian đô thị Đà Nẵng

.

Từ một đô thị nhỏ hẹp, hạ tầng thấp kém sau chiến tranh và chỉ gói gọn trong diện tích khoảng 5.600ha đất vào năm 1997, nhưng đến năm 2019, không gian đô thị Đà Nẵng đã được mở rộng gấp 3 lần. Theo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, không gian đô thị Đà Nẵng sẽ được mở rộng lên 20.814ha vào năm 2030 với những định hướng phát triển đô thị mới, đô thị nén, không gian ngầm đô thị...

Đà Nẵng hướng đến trở thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc. Trong ảnh: Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Huy Lê
Đà Nẵng hướng đến trở thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc. TRONG ẢNH: Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: HUY LÊ

Dấu ấn quy hoạch đô thị

Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong chia sẻ, ngoài những nền tảng cơ sở vật chất được xây dựng từ trước ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, cảng Tiên Sa, cảng Sông Hàn, cảng xăng dầu Mỹ Khê, ga đường sắt Đà Nẵng, hệ thống kho tàng, bến bãi…, Đà Nẵng vẫn là một thành phố với không gian đô thị nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn cho đến khi thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản quy hoạch chung đầu tiên vào ngày 20-12-1993. Với việc sớm đi đầu trong công tác quy hoạch phát triển đô thị đã tạo cơ sở cho Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 1-1-1997 và triển khai đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp các tuyến giao thông chính... Không gian đô thị được mở rộng, bộ mặt đô thị đã có những thay đổi rõ nét.

Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng sang bờ đông, nhất là sau khi cầu Sông Hàn được khánh thành.
Không gian đô thị Đà Nẵng được mở rộng sang bờ đông, nhất là sau khi cầu Sông Hàn được khánh thành. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Trước những bước phát triển khởi đầu đầy ấn tượng của đô thị Đà Nẵng, vào ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 145/QĐ-TTg công nhận thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1. Từ đây, thành phố triển khai hàng loạt dự án, cả Đà Nẵng trở thành một đại công trường. Đô thị Đà Nẵng phát triển vượt bậc cả về hình hài lẫn không gian với gần một phần ba tổng số hộ dân đã giải tỏa, nhường đất, di dời, tái định cư…

Trong giai đoạn hừng hực khí thế phát triển đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2357/2013/QĐ-TTg ngày 4-12-2013) tiếp nối các xu hướng phát triển đang diễn ra đưa Đà Nẵng tiếp tục hoàn chỉnh phát triển đô thị. “Đến năm 2019, diện tích đô thị Đà Nẵng đạt hơn 18.300ha, gấp hơn 3 lần so với diện tích thành phố vào năm 1997.

Đà Nẵng trở thành một hiện tượng về phát triển đô thị. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 mang lại những định hướng mới cho Đà Nẵng. Đây là bản quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, bài bản, phù hợp với thực tiễn phát triển và các chủ trương, định hướng mới của Trung ương và của thành phố”, ông Phùng Phú Phong cho biết.

Chuyển đổi mô hình từ đơn tâm sang đa cực

Hiện nay, không gian đô thị Đà Nẵng gồm 6 quận và một phần của huyện Hòa Vang. Diện tích đất đô thị của thành phố được phát triển tương đối ổn định và bền vững. Thành phố đã hoàn thành đồ án thiết kế đô thị khu vực trung tâm thành phố; phê duyệt thiết kế đô thị bổ sung đồ án quy hoạch phân khu đối với khu vực trung tâm; hoàn thành dự thảo quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc; triển khai xây dựng đề án tái thiết, chỉnh trang, phát triển đô thị trung tâm thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030... Chủ trương mở rộng không gian và phát triển khu đô thị mới về hướng tây và tây bắc thành phố cũng đã nghiên cứu và triển khai đầy đủ tại các cấp độ quy hoạch và đang được triển khai tại các quy hoạch phân khu, làm cơ sở xác định dự án để đầu tư xây dựng. 

Tháng 11-2023, Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống... Cụ thể, diện tích đất khu đô thị đến năm 2030 là 20.814ha, khu đô thị của thành phố Đà Nẵng tập trung chủ yếu ở huyện Hòa Vang với diện tích là 6.788ha (chiếm 32,6% tổng diện tích đất khu đô thị). Huyện Hòa Vang được định hướng phát triển đạt tiêu chí đô thị loại 4, trong đó, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất. Đến năm 2030, thị xã Hòa Vang có tỷ lệ đô thị hóa trên 90%. Huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù ở hải đảo.

Một đoạn đường Võ Nguyên Giáp.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một đoạn đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Khu đô thị hiện hữu gồm 6 quận nội đô được định hướng tái phát triển theo mô hình đô thị nén, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng. Đồng thời, hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại; ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng, tạo sức hấp dẫn về một khu trung tâm kinh doanh thương mại hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống. Cùng với đó, định hướng phát triển không gian ngầm khu vực trung tâm với việc xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao thông trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng.

Ông Phùng Phú Phong cũng cho hay, đô thị Đà Nẵng được định hướng phát triển đa cực với nhiều nút nén tích hợp hiệu quả với mạng lưới giao thông và các điểm trung chuyển kết nối thành phố. Mô hình đô thị được chuyển đổi phát triển từ dàn trải, đơn cực, sử dụng đất đơn năng, thành đô thị nén, phát triển đa cực, đa trung tâm, sử dụng đất đa năng với các mô hình đô thị nén, đô thị sinh thái, đô thị thông minh, đô thị sân bay, đô thị cảng biển, đô thị đại học… Dựa trên các đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, thành phố được cấu trúc thành 3 vùng đô thị đặc trưng (vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh và vùng sườn đồi) và xác lập vùng sinh thái. Với những chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị đã được đặt ra sẽ tạo nên một đô thị hiện đại, có bản sắc trong thời kỳ mới.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.