.

Giai điệu trẻ thơ

.

Những bài hát ấy khi ngân vang sẽ làm cho trẻ con mơ những giấc mơ đẹp về tương lai và khiến cho người lớn tìm lại những hồi ức đẹp trong quá khứ.

Các em ở Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cứ mỗi độ Trung thu về lại say mê luyện tập các ca khúc để biểu diễn trong đêm hội trăng rằm. Ảnh: Q.T
Các em ở Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cứ mỗi độ Trung thu về lại say mê luyện tập các ca khúc để biểu diễn trong đêm hội trăng rằm. Ảnh: Q.T

1. Chẳng biết Việt Nam bắt đầu ăn Tết Trung thu từ năm nào, chỉ biết cứ đến rằm tháng Tám, nhà nhà nô nức tổ chức cho con cháu vui hội đón trăng. Chẳng phải mâm cỗ cao sang, chỉ là bịch bánh mứt các loại, bé trai thì sắm cái đầu lân nhỏ với chiếc trống rồi “tùng tùng cắc cắc” suốt ngày, bé gái thì điệu đà với lồng đèn đủ màu sắc bắt mắt. Trong không khí rộn ràng ấy, giai điệu của những bài hát Trung thu vang lên, hòa với niềm vui của trẻ nhỏ, khơi gợi lại những cảm xúc tuổi thơ trong trẻo của người lớn.

Thầy Đặng Nhật Minh (giáo viên Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng) chia sẻ, cứ đến mùa Trung thu là các cháu nhỏ “rực rực” với tiếng trống, với ông địa, đầu lân… và chắc chắn, không thể nào thiếu các tiết mục múa hát. Những ngày này, thầy và các cháu bé đang ráo riết tập luyện để có những tiết mục hoàn hảo nhất cho đêm rằm Trung thu sắp tới. Các tiết mục hát múa đó không chỉ để hát cho nhau nghe mà còn để phục vụ các cơ sở, các trường học chuyên biệt trên địa bàn thành phố.

Dù ở Bắc hay Nam, dù năm tháng trôi qua nhưng lời những bài hát như “Tết Trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…” hay “Tùng tùng dinh dinh là tùng tùng dinh dinh, rước vui theo trăng và phá cỗ linh đình…” vẫn cất lên trong sáng, tươi đẹp như thuở ban đầu. Trung thu thiếu đi những tiếng nhạc rộn ràng, đậm nét trẻ thơ như thế sẽ chẳng ra... Trung thu. Những bài hát ấy đã trở thành “dân ca” bởi từng được các thế hệ thiếu nhi thuộc nằm lòng qua hơn nửa thế kỷ.

Nhạc Trung thu có nét độc đáo riêng. Chủ yếu là những bài hát sôi động, vui nhộn hát về trẻ em, phá cỗ, rước đèn trong đêm Rằm. Đó là nhịp trống quân thùng thình, thùng thình… nhịp trống bỏi binh bông, binh bông… Là hình ảnh của những nhân vật như chị Hằng, chú Cuội, ông Trăng. Hiếm có bài nhạc nào vắng đi các nhân vật này. Hầu như các bài hát đều xoay quanh thế giới kỳ ảo muôn ngàn âm thanh, sắc màu của trẻ con, nói lên ước vọng hòa bình.

Chưa đến Tết Trung thu - Tết của thiếu nhi, khắp các con phố, ngõ hẻm, ngân lên giai điệu quen thuộc “tùng tùng dinh dinh là tùng tùng dinh dinh…”, báo hiệu một mùa trung thu nữa lại về. Các trường mầm non thì từ đầu tháng Tám âm lịch đã nhắc nhở các cháu bé rằng Tết Trung thu sắp đến rồi bằng các giai điệu trẻ thơ quen thuộc. Các cháu bé ở các trường mầm non, tiểu học được các thầy, cô giáo tập cho các bài hát về Trung thu để tất cả được hòa mình vào không khí hội hè của trăng rằm sắp tới.

2. Phải thừa nhận rằng, các bài hát về Trung thu chiếm một phần trong kho tàng âm nhạc thiếu nhi của dân tộc ta. Ở Đà Nẵng, nhạc sĩ viết nhạc cho thiếu nhi có thể kể đến: Cố nhạc sĩ Thái Nghĩa, nhạc sĩ Trương Duy Huyến, Trịnh Tuấn Khanh, Quang Trung…

Nhạc sĩ Trương Duy Huyến từng công tác khá lâu tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng với cương vị giám đốc nói rằng, sáng tác về đề tài này vừa là nhiệm vụ của người quản lý Nhà Thiếu nhi vừa là trách nhiệm của người nhạc sĩ và hơn hết là trách nhiệm của người lớn đối với trẻ thơ. Ông tâm sự, tất cả đề tài về trẻ thơ đều tạo cảm xúc cho người viết. Tuy nhiên khi viết về đề tài trung thu, thì cảm xúc sáng tác thú vị hơn.

Có lẽ, khi viết về trung thu, “tôi cảm thấy như sống lại với những kỷ niệm thời tuổi thơ, những hình ảnh rước đèn dưới trăng, múa lân, đánh trống và niềm vui khi nhận được quà trung thu từ ba mẹ, người lớn”. Nhiều ca khúc về Trung thu của ông dành cho thiếu nhi lại nằm trên đôi môi của hàng ngàn trẻ em khi tiếng trống trung thu đang vang lên mọi ngõ: Tiếng trống múa lân rộn ràng, hòa cùng câu hát ngân vang… (Trung thu trên sông Hàn).

Nhiều nhạc sĩ thừa nhận, viết ca khúc cho trẻ thơ không phải dễ, các bé còn non nớt với ngôn từ. Vì vậy, lời bài hát phải chú trọng đến những hình ảnh gần gũi với cuộc sống đời thường, khúc thức đơn giản, giai điệu đẹp gắn với âm điệu dân ca, đồng dao… sẽ dễ gần với các bé, giúp các bé dễ thuộc lời.

Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh là người có 18 năm liền dạy nhạc và 8 năm dạy cho trẻ hát đồng dao, dân ca trên sóng truyền hình. Trẻ thơ là đề tài ông khai thác nhiều và hiệu quả nhất trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Những sáng tác của ông về đề tài trung thu không bó hẹp vào tiếng trống, điệu lân, mà khai thác mảng dân gian, dân ca cổ, dân ca lời mới, đồng dao, phỏng đồng dao (đặc thù từng địa phương)...

Lồng ca khúc vào các trò vận động trong các bài đồng dao để trẻ em vui chơi dưới trăng chờ phá cỗ như: Bập bênh, Mèo đuổi chuột, Chơi ô ăn quan, Bịt mắt bắt dê, Con gì, Thêm bạn thêm vui, Con chim chinh chích, Nhong nhong nhong, Lộn cầu vồng, Dung dăng dung dẻ, Chào ông rắn đi đâu… Hoặc các trò nhằm góp phần cho sự linh hoạt thông minh của trẻ: Nghe bà kể chuyện, Nặn đồ chơi, Gà con nhặt thóc, Đố con gì, Bé xếp nhà…

Chính vì đi theo hướng mới trong sáng tác nên nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh được các bé thiếu nhi thuộc nằm lòng, một số tác phẩm được dàn dựng để tham gia trong các kỳ liên hoan Búp sen hồng và hội diễn. Nổi bật có thể kể đến như ca khúc “Ông Giẳng ông Giăng”: Ông giẳng ông giăng xuống đây chơi với chị, chị dải chiếu bị, cho ông giăng ngồi, có nồi cơm nếp, có nệp bánh chưng, có lưng hũ rượu, cho ông giăng xơi/ Ông giăng ơi xuống đây chơi với chị và mời chú Cuội mang trâu về theo, đừng để trâu ăn lúa mới gọi cha ời ời…

Một mùa Trung thu nữa lại về, những khúc hát lại ngân vang. Trẻ em lại mơ những giấc mơ đẹp về tương lai và người lớn tìm lại những hồi ức đẹp trong quá khứ.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.