.

Phạm Phú Thứ - người con đất Quảng cương trực

.

Phạm Phú Thứ (1820-1883) là một đại thần triều nhà Nguyễn. Ông cùng với Nguyễn Trường Tộ là những người có quan điểm canh tân đất nước trong những năm cuối thế kỷ 19.

Chân dung Phạm Phú Thứ
Chân dung Phạm Phú Thứ

Ông tên thật là Phạm Hào, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, Trúc Ân, người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Xuất thân trong một gia đình Nho giáo, vốn có tiếng thông minh, học giỏi, ông đỗ Giải nguyên năm 1842 khi mới 22 tuổi, thi Hội đỗ Hội nguyên, Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ khoa Quý Mão (1843).

Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Lạng Giang, thăng dần lên Tổng đốc Hải An hay Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên). Sau đó về kinh, ông được sung chức Thương chính đại thần, Tham tri bộ Binh. Năm 1849, ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua) rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua). Vốn là người cương trực, năm 1850 ông đã dâng sớ can gián vua Tự Đức không nên ham mê vui chơi. Do việc này mà ông bị cách chức, đưa đi làm lính trạm ở Thừa Lưu (Thừa Thiên), một thời gian sau mới được phục chức trở lại làm Tham tri Bộ Hình.

Năm 1863, ông được bổ nhiệm chức Tham tri bộ Lại, hàm Tòng Nhị phẩm. Cùng năm đó, ông được cử làm phó sứ trong phái bộ Phan Thanh Giản sang Pháp chuộc 3 tỉnh miền đông Nam kỳ. Trong khi ở Pháp ông còn đi thăm các nước châu Âu khác như Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Qua chuyến đi này, ông rút ra được nhận thức rằng, chỉ có con đường canh tân mới giúp đất nước thoát khỏi thảm họa lạc hậu.

Khi về nước ông có dâng lên vua Tự Đức và triều thần một số tài liệu chi chép trong chuyến công tác vừa qua và một số bài viết quan trọng, kiến nghị triều đình thay đổi chính sách mới có thể tồn tại được, cùng một số sách khoa học thực nghiệm và thơ văn trên đường công cán do ông ghi chép:

* Tây hành nhật ký (nhật ký đi Pháp) * Tây phù thi thảo (bản thảo thơ làm trong quá trình tham gia phái bộ đi Tây) * Bác vật tân biên (sách nói về khoa học) * Khai môi yếu pháp (phương pháp khai mỏ) * Hàng hải kim châm (cách đi biển) * Vạn quốc công pháp (cách thức giao thiệp quốc tế)

Tuy nhiên, hầu hết những đề nghị của ông đều bị vua Tự Đức và các đại thần bảo thủ bác bỏ.

Năm 1866, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ. Sau khi Phan Thanh Giản mất, triều đình cử ông làm người đối thoại với Pháp. Tuy nhiên, các sĩ quan Pháp tỏ thái độ không hài lòng về cách xử sự cứng rắn của ông luôn bảo vệ quyền lợi quốc gia và không khuất phục trước vũ lực, lấy cớ đó để đưa cuộc thương lượng vào thế đổ vỡ bằng sức mạnh, buộc triều đình phải thay người đối thoại. Do triều đình vốn chủ hòa, lại sợ mất lòng Pháp nên ông bị Ngự sử đàn hặc và bị gọi về kinh "hậu cứu". Năm 1876, ông bị giáng xuống làm Tổng đốc Hải Dương.

Năm 1881, ông về trí sĩ tại quê nhà và biên soạn bộ Giá Viên thi tập gồm 26 quyển. Bên cạnh đó, trên cơ sở những kỹ thuật mà ông học hỏi được trong thời gian tham gia phái bộ, ông đã đưa vào ứng dụng một số cải tiến tại địa phương. Tương truyền, kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) là kiểu xe nước trâu kéo ở Ai Cập vào các thế kỷ trước do ông vẽ kiểu mang về áp dụng vào thời ấy.

Ông mất năm Nhâm Ngọ 1883, thọ 63 tuổi. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng ông hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Hiện nay, lăng mộ ông được chính quyền địa phương, con cháu dòng tộc Phạm Phú tôn tạo đặt tại quê nhà tại thôn Nam Hà, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Lăng mộ ông được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

Vua Tự Đức thương tiếc người thầy, ban dụ: "Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo.

Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần".

Theo GS. Trần Văn Giáp, sau đó ông còn được ban tên thụy là Văn Ý công.

Tác phẩm của Phạm Phú Thứ toàn bằng chữ Hán, gồm có:

Tây phù thi thảo (Bản thảo tập thơ đi sứ phương Tây)

Tây hành nhật ký (Nhật ký đi sứ phương Tây). Tập văn này và tập thơ trên, ghi lại khá tỉ mỉ những điều mắt thấy tai nghe về kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán của người phương Tây, trong chuyến đi sứ dài ngày vào năm 1863.

Trúc Đường thi văn tập (Tập thơ văn của Trúc Đường)

Giá Viên toàn tập (Toàn tập Giá Viên). Cả thảy có 26 quyển: 13 quyển thơ, 13 văn; gồm đủ các thể loại thơ, tấu, phú, văn tế, ký...

Bản triều liệt thánh sự lược toản yếu

Thuật tiên đức

Lịch triều thống hệ niên phả toát yếu

Ngoài ra, ông còn cho khắc in để phổ biến một số sách thực dụng do người Trung Quốc dịch từ sách tiếng Anh ra chữ Hán, như: Bác vật tân biên (sách nói về khoa học), Khai môi yếu pháp (sách nói về cách khai mỏ), Hàng hải kim châm (sách nói về cách đi biển), Vạn quốc công pháp (sách nói về cách thức giao thiệp quốc tế), góp phần vào tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch...

Tổng hợp

;
.
.
.
.
.