.

Nhà thơ Thu Bồn trong ký ức người cùng thời

.

Hà Đức Trọng có thơ đăng ở Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1957, nhưng phải đến cuối 1964, với bút danh Thu Bồn ký dưới Trường ca “Bài ca chim Chơ rao”, ông mới được chú ý.

Báo Văn nghệ số 84 ra ngày 4-12-1964, đã trân trọng ra một phụ trương in kiểu tờ gập bản trường ca được nhà thơ Thanh Hải trong Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam lần đầu ra thăm miền Bắc mang ra. Gần ngàn câu thơ kể về cuộc chiến đấu hào hùng của đồng bào Kinh-Thượng ở Tây Nguyên đã thổi bùng lên một niềm tin lớn vào thắng lợi của cách mạng.

Ngay trong cùng số báo có bài bình của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bài ca chim Chơ rao, một khúc hát trữ tình cách mạng, một bản trường ca về những con người chiến đấu của miền Nam”. Số báo sau, nhà thơ Nông Quốc Chấn có bài: “Một bản hùng ca của những con người thép”. Cũng năm 1964, NXB Văn học in thành sách, rồi “Bài ca chim Chơ rao” được dịch sang tiếng Trung, cho đến nay vẫn được bạn đọc Trung Quốc tìm đọc.

Bìa tập sách
Bìa tập sách "Tráng sĩ hề...dâu bể" của nhà văn Thu Bồn.

Từ đó, hành trình chiến đấu và sáng tạo của nhà thơ Thu Bồn là một con đường lớn, bắt nguồn trực tiếp từ hiện thực cuộc chiến đấu mà nhà thơ vừa là người chiến sĩ. Trong văn học kháng chiến, hiếm có tác giả nào nhận được sự đánh giá cao của những người lãnh đạo về con người và tác phẩm như Thu Bồn.

Ông Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, viết: “Cuộc đời Thu Bồn luôn rực sáng, càng rực sáng hơn ở những bước ngoặt lịch sử đất nước; ở những thời điểm cam go nhất, quyết liệt nhất, hy sinh cao nhất của cuộc chiến tranh, nhất là thời kỳ đánh Mỹ và thời kỳ trước đổi mới của nước ta, cả thời Thu Bồn sống, chiến đấu ở nước bạn Cam-pu-chia…

Quảng Nam-Đà Nẵng là mảnh đất không dao động, không run sợ bất kỳ một thế lực nào. Tôi nói điều này để nói lên tầm vóc con người Thu Bồn, tầm vóc thơ ca Thu Bồn. Không có những đối đầu dữ dội, quyết liệt ghê gớm đó, sẽ không có Thu Bồn, không có thơ Thu Bồn. Thu Bồn trở thành một biểu tượng Anh hùng sáng đẹp của quê hương mình…”.

Ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng kể lại: “Được biết Thu Bồn trở vào chiến trường rất sớm. Nhưng mãi đến năm 1965, khi về tổng kết phong trào du kích chiến tranh tại Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu V, tôi mới gặp Thu Bồn, chúng tôi mới quen nhau.

Tối tối, mắc võng nằm kể chuyện quê nhà tôi mới biết Thu Bồn thoát ly từ rất sớm, vào thiếu sinh quân lúc tròn 12 tuổi, vừa làm giao liên, vừa là chiến sĩ đánh giặc. Anh kể cho tôi nghe về anh, từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành, từ anh giao liên đến với viết văn, làm thơ, làm báo trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, đã trải qua những gian truân nhọc nhằn. Và rồi ở anh, cái đọng lại nhiều nhất, âm vang lớn nhất: Một nhà thơ-Một “hiệp sĩ” thơ tài hoa. Quả nhiên đúng, Thu Bồn là nhà thơ lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thơ anh như tiếng kèn xung trận, có tác dụng động viên sức mạnh toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Ông Hồ Nghinh, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, tâm sự: “Thu Bồn lạ lắm! Thơ Thu Bồn hay lắm! Mình ca ngợi Thu Bồn liệu có làm phiền ai không? Mình nhớ hồi 1962, mình và Thu Bồn tiếp giới học sinh, sinh viên nội thành Đà Nẵng. Khi mới tới, họ thấy Thu Bồn không nói, mà chỉ làm liền tay mọi thứ để hướng dẫn họ ổn định chỗ ở, họ tưởng anh là giao liên, hay nhiều lắm là trạm trưởng. Khi biết đó là nhà thơ Thu Bồn ở miền Bắc vào, họ ồ lên sung sướng, thán phục. Bởi khi còn ở trong thành, họ đã chép và chuyền tay nhau đọc bài thơ của Thu Bồn: “Hôn mảnh đất quê hương”. Họ coi Thu Bồn như một thần tượng. Mà coi Thu Bồn là thần tượng là phải vì anh cao lớn, đẹp trai, nói dẻo, đọc thơ rất hay, con kiến dưới lỗ cũng bò ra nghe. Họ sống với nhau không nhiều nhưng đầy kỷ niệm. Họ vây quanh Thu Bồn. Họ chép thơ Thu Bồn. Họ học thuộc thơ Thu Bồn...!”.

Những năm tháng đó, thơ Thu Bồn cũng được tuổi trẻ đô thị chuyền tay nhau đọc, chép trong những cuốn sổ tay hồng của học trò bên cạnh thơ yêu nước của các nhà thơ trẻ đô thị. “Tre xanh”, “Mẹ Việt Nam” và sau này bài “Gửi lòng con đến cùng Cha” viết ngày Bác Hồ mất được chép chuyền nhau trong các dịp hội họp, mít tinh. Có khi là biểu ngữ trong các cuộc biểu tình, như hai câu: “Cho con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm”.

Khẩu khí thơ Thu Bồn đặc biệt lợi hại khi xuất hiện trước đám đông, trước hàng quân, trong hội trường, hay cả những ngày hội thơ quốc tế ở nhiều nước sau khi “Bài ca chim Chơ rao” được trao Giải Bông sen của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1973. Thu Bồn cùng đọc thơ với A.Nê-tô - Tổng thống Ăng-gô-la, trước nữ Thủ tướng Ấn Độ I.Gan-đi, nhà thơ nổi tiếng hùng biện K. Xi-mô-nốp.

Trường ca “Cam-pu-chia hy vọng” viết từ 1977, trước khi Cam-pu-chia được giải phóng khỏi bàn tay Khơ-me Đỏ, được coi như có tính tiên tri, được Thủ tướng Hun Xen đọc và đánh giá cao. Đặc biệt, trong một bài diễn văn quan trọng khi vượt đại dương, sang thăm Cu-ba, đồng chí Lê Khả Phiêu lúc đó là Tổng Bí thư đã trích một đoạn thơ trong trường ca này để nói về vị trí hai nước Việt Nam-Cu ba: “Ngọn sóng qua đây thành lưỡi búa/ Ngọn gió qua đây thành mũi lao/ Cánh chim qua đây thành con tuấn mã/ Tờ giấy qua đây thành trang sử đỏ/ Quân thù nghe nói, mặt xanh như tàu lá/ Chân ngựa vấp chân người, ngựa ngã/ Bè bạn qua đây, con tàu nặng/ Bè bạn qua đây, con sóng lặng”.

Đánh giá đúng mức vị trí và đóng góp của nhà thơ, trong điếu văn ở tang lễ tháng 6-2003 tại TP Hồ Chí Minh do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đọc, có đoạn: “Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng…

Thu Bồn là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ, là nhà văn hàng đầu của mảng văn học chiến tranh nhân dân và quân đội cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Thu Bồn là một mẫu mực về tấm gương chiến đấu, sáng tạo vì Tổ quốc, vì nhân dân. Những tác phẩm nổi tiếng của anh sẽ còn mãi với bạn đọc Việt Nam nhiều thế hệ”.

Cuộc sống Thu Bồn những năm cuối đời, nhất là sau mấy lần bị tai biến, gặp nhiều khó khăn. Không một lời than trách, nhưng khi đọc hai câu thơ: “Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Thành phố hỡi! Đừng gọi tôi là tạm trú”. Có đồng chí lãnh đạo địa phương đã rơi nước mắt. Có lẽ không chỉ với riêng Thu Bồn, mà với bao nhiêu văn nghệ sĩ đã gắn bó máu thịt với chiến trường, đã viết nên bao nhiêu tác phẩm góp sức làm nên chiến thắng, làm rạng danh bao nhiêu chiến công ở các chiến trường, cần phải có thêm những hình thức khen tặng đúng mức, thêm những công trình để lưu dấu những kỷ niệm về những năm gắn bó máu thịt với quân dân địa phương mình.

QĐND

;
.
.
.
.
.