.

Muốn thành công phải khổ nhọc

.

Suốt 17 - 18 năm qua, trong khi người phụ nữ chủ trại gà Đức Nghĩa luôn đều đặn lắng nghe tiếng thở của gà lúc ngủ để chẩn đoán bệnh, thì ông chủ trại gà Xuân Chính vẫn tự chọn lọc và chế biến thức ăn cho gà từ nguyên liệu chính là cá phơi khô, xay nhỏ để có mẻ trứng với lòng đỏ to hơn, lòng trắng thơm hơn.

Công nhân trại gà Xuân Chính đang thu hoạch trứng, bình quân mỗi ngày trại gà Xuân Chính cung cấp 800 kg trứng cho thành phố. Ảnh: MAI TRANG
Công nhân trại gà Xuân Chính đang thu hoạch trứng, bình quân mỗi ngày trại gà Xuân Chính cung cấp 800 kg trứng cho thành phố. Ảnh: MAI TRANG

Những lúc quá mệt mỏi vì vật lộn, lo toan với giá trứng, dịch bệnh, người nuôi gà đã muốn chối bỏ cuộc chơi đầy bất trắc này. Tuy nhiên, khi sự việc trở nên tồi tệ nhất lại giúp họ mạnh mẽ nhất để tìm đường sống cho gà, để cùng nhau đối mặt với thử thách.

Nhọc nhằn…

Sau 13 năm làm điều dưỡng, bà Thanh (đường Thanh Thủy, quận Hải Châu) chấp nhận bỏ bệnh viện, bỏ áo blouse trắng để về nuôi gà. Thành lập và gắn bó cùng trang trại gà Đức Nghĩa (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) từ năm 1998 đến nay, bà Thanh đã có được “gia sản” là 30.000 con gà.

Nhìn lại 17 năm gắn bó với nghề, điều bà Thanh ám ảnh nhất là quãng thời gian dịch cúm gia cầm bùng phát vào năm 2005. Bà Thanh luôn chú trọng công tác vệ sinh thú y chuồng trại, thường xuyên cọ rửa máng ăn, máng uống, đem phơi nắng để tiêu diệt mầm bệnh nên gà của bà vẫn sinh trưởng tốt và cho trứng đều đặn, an toàn. Tuy nhiên, vì tâm lý phòng bệnh hơn chữa bệnh, Bộ Y tế đã nghiêm cấm việc mua bán thịt và trứng các loại gia cầm. Người tiêu dùng quay lưng, thị trường không có nhu cầu nhưng gà vẫn đẻ, trang trại không còn nơi để chứa trứng, bà Thanh buộc phải mang trứng về nhà, xếp tràn cả ra sân.

Dịch cúm gia cầm với người nuôi gà dường như kéo dài đến vô tận. Mỗi sáng thức dậy, bà Thanh tính nhẩm được số tiền lỗ lên đến hàng chục triệu đồng. Lỗ chồng lỗ, bà sợ hãi, hoang mang bởi không biết khi nào người tiêu dùng lại sử dụng trứng gà. Nhìn những vỉ trứng chất ngày một cao hơn, lượng thức ăn cho gà lại cạn kiệt, bà Thanh và chồng buộc phải luộc và xay nhỏ trứng để gà ăn. “Món ăn” này không hợp khẩu vị đàn gà, bà Thanh lại mày mò, tìm hiểu trên mạng Internet và đưa ra quyết định… bỏ đói gà.

Theo đó, bà cắt giảm từ từ khẩu phần ăn của gà cho đến lúc dứt hẳn và đóng cửa trại gà, tắt đèn. Gà không ăn, không uống, chỉ ngủ trong suốt 21 ngày - thời gian đủ để dịch cúm gia cầm qua đi. Qua thời gian ngủ đông, toàn bộ số gà của bà Thanh đều xơ xác lông, chân khô, không thể đẻ trứng, bà buộc phải xuất chuồng với giá thấp và đầu tư vào lứa gà mới.

Điều dễ nhận thấy nhất khi vào trại gà ông Trần Đông Chí (chủ trại gà Xuân Chính, xã Hòa Phú, Hòa Vang) là những tờ giấy A4 được ép plastic và lồng dưới mặt gương. Trên đó ghi chi tiết tên, triệu chứng của các loại bệnh xảy ra với gà cùng phương pháp chữa trị. Bước nhẹ nhàng giữa các dãy chuồng trại, ông Chí cho biết, gà đẻ nhạy cảm với tất cả mọi tác động. Nếu người thu gom trứng hằng ngày bất ngờ sử dụng mũ hay áo khoác với màu sắc sặc sỡ, đàn gà cũng sẽ hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau đến chết hoặc nhẹ hơn là sợ đến mức không cho ra trứng. Tiếng động cơ, tiếng máy bay phản lực… đều có thể khiến sản lượng trứng sụt giảm, đến tắt hẳn, buộc người bán phải xuất chuồng.

Hiểu rằng, chất lượng thức ăn của gà đóng vai trò quyết định đối với sức khỏe, độ tăng trọng và chất lượng trứng, ông Chí đã tự mày mò hình thành nên công thức khẩu phần ăn riêng có cho gà chứ không sử dụng bột công nghiệp. Theo đó, ông lựa chọn và thu mua cá chai - loại cá có thịt mềm, ngọt, nhiều canxi để phơi khô và xay mịn. Khẩu phần ăn này còn được ông phối trộn từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như cám gạo, bột xương… để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng và thành phần dinh dưỡng cần thiết cho gà, từ đó mới có trứng thơm, ngon, dai, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

7 năm gắn bó với gà, ông Trần Đình Linh, chủ trang trại Phú Thịnh (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) nói vui: Ước gì mình kinh doanh bất kỳ mặt hàng khác, trừ trứng gà! Bởi không như sản xuất sắt, bút hay những sản phẩm khác, đưa nguyên liệu đầu vào sẽ nhận được thành quả đầu ra. Với gà, việc cho ăn cám ngon, chăm sóc chuồng trại tốt chưa chắc đã thu hoạch được trứng. Khi đã có trứng rồi, người nuôi lại đối mặt với trứng khác màu, mỏng vỏ - dấu hiệu của trứng chất lượng thấp. Bên cạnh đó, giá trứng lại lên xuống thất thường, gà lại có muôn kiểu chết: vì mổ nhau, vì lồng móc vào cổ, hệ thống thông gió gặp trục trặc…

Vì những lý do trên, với ông Linh, nuôi gà lấy trứng là hình thức kinh doanh mạo hiểm. Mạo hiểm từ quá trình chọn giống, nuôi dưỡng sao cho gà không quá mập, không quá gầy, không dịch bệnh, đảm bảo trọng lượng chuẩn cho gà ở mỗi tuần tuổi, cho đến khi thành phẩm trứng đến tay người tiêu dùng.

Và “nên chuyện”

Vượt qua bao khó khăn, giờ đây, nuôi gà lấy trứng đang trở thành hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả. Người nuôi gà, bán trứng ở Đà Nẵng không sợ tình trạng ép giá bởi các thương lái vì quy luật cung cầu trên thị trường đã cân bằng tất cả. Điều họ lo sợ là việc nhập trứng ồ ạt từ địa phương khác hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng tham gia nuôi gà và bán trứng.

Tuy nhiên, nguyên tắc mà ông Chí, bà Thanh, ông Linh hay những người làm nghề lâu năm đặt ra cho mình là sẽ luôn kiên gan, bền chí đợi đến lúc thị trường cân bằng, trứng về lại với giá cũ chứ không bỏ nghề nuôi gà.

Bởi họ hiểu rằng, trứng là mặt hàng khó bảo quản, không thể để lâu nên dù giá trứng có chạm đến tận đáy, người nuôi sẽ vẫn phải bán. Khi lượng trứng dồi dào hơn so với nhu cầu người mua, người buôn trứng từ địa phương khác, người nuôi gà nhỏ lẻ, tự phát sẽ sớm bỏ cuộc do sản lượng, chất lượng sản phẩm không ổn định, khả năng cạnh tranh kém, không chủ động được nơi tiêu thụ. Sau thời gian thua lỗ, người trụ lại được sẽ thành công với nghề.

Với 30.000 con gà, mỗi ngày, ông Chí cung cấp khoảng 800kg trứng cho thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở bền vững đó, ông Chí đầu tư hơn nữa vào quá trình chọn con giống tốt, xây dựng quy trình nuôi chuẩn mực để gà cho năng suất tối đa, chất lượng ổn định, tạo ra sản phẩm ngon, đồng đều. Bên cạnh việc nuôi gà thông thường, những năm gần đây, ông Chí còn đầu tư nuôi lấy trứng gà lai Ai Cập - giống gà cho trứng màu trắng hồng rất giống với trứng gà ta.

Việc nuôi gà lai Ai Cập không khác gì những giống gà thông thường, tiêu tốn lượng thức ăn tương đương nhưng đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội bởi số lượng bệnh tật ít hơn, trứng đặc biệt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên giá bán luôn cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với trứng gà đỏ.

Theo ông Chí, gà ta hay còn gọi là gà quê chỉ đẻ nhiều nhất 15 quả trứng/1 tháng, hiệu quả, năng suất không cao. Vì lẽ đó, trên thị trường Đà Nẵng hiện nay gần như không có trứng gà ta, những rổ trứng trắng hồng, nhỏ xíu nằm giữa thóc lúa, rơm rạ của người bán chỉ có thể là trứng gà lai Ai Cập, gà ri hay tam hoàng. “Chất lượng trứng gà trắng tương đương với trứng gà đỏ, tuy nhiên giá cả lại cao hơn, do đó người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua “trứng gà ta” tại chợ”, ông Chí nói.

Từng làm việc trong ngành y, bà Thanh áp dụng tất cả những kiến thức mình được học vào chế độ chăm sóc và thú y nghiêm ngặt, hướng đến mục tiêu tăng năng suất, mẫu mã, chất lượng trứng. Giờ đây, ở tuổi 62 bà vẫn đặt hết tình cảm của mình vào việc sàng lọc, chọn lựa những con gà nhanh nhẹn, mắt sáng, lông bông, bụng thon gọn, chân mập; vào việc chẩn đoán và chăm sóc gà bệnh; vào việc tìm cách hạn chế tình trạng gà cắn mổ nhau… “17 năm gắn bó với đàn gà nhưng với tôi, công việc lúc nào cũng như mới, có lẽ vì thế mà tôi luôn vui vẻ, chưa bao giờ cảm thấy khổ sở vì những nhọc nhằn trong công việc”, bà Thanh khẳng định.

Thành quả bà Thanh có được hôm nay là trại gà lạnh khang trang với hệ thống nước sạch và hút gió hiện đại, đảm bảo hơi nước mát trong toàn bộ khu trại. Với mô hình này, gà không cần phải tắm trong những ngày hè khô nóng, hạn chế tối đa được bệnh tật. Trại còn trang bị cả hệ thống quét phân gà trực tiếp xuống hầm biogas, biến toàn bộ phân gà thành khí gas phục vụ việc đun nấu, thắp sáng toàn khu trại và đảm bảo vệ sinh môi trường.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.