Hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập xã hội

.

Nhằm giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, các cấp chính quyền thành phố thực hiện nhiều chính sách nhân văn, thiết thực, nhằm giúp những người từng lầm lỡ quay về nẻo thiện, có việc làm ổn định, trở thành người có ích cho xã hội.

Tháng 1-2024, UBND phường Nam Dương (quận Hải Châu) trao sinh kế cho 4 người thuộc diện dự phòng nghiện có nhu cầu cần hỗ trợ. Sau khi hoàn thành cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, N.H.Ng. (SN 1996, phường Nam Dương) trở về địa phương, quyết tâm làm lại cuộc đời. Có sẵn nghề làm chả lụa, Ng. bày tỏ nguyện vọng với địa phương mong được hỗ trợ máy móc để mở rộng sản xuất.

Sau khi được hỗ trợ kinh phí gần 10 triệu đồng mua máy xay thịt công suất lớn, Ng. tập trung làm ăn. Hằng ngày, Ng. dậy từ 3 giờ sáng xay thịt làm chả rồi đi giao cho khách sỉ ở các chợ, quán ăn. Những ngày lễ, Tết khách đặt hàng nhiều, Ng. làm cả ngày không nghỉ. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, Ng. thu nhập 500.000 - 800.000 đồng/ngày. Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, Công an phường, cảnh sát khu vực và các hội, đoàn thể khu dân cư thường xuyên gặp mặt, động viên, nhắc nhở Ng. tu chí làm ăn, trở thành công dân tốt. Ông Nguyễn Văn Dũng (bố Ng.) bày tỏ: “Nhờ có sự định hướng, hỗ trợ của địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần, con tôi ngày càng tiến bộ, tập trung làm ăn. Gia đình tôi mừng lắm!”.

Tương tự, sau khi hoàn thành cai nghiện tập trung, anh Đ.V.A. (SN 1988, phường Nam Dương) được UBND phường hỗ trợ gần 10 triệu đồng mua máy hàn, máy cắt, máy khoan, máy nén khí để làm nghề xây dựng. Sau khi có dụng cụ, anh A. nhận các công trình xây dựng, sửa chữa nhỏ và chăm chỉ làm ăn. “Tôi thật sự hối hận vì lỡ sa chân vào con đường nghiện. Giờ đây tôi chỉ mong có sức khỏe để tập trung đi làm, kiếm tiền lo cho vợ con. Cảm ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp tôi làm lại cuộc đời”, anh A. chia sẻ.

Bà Dương Thị Bích Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Nam Dương cho biết, thực hiện Nghị quyết số 334/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy định các nội dung, mức chi và chế độ hỗ trợ công tác dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, hằng năm, địa phương xem xét hỗ trợ những người thuộc diện dự phòng nghiện và sau cai đủ điều kiện. Qua đó, giúp các trường hợp lầm lỡ hoàn lương, có công việc ổn định, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện. Song song đó, giao các hội, đoàn thể tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, kịp thời động viên, định hướng để các em cố gắng làm ăn, ổn định cuộc sống.

Trong khi đó, UBND quận Liên Chiểu vừa tổ chức trao kinh phí hỗ trợ làm ăn cho người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện. Sau thời gian cai nghiện đủ điều kiện, anh N.Đ.H. (tổ 54, phường Hòa Khánh Nam) được địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng để mua xe máy làm phương tiện đi lại. Sau khi có xe, anh H. xin phục vụ tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí trên địa bàn quận với mức lương ổn định.

Phòng phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Công văn số 4500/UBND-SLĐTBXH của UBND thành phố về hỗ trợ kinh phí người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện tập trung, có thời gian sau cai nghiện đủ 5 năm trở lên không tái nghiện, có 25 người đủ điều kiện đã được hỗ trợ, cụ thể: quận Thanh Khê 5 người, quận Hải Châu 12 người, quận Liên Chiểu 2 người, quận Cẩm Lệ 3 người và huyện Hòa Vang 3 người. Mỗi người được hỗ trợ tiền mặt 10 triệu đồng để mua sắm xe máy, máy móc, công cụ làm nghề, vật dụng phục vụ buôn bán, kinh doanh.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện các chính sách hỗ trợ người sau cai, thời gian qua, sở tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều kế hoạch, chương trình, dự án như: Dự án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy đối với nhóm người có nguy cơ cao và người sử dụng trái phép chất ma túy” trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025; kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hằng năm; tập huấn và truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên, công nhân lao động…

Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và phòng ngừa nghiện ma túy cho các đối tượng. Mặt khác, nhằm giúp các đối tượng sau cai hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương phối hợp gia đình đón học viên hoàn thành cai nghiện tập trung về lại cộng đồng; đồng thời quan tâm, giúp đỡ về tinh thần và vật chất để đối tượng sớm ổn định cuộc sống. Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố có 436 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú, trong đó có 267 người có việc làm, chiếm 61,2%. UBND các phường, xã lập danh sách, phân công cán bộ đoàn thể kèm cặp, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.