.
TRUYỆN NGẮN

Bẫy phù hoa

.

Nghiên xin được một chân thu ngân trong quán bida bé xíu phải quẹo hai lần hẻm mới đến nơi. Chuyện cô sinh viên ngành văn đi làm thu ngân trở thành đề tài đùa vui của lũ bạn cả tuần liền. Nhưng rồi chốt hạ, “thôi mày cố mà làm kẻo cũng thất nghiệp như tụi tao”. Công việc hằng ngày của Nghiên là ghi giờ vào giờ ra, tính tiền, cuối buổi tổng kết thu chi và những ai còn nợ. Công việc không quá nặng nhọc, hằng ngày Nghiên đến đúng giờ, làm hết công việc dọn dẹp cho cái quầy bé tí hin nhưng chất đầy dụng cụ. Nhỏ lớn đủ cỡ. Ngày đầu tiên, chào đón Nghiên là một gia đình nhà chuột dưới chân khi cô mở chiếc hộp các-tông đầy bụi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Quán bida Nghiên làm không quá lớn, khách cũng không quá đông. Chủ yếu là những vị khách quen thuộc, hầu như ngày nào cũng đến. Làm được một tuần, Nghiên đã bắt đầu nhớ mặt những nhân vật quen thuộc. Chỉ cần nghe tiếng xe dừng lại trước cổng, Nghiên có thể đoán được đó là ai, sẽ chơi bida ở bàn nào và cùng với ai. Bác Hai chơi bốn bi cùng với anh Nhiệm, chú Tài, chú Đạt ở bàn số 3. Chú Hoàng thì chơi bida dù cùng chú Dữ, chú Giàu, chú Sang ở bàn số 10... Và thông thường là đúng.

Những vị khách của quán có khi mỗi ngày đến một lần. Nhưng cũng có khi mỗi ngày đến ba hoặc bốn bận. Họ bao giờ cũng ghé quầy của Nghiên mỗi ngày ít nhất hai lần. Lấy cơ hoặc cất cơ, lắm khi là phải mở hầu bao trả tiền giờ vì số hôm nay đen đủi.

Cách đối xử với tiền bạc của những vị khách cũng không giống nhau. Có người sẵn sàng bỏ ra gần cả triệu tiền bida, tiền vé số và hàng trăm thứ linh tinh khác mỗi ngày. Những tờ năm trăm ngàn mới cứng, phẳng phiu sang trọng như chưa từng biết đến mùi vị của mồ hôi. Nhưng cũng có người bỏ ra hàng giờ liền để nói cho Nghiên hiểu rằng 2.000 đồng tiền giờ là của bạn mình. Ngày hôm sau vẫn tiếp tục nhắc lại, để chắc chắn mình không phải trả số tiền ít ỏi đó. Mà có phải nghèo khó gì cho cam. Chiếc xe của ông ta chạy có thể giúp Nghiên trả hết số nợ khổng lồ của gia đình. Những câu chuyện về tiền bạc ở quán đôi khi làm Nghiên khó chịu.

Một ngày, ông Nhân – vị giám đốc chi nhánh công ty bảo hiểm có trụ sở ở nước ngoài – boa cho Nghiên năm trăm ngàn. Nghiên từ chối. Nghiên thấy mình không việc gì phải nhận ân huệ của người khác khi mình không làm gì cho họ. Nghiên đem chuyện đó nói với Linh, con bé làm pha chế của quán, nó cười cười: “Tại chế suy nghĩ nhiều quá thôi. Ổng cũng cho tiền em rồi. Em xem là chú cháu bình thường mà. Có gì hay không là do tự bản thân mình quyết định. Mình nghĩ bình thường thì ắt hẳn sẽ bình thường thôi”. Nghiên nhìn cô bé, cái cười sao mà vô tư. Tự nhủ cô bé chỉ mới mười sáu thôi mà. Nhưng Nghiên không yên lòng vô tư như cô bé, tờ giấy bạc năm trăm ngàn cứ bay chấp chới trong những giấc mơ đầy mộng mị của cô.

Linh là cô cháu họ hàng xa của bà chủ. Quê ở Cà Mau. Linh nhỏ người, mắt một mí rưỡi với nụ cười răng sún. Cô không đẹp nhưng rất hay cười. Nụ cười chất phát và dễ mến. Mục tiêu của Linh là để dành tiền để trồng lại cái răng cửa bị gãy, “răng sứ mắc dữ lắm chế ơi”… Nghiên thương con bé, như thương những đứa em ở quê. Linh cũng thường hay tâm sự với Nghiên về quê nó.

- Chế Nghiên có dịp về quê em chơi, em dắt chế đi đục hàu ngoài sông. Hàu nướng rưới chút mỡ hành thì béo phải biết. Dưới em muốn ăn ra sông đục chút xíu hà. Nhưng phải trốn mấy chú công an. Đục hàu bị cấm đó chế. Mà quê chế có gì vui không?

- Quê chị ở Trà Ôn chẳng có gì vui. Từ nhỏ, chị bị cấm đi ra khỏi nhà chơi, chỉ được cắm đầu vào học và đọc sách, cho nên không có nhiều kỷ niệm lắm. Lên cấp ba, chị lại lên thị xã Vĩnh Long học trường chuyên, lại phải cắm đầu vào học để không thua bạn bè. Rồi đậu đại học, lại phải học để ra trường đi làm…

- Cuộc sống của chế chán quá!

- Ờ, chán lắm!

- Mấy người ở quán này ăn ở được thì em còn tôn trọng, không được em chửi tắt bếp hết á. Đâu phải có tiền là trên hết đâu. Mấy cái thứ này chế cứ để em lo.

Nhìn gương mặt đanh đá một cách trẻ con của Linh, Nghiên mỉm cười mà thương cho em. Mười lăm tuổi đã phải rời khỏi sách vở, gia đình, lưu lạc nơi đất khách quê người. Cuộc sống thành thị đã biến cô bé quê mùa thành ra chanh chua, ác khẩu.

Ông Nhân quay lại quán. Lần này số tiền có tăng lên gấp đôi. Ông tranh thủ để trên bàn lúc Nghiên không để ý. Nghiên nhìn hai tờ bạc màu xanh, mới cóng. Có vẻ như hành động từ chối của Nghiên lần trước thành hành động treo giá lên cao.

Về đến phòng, Nghiên gặp Ngân ngay tại cửa. “Bà chủ lại đòi tiền tháng này. Tình hình coi bộ căng rồi đó. Nửa tháng nữa tao mới có lương mày ơi! Mày có không cho tao vay. Không là mai, hai đứa ra đường đó mày ơi!”. Nghiên lẳng lặng vào phòng lục những tờ bạc cuối cùng trong ví. Hai tờ bạc năm trăm ngàn lấp lánh. Nghiên thấy mình thật nhỏ bé, thật khổ sở. Nhớ tới lời Linh bảo ông Nhân sẽ đi công tác một tuần. Nghiên tặc lưỡi. Thôi, xem như mượn, tuần sau ứng lương trả lại. Tận trong thâm tâm cô hiểu, đó là do cô tự đánh lừa mình.

Linh rỉ tai: “Bà chủ nhờ chế tăng ca giữ quán dùm phải không? Bả đi “Sì Gòn” rồi đó”. Rồi thấp giọng: “Bả đi thăm bồ đó. Ổng giàu lắm. Ổng bù tiền cho quán và cho bả xài. Chứ cái quán ế nhệ này không bù sao đủ tiền bả ăn xài”. Nghiên mỉm cười. Ờ! Thất nghiệp mà. Có ở nhà cũng đâu làm gì. Vậy là tăng ca mà không tăng lương.

Ngân cau mày: “Dạo này bận lắm sao mà Hưng cứ gọi tao hỏi mày đâu suốt. Sao không dành chút thời gian nghe điện thoại?”. Nghiên ngã vật ra giường. Thấy thân thể rã rời. “Tao bận”. Ngân thở dài. “Bận cũng nghe điện thoại ông Hưng chứ”. Nghiên sực nhớ đến Hưng. Nhớ ra mình có một người yêu trên đời. Nghiên cùng Hưng học chung một lớp. Hưng học vượt, ra trường trước một năm và hiện đang thất nghiệp chỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Mỗi ngày gọi hai lần điện thoại, thay nhau kể lể, than thở về chuyện việc làm và thất nghiệp. Sau đó cùng nhau thở dài rồi mạnh ai nấy ngủ. Nghiên nhắm mắt. Thấy thời gian trôi hờ hững qua từng hồi chuông điện thoại. Nghiên biết Hưng đang kiên nhẫn ở đầu dây bên kia. Kiên nhẫn như hằng ngày từ trước tới giờ. Không thay đổi. “Mày bảo tao ngủ rồi nhé!”. Nghiên trùm chăn qua đầu, không kịp nhìn thấy ánh mắt ngao ngán của Ngân.

Xe bị lủng bánh. Nghiên nhìn cái bánh xe lép xẹp giữa trưa nắng. Nghiên phải dắt bộ một quãng khá xa. Bỗng có tiếng xe đỗ xịch ngay bên cạnh. Ra đó là chú Lý luật sư. Chú là khách quen của quán và có vẻ đang trên đường đến gặp các chiến hữu. Cuối cùng Nghiên cũng chấp nhận gửi xe lại cho một quán ven đường, leo lên chiếc SH. Rồ ga. Chỉ là quá giang đến quán thôi mà. Tại chú tiện đường, tại Nghiên cần sự giúp đỡ. Nghiên phớt lờ chiếc điện thoại đang réo inh ỏi.

Một tuần sau ông Nhân về. Có mang quà cho tất cả nhân viên của quán. Riêng hộp quà của Nghiên có vẻ to hơn và nặng hơn một chút. Ông vỗ vỗ vào tay Nghiên: “Về nhà hãy mở. Đừng cho tụi nhỏ biết kẻo tụi nó phân bì”. Nghiên mỉm cười. Muốn hất bàn tay núng na núng nính những mỡ kia ra khỏi tay mình. Nhưng không hiểu sao không làm được. Nghiên thấy tay mình râm ran như có ngàn mũi kim trong từng mạch máu. Có vẻ tay Nghiên đã nhớp nhúa mất rồi.

Hưng lại gọi. Cần mẫn như một con tằm. Nghiên thấy mình thật phũ phàng, nhưng không hiểu sao lại không muốn nhấc máy. Nghiên đã sợ mình sẽ rơi vào những lối mòn đã cũ do Hưng vạch ra. Chẳng biết từ bao giờ, những cuộc nói chuyện của cả hai chỉ quanh quẩn trong nỗi lòng kẻ thất nghiệp. Nghiên khuyến khích Hưng đi làm gì đó trái ngành, nhưng Hưng cứ lần lựa rồi không chấp nhận. Hưng sợ uổng phí bốn năm đại học. Vậy là Hưng chấp nhận nằm ở nhà đợi việc từ một người quen nào đó trong dòng họ. Một mối quan hệ mà cả Hưng cũng không chắc chắn. Nghiên không chấp nhận chuyện ở nhà nhờ cậy người quen. Cô chịu đựng những ánh nhìn soi mói và dè bỉu: “Thời này tự tìm việc có mà chết đói. Nhất quan hệ, nhì tiền tệ mà”. Nghiên bỏ ngoài tai những lời cảnh báo, chịu đựng không ít những lời lẽ cay nghiệt của người thân lẫn các nhà tuyển dụng, cô vẫn không nản chí, tự bươn chải tìm một công việc để có thể tiếp tục tồn tại nơi thành phố phồn hoa này. Cô không xin tiền nhà. Để bản thân rơi vào tình trạng phải luôn vận động nếu không sẽ phải đi ngủ với cái bụng rỗng. Điều này giúp Nghiên có rất nhiều động lực để cố gắng.

Nghiên không muốn sẽ như Hưng, sống những ngày ảm đạm đợi chờ. Rồi anh sẽ được nhận vào một cơ quan nhỏ bé nơi miền quê nghèo khó bằng một vài bận ăn nhậu và những lời có cánh gửi trao. Anh sẽ cống hiến tám tiếng mỗi ngày cho việc đọc báo ở cơ quan. Rồi thôi. Đến cả chiếc máy tính cũng trở nên mốc meo trước thời đại kỹ thuật số này. Dần dần ý chí lẫn cơ hội sẽ mòn ra. Han gỉ. Nghiên tự dặn lòng sẽ không như Hưng, cô phải sống và làm việc trong môi trường năng động hơn. Cô đợi cơ hội, đợi để được thay đổi.

Chú Lý trở lại quán. Hỏi Nghiên có biết làm thư ký không? Chủ yếu sắp xếp hồ sơ, lịch làm việc và lâu lâu đi “quan hệ công chúng”. Công việc tương đối nhẹ nhàng, lại khá phù hợp với ngành học của Nghiên. Nghiên cười cười. Để con suy nghĩ. Chú bảo nhanh nhé. Chú cho ba ngày, ba ngày sau chú đăng tin tuyển dụng lên mạng. Tại chú thấy thương con nên ưu tiên chút đỉnh chứ người khác phải thi tuyển đàng hoàng đấy nhé.

Về đến phòng. Nằm vật ra giường. Nghiên gọi điện cho mẹ, nghe giọng mẹ buồn hiu hắt. Cố gắng kiếm việc nha con. Cái Nhi, con bà Sáu, cầm tấm bằng đại học giờ lấy chồng rồi. Chắc là thôi luôn chuyện đi làm. Nghiên ngao ngán cúp máy. Lần nào gọi về cũng vẫn là những điệp khúc cũ kỹ. Những câu hỏi, những lời than thở luôn khiến các cô nàng ngoài hai mươi như Nghiên không thể nào yên lòng ngủ ngon. Kiểm tra hộp thư. Tin nhắn của Hưng chiếm phân nửa. Toàn những giận hờn, rồi than thở. Nghiên tắt máy. Cô cần phải làm gì đó khác Nhi, khác Hưng.

Nghiên xin nghỉ việc ở quán bida. Chuyển sang làm thư ký cho một vị luật sư tài ba với mức lương cao gấp ba lần cô thu ngân nhỏ nhoi. Nghiên có bàn làm việc hẳn hoi. Một máy vi tính mới cóng. Những tập hồ sơ được sắp xếp hết sức gọn gàng. Sạch sẽ, ngăn nắp nhưng không có sức sống. Cô lại nhớ cái quầy bé tin hin có chứa cả gia đình nhà chuột. Bé nhỏ nhưng ấm áp.

Mỗi ngày, Nghiên mang đến một nhánh hoa nào đó mà cô bắt gặp đầu tiên trong cửa hàng hoa tươi. Cắm nó vào cốc thủy tinh để trên bàn làm việc. Nhưng dần dần Nghiên thôi không mang đến nữa, thay vào đó là những cánh hoa giả. Những cánh hoa mềm mại mà nhỏ bé gợi cho Nghiên cảm giác đơn độc như Nghiên trước những chồng văn kiện khô cứng, những hợp đồng lắt léo đến từng con chữ nhưng giá trị hơn cả số tiền bốn năm học đại học của cô. Ban đầu Nghiên còn thảng thốt. Sau đó quen dần, rồi chai lì.

Rồi một ngày, công việc quan trọng nhất mà Nghiên phải làm đã đến: chiêu đãi. Có thể nói những sự kiện quan trọng nhất đều được quyết định trên bàn nhậu, bên những ly bia và những gương mặt gai gai vì men, vì hưng phấn. Có vẻ như lúc người ta ngà ngà say là lúc người ta quyết định dễ dàng hơn, quan hệ cũng trở nên thân mật hơn. Những bàn tiệc như thế chính là cánh cửa mở ra cho Nghiên trước thế giới thượng lưu. Chú Lý bảo không sao đâu, chỉ là cùng nhau ăn một bữa cơm, uống một vài ly bia thì chẳng chết ai, người ta toàn dân trí thức, có danh có tiếng nên chẳng ai làm gì Nghiên đâu mà sợ. Ờ, thì là một bữa cơm bình thường. Nhưng “sinh nghề tử nghiệp”, Nghiên chấp nhận ở lại nơi thành phố này thì đã biết mình phải bất chấp. Nghiên phớt lờ lời căn dặn của Hưng trước khi anh về quê: “không được đi với ai quá khuya, không được uống rượu và phải biết tự bảo vệ mình”. Nghiên sắp vi phạm hai điều và nghi ngờ không biết có làm tốt điều thứ ba hay không.

Nhếch môi. Nghiên tắt điện thoại, với tay lấy túi xách, đóng cửa văn phòng và bước đi. Ngoài kia thành phố đang lên đèn...

DI NHIÊN

;
.
.
.
.
.