.

Hai nửa mảnh vườn

.

Khi con trai có vợ, ông chia mảnh vườn làm đôi, nửa cho mình, nửa kia cho con. “Ranh giới chủ quyền” được mặc định bởi lối đi chung ở giữa, với mấy chậu cây đứng chầu hai bên, để làm đẹp hơn là ngăn cách. Mong manh như thế nên chỉ cần nhón chân là có thể bước từ bên này sang bên kia và ngược lại. Tuy nhiên, nếu tinh ý sẽ thấy những khác biệt đang diễn ra ở hai không gian vốn là một ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người cha về hưu đã lâu, dồn tâm sức cho khuôn viên của mình, với tầng tầng màu xanh mát mắt; sát mặt đất là những luống rau, cao hơn một chút là giàn bầu bí và hiên ngang một khoảng trời riêng là các loại cây ăn quả. Suốt ngày ông lọ mọ lúi húi với mảnh vườn; nếu không có việc, vẫn ngồi dưới bóng cây, mải miết ngắm từng khóm lá, mắt vui long lanh. Thành quả là những trái thanh long, xoài, ổi thường để trong cái đĩa trên bàn ăn, kèm con dao nhỏ; ai có nhu cầu cứ tự xử.

Người con ngày hai buổi tới công sở, tất nhiên chẳng có thời giờ vun xới niềm vui cổ điển như cha; thay vào đó, thú vui của anh chuyển động theo hướng khác. Ngoài nhà ở xây tụt phía sau, anh lấp khoảng trống còn lại phía trước vườn bằng ngôi nhà rường bề thế, xung quanh là hòn non bộ và hồ cá; tầng trên lủng lẳng phong lan. Trêu chọc đàn cá bằng túi thức ăn trên tay hay ngồi uống trà ngắm hoa là thú vui như điệp khúc của anh, tất nhiên không chỉ có thế.

Ngôi nhà rường giống như điểm hẹn của các đồng nghiệp, nhất là thuộc cấp của anh. Khoảng mươi ngày bọn họ lại bày đặt nhậu, kẻ chuyên thiết kế cho những bữa đó là trưởng ban tài chính của cơ quan. Nếu chủ nhà xua tay lắc đầu, liền nhận được lời năn nỉ lẫn hờn dỗi của anh này: “Sếp cho mượn mặt bằng thôi, làm gì mà khó khăn thế! Thì cũng phải cho anh em có diễm phúc được ngồi nhà sếp”. Chỉ cần gia chủ lảng đi là khách lấn tới, đồ ăn thức uống được bày ra và những lời mời nhanh chóng kết nối. Nếu ở đâu còn có thể từ chối nhưng nghe “điều động” tới nhà sếp thì chẳng anh nào vắng, lắm anh sốt sắng cứ như chân nhanh hơn não, nghĩa là đi mà chẳng cần nghĩ suy; không chừng vợ đau đẻ cũng chẳng níu chân lại được. Cũng đúng thôi, bởi đâu phải thuộc cấp nào cũng được sếp đoái hoài; vậy nên được “ới” tới nhà sếp có thể coi như đặc ân.

 Trong những tiệc vui ấy, lời gia chủ bao trùm suốt bữa. Bia rượu vào là anh sa đà chuyện trò; những mẩu chuyện đầu Ngô mình Sở được tái xuất dài dài, quen đến độ người nghe thuộc từng chi tiết, biết ngay đoạn kết khi người kể vừa mở mồm. Những chuyện như điệp khúc ấy lại luôn được đón bằng vẻ háo hức ngời ngời cùng lời lời tán thưởng. Cả những chuyện tiếu lâm đã quá nhàm, lại được kể bằng giọng rời rạc trong hơi men nên “chán như con gián” nhưng nhiều thuộc cấp vẫn cười ngả nghiêng. Cả khi giọng sếp đã lòe nhòe dính vào nhau, đến người nói chưa chắc đã hiểu lời mình nhưng người nghe cứ há mồm dỏng tai, ra vẻ đắc ý lắm. Lắm anh gà gật, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ nhưng không dám rời “trận địa”. Chỉ đến khi bậc sinh thành gia chủ lên tiếng, đám thực khách mới thở phào vì được giải phóng. Ông đứng bên nhà mình nói với sang: “Khuya rồi, mấy cậu nghỉ đi, mai còn làm việc”. Lời cụ vang lên như tiếng còi mãn cuộc, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, cả đám không dám trái lệnh. Khách về rồi, cụ nói với con trai, có vẻ bực: “Bắt người khác mất thời giờ để nghe ba chuyện tầm phào như thế là hành hạ họ đấy! Con đừng nghĩ họ ngồi nghe sếp nói vì thích đâu”.

Trong khi khách của con là một tập thể sôi nổi thì khách của cha là những người trầm lặng. Nếu trời nắng, họ ngồi nơi ghế đá dưới bóng cây vú sữa, mưa gió thì xít vô hiên, vừa uống chè xanh vừa trò chuyện trong không gian thoang thoảng hương cau, ổi, ngọc lan. Khi cao hứng, các cụ cũng thưởng thức chút men say nhưng cả buổi mỗi người không hết lon bia. Các cụ thường đọc thơ cho nhau nghe. Thỉnh thoảng họ lại hẹn nhau đi thăm đồng nghiệp cũ bị đau hay viếng người vừa mất. Người cầm vô-lăng đưa cả đoàn vào dịp ấy chính là lái xe riêng cho cụ thời đương chức. Người lái xe nay đã lớn tuổi nhưng còn khỏe và tinh anh lắm, với tiếng nói tiếng cười như trai trẻ. Nhìn họ ứng xử với nhau bằng phẳng và trong suốt như bát nước đầy, chẳng thể phân biệt được ai một thời là sếp hay lính.

 Khi còn là quan chức hàng tỉnh, người cha có nhiều thuộc cấp nhưng ngoài công việc, chẳng thấy ông cần đến sự phục vụ của họ. “Cái gì làm được nên tự làm, đừng phiền người khác”. Ông thường bảo con cháu như thế và hình như cũng tự nhủ với chính mình. Trong sinh hoạt, ông tự lo là chính, rất ít khi sai bảo người khác, kể cả với con cháu hay đồng nghiệp. Ông cũng chẳng bao giờ tỏ thái độ hách dịch, kẻ cả với cấp dưới. Ngày Tết, ông về quê, thường chạy xe máy hay bảo con cháu đưa đi thăm người thân, trong khi lái xe cơ quan được cho nghỉ với vợ con. Ông bảo: “Ngày Tết ai cũng muốn sum họp cùng gia đình, đừng bắt họ phải vì mình mà mất Tết”. Nếu thuộc cấp tỏ ý ưu ái như đánh giúp đôi giày hay cầm hộ dù che mưa nắng… ông đều gạt đi, để tự tay làm lấy… Chẳng rõ tính khiêm nhường và hay nghĩ cho người khác ấy có là tác nhân để tình nghĩa giữa ông với đồng nghiệp mãi bền theo năm tháng.

Khi thấy con trai chuẩn bị cho thú vui mới với mồi và cần câu thì người cha bắt đầu dị ứng. Anh mới nảy ý tưởng rủ anh em trong cơ quan đi câu vào ngày nghỉ rồi thưởng thức thành quả của chính mình. “Ăn lươn chẳng sợ lấm đầu” là chuyện của ngày xưa, đi câu thư giãn thời nay mưa không đến mặt nắng không đến đầu nên sếp thích là phải. Với nhiều người, cả tuần lo công việc nên mong tới ngày nghỉ nhưng rồi cũng lẽo đẽo đi theo, tung hứng niềm vui cho sếp. Riêng người cha nhìn con nghiêm khắc và nhắc thẳng mặt: “Ngày nghỉ rất cần cho gia đình; đừng để anh em vì chiều thú vui của thủ trưởng mà ảnh hưởng việc của họ”.

Mỗi lần thuộc cấp đến nhà sếp thường sang thăm người cha ở cạnh. Thăm đơn thuần thì chẳng nói làm gì nhưng bởi họ hay cho quà, nhất là vào dịp lễ, Tết nên cụ áy náy. Đặc biệt, anh trưởng ban tài chính của cơ quan là người rất hào phóng, không những biếu cụ mà còn biếu những người bạn của cụ đang có mặt với phong bì khá dày. Nhưng chối từ không dễ, đã bao lần cụ đùn đẩy, giẫy nẩy nhưng rồi cũng không thoát được sự nài nỉ của khách. Có lần nhận quà, người đồng nghiệp cũ từng lái xe cho cụ thời đương chức lộ rõ lo lắng: “Mình biết lấy gì cho lại cậu ấy đây?”. Chủ nhà nhìn bạn già, nửa đùa nửa thật: “Hình thức là cho mình nhưng các cậu ấy đang nhằm vào thằng sếp bên kia, ông ạ! Đánh vây đánh vòng mà”. Vừa nói cụ vừa chỉ qua nhà bên, cả hai cười buồn. Khách vẫn chưa thôi day dứt: “Cho cái kẹo tấm bánh thì chẳng nói; đằng này cho nguyên tờ bạc to, không ngại sao được?!”. Nói rồi ông ngồi thừ ra.

Rồi đến lúc các cụ chẳng còn được nhận quà từ bạn của con cháu, khi ngôi nhà rường trở nên vắng lặng bất ngờ. Ấy là lúc chủ nhân của nó nhận quyết định nghỉ chờ hưu. Những ngày lê thê ấy, anh con trai ngồi lặng lẽ hàng giờ rồi đi ra đi vô, bâng quơ; vắng đến cả tiếng chuông điện thoại. Ngay những thuộc cấp một thời quen đến mức tới nhà chó chẳng thèm sủa, nay cũng biệt tăm.

Khách của cha cũng thưa dần do bệnh tật đồng lõa với tử thần lần lượt kéo đi. Sau mỗi lần chia lìa, những người còn lại ngồi với nhau thật lâu, nhắc về người quá cố bằng giọng trĩu nặng đau thương. Bấy giờ, các cụ không còn tự đến được với nhau mà phải nhờ mấy anh xe ôm. Trong khi người già ngồi trong nhà thì “đám phục vụ” quây quần bên ghế đá dưới tán cây trước sân; cùng trà thuốc và “nổ” banh trời trong lúc chờ đợi. Khi các “thượng đế” lục tục ra về, đám “cận vệ” lật đật chạy vô “hộ giá” ra xe rồi vẫy chào, tạm biệt. Cứ mỗi tháng vài lần, cảnh ấy lặp lại. Lắm lúc thấy những bạn già của cha quyến luyến khi chia tay, người con đứng lặng nhìn theo.

Mới đây, ông cụ từng lái xe cho người cha nhờ người con chuyển hai chai mật ong biếu anh
trưởng ban tài chính hay cho quà mấy năm trước. Cụ giãi bày tha thiết: “Chú không biết nhà cậu ấy, cháu cố gắng giúp chú nhé”. Ông lại xuýt xoa rằng, hàm ơn đã lâu nhưng chưa đáp lại được nên áy náy lắm; rồi cho biết thêm, đây là mật ong rừng thứ thiệt do đứa cháu ở miền ngược lấy biếu bác. Nhìn món quà bọc bằng mấy lớp giấy báo, lại tăng cường thêm nhiều vòng băng dính rồi đặt trong chiếc túi thổ cẩm đã cho thấy sự chu đáo của người tặng.

Lần đầu, nghe sếp cũ gọi tới, người nhận quà rối rít “cảm ơn, cảm ơn” rồi kêu bận họp. Họp nhưng nghe vọng tới tiếng “một, hai, ba… dzô, dzô” như hò kéo pháo và ồn như vỡ chợ khiến anh bất ngờ nổi giận nhưng làm gì được nhau khi người nghe đã cúp máy. Anh ngẩn ngơ hồi lâu rồi nhếch môi chua chát. Đáp lại lần gọi thứ hai của ông là lời khẳng định chắc nịch “sáng mai em tới”. Nhưng nhiều buổi sáng sau đó, anh ngồi nhìn ra cái cổng trống trơn, với nỗi ấm ức và tủi hổ dâng đầy. Anh nén giận để có cuộc gọi thứ ba cho kẻ từng là thuộc cấp, với ý định sẽ “giũa” cho một trận tơi bời. Nhưng điện thoại vừa đổ chuông, người nghe đã từ chối. Anh hẫng hụt, trút giận vào khoảng không bằng mấy câu văng tục rồi ngồi bất động như trụ điện.

Anh thở dài ngao ngán rồi lẩm bẩm một mình: “Đến trao quà cũng khó sao!?”. Dư âm những bữa nhậu bát ngát cùng những cuộc vui chơi bất tận và vô số lời vuốt ve mơn trớn của thuộc cấp một thời, lại gợi cho anh sự mỉa mai, cay đắng. Nỗi tự ái không cho anh đem quà tới nhà người nhận nhưng lại lo ông cụ tặng quà hỏi kết quả việc đã nhờ. Chưa bao giờ anh lâm vào khó xử như thế. May là một anh chạy xe ôm hay đưa các cụ tới chơi đã giúp anh làm việc đó.

Anh vui khi có những bạn mới là nhóm xe ôm chuyên đưa đón các cụ. Mỗi lần họ đưa khách tới, anh lại mời cốc trà, điếu thuốc, dần dần thành thân quen. Được hỏi trước đây làm gì, anh cười cười, trả lời mà cứ như không: “Quá khứ để sang bên; giờ thì tôi là dân như các chú thôi”. Câu trả lời khiến những người khách tự nhiên và gần gũi gia chủ hơn. Phần anh, lại ngóng chờ khi lâu lâu không thấy những con người chân chất ấy.

Nguyễn Trọng Hoạt
 

;
.
.
.
.
.