.

Bình dị cỗ trông trăng

.

Khi cuộc sống ngày càng hiện đại thì “bữa tiệc” Trung thu ít khi gói gọn ở từng gia đình, mà được tổ chức nơi công cộng, ba mẹ đưa con đi xem múa lân, các cháu nhỏ thì được cô giáo tổ chức phá cỗ ở trường mầm non...

Những chiếc bánh Trung thu tự làm ở Furama Resort sau khi nướng lần 1 sẽ được “chải” thêm trứng cho chiếc bánh ánh màu vàng hổ phách.
Những chiếc bánh Trung thu tự làm ở Furama Resort sau khi nướng lần 1 sẽ được “chải” thêm trứng cho chiếc bánh ánh màu vàng hổ phách.

Vẫn có bánh dẻo, bánh nướng để cúng gia tiên và phần quà cho con trẻ, vẫn có đèn ông sao ba mẹ sắm cho, nhưng ngày Tết đoàn viên này được người lớn tổ chức như một ngày để nhớ về, nhiều hơn là trẻ con biết hết ý nghĩa của nó. Bù lại, nhiều gia đình trẻ lại chọn cách tự làm bánh, hướng đến tính truyền thống, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bé rước đèn ông sao

Nghe tiếng trống ếch, trẻ con đứa nào cũng biết sắp được đón một ngày lễ đặc biệt, được ba mẹ mua cho đèn ông sao, được ăn bánh dẻo, bánh nướng…; đến lớp lại nghe các bạn trai kháo nhau là được mấy anh lớn ở xóm giao làm ông địa, có đứa múa lân. Ngày Tết đó chỉ gói gọn trong 1-2 ngày, nhưng âm vang của nó trước đó thì kéo dài thật lâu, thật vui. Nhưng, hỏi những đứa trẻ “con biết gì về Tết Trung thu” thì chẳng mấy đứa trả lời được. Bởi thế, nên ở trường mầm non, tiệc trông trăng do các cô giáo tổ chức, bao giờ cũng có chú Cuội, chị Hằng, có các hoạt cảnh giúp bé hiểu hơn về ngày Tết.

Cô Nguyễn Thị Hồng Phấn, Hiệu trưởng Trường mầm non 20-10, cho biết năm nào trường cũng tổ chức tiệc trông trăng. Có năm các cô diễn kịch rối; có năm các cô tự phân vai nhân vật chú Cuội, chị Hằng, dựng cảnh gốc đa, cung trăng, các con nghe cô giáo nói về sự tích “Chú Cuội ngồi gốc cây đa” và Tết Trung thu. Cô Hồng Phấn cho rằng, khi sự tích gắn liền với ngày lễ năm nào cũng được cô giáo nhắc đến, sẽ giúp các cháu nhỏ ghi nhớ. Để khi lớn hơn, đến mùa đón Trung thu, các con biết sự tích ngày lễ và đọng lại trong các con mãi sau này. Việc biết ý nghĩa ngày lễ cũng làm cho buổi tiệc trông trăng của trẻ, dù tổ chức giữa các cô và bạn bè, dù lúc ấy chưa phải giờ trăng mọc, nhưng nó thấm đượm trong lòng, là bữa tiệc của chính các con.

Hiện nay trường mầm non nào cũng tổ chức tiệc Trung thu cho các cháu. Mâm cỗ gồm các loại bánh, kẹo, trái cây, được cô giáo đưa đến để từng cháu  chọn quà cho mình. Cô Huỳnh Thị Thọ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bé Thông Minh chia sẻ: Tết Trung thu sẽ được trẻ con nhớ lâu, vì trường mầm non nào cũng tổ chức các hoạt động trước lễ, như cô cháu các lớp sẽ cùng làm lồng đèn, trang trí đầu lân.

Nhiều bé còn mang trống ếch, lồng đèn do ba mẹ sắm cho đến lớp, nên lớp học nào cũng đầy ắp không khí rộn ràng. “Dịp Trung thu, nếu trẻ biết sự tích mà không thấy được nội dung giáo dục thì ngày lễ mất hết ý nghĩa. Nên qua bữa tiệc trông trăng này, các cô giáo dục trẻ ngoan, biết yêu thương bạn bè, biết nói lời cảm ơn. Cô và cháu cùng làm lồng đèn, cùng thi rước đèn ông sao, bữa tiệc vì thế gieo cho các cháu ấn tượng sâu hơn”, cô Thọ cho biết thêm.     

Các bé tự biểu diễn múa lân ở Trường Mầm non 20-10. Ảnh: H.N
Các bé tự biểu diễn múa lân ở Trường Mầm non 20-10. Ảnh: H.N

Bánh Trung thu tự làm “lên ngôi”

Ngày nay, mâm cỗ Trung thu cũng được “hiện đại hóa” với hàng chục loại bánh kẹo nội, ngoại khác nhau. Hoa quả bày mâm cũng đa dạng hơn nhiều, không chỉ có chuối, bưởi, hồng... như trước. Mâm cỗ vì thế trông lung linh và bắt mắt hơn. Nhưng các bà nội trợ không còn cầu kỳ trong việc cắt tỉa những thứ lạ mắt như chó bông bằng bưởi, tỉa những bông hoa bằng trái cây.

Thay vào đó nhiều chị em tìm mua các loại bánh dẻo, bánh nướng làm thủ công, nhiều chị rủ nhau cùng làm bánh “lọ mọ vậy nhưng mà vui, cái bánh mình làm ra hình như ăn cũng ngon hơn”, chị Nguyễn Minh Nguyệt, tổ 27, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ cho biết.

Cách đây 2 năm, chị Nguyệt lên mạng Internet tìm hiểu, tự mua bột, mua nhân về làm những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đầu tiên. Bánh làm ra chỉ để ăn, biếu vài cái cho ông bà nội, ngoại. Năm ngoái đến mùa Trung thu, chị Nguyệt lại lôi khuôn, lò nướng ra. Biết là vất vả, nhưng niềm vui được tự tay làm những chiếc bánh cho mình, cho bố mẹ, niềm đam mê cứ thế lớn dần, làm chị không bỏ được.

Năm nay, chị Nguyệt làm bánh sớm hơn mọi năm. Tự tin vào tay nghề của mình, chị chia bánh cho anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Thấy bánh Trung thu của chị ngon, bảo đảm chất lượng, thế là nhiều người quen nhờ chị làm hộ. Mẻ bánh thứ 3 chị làm cách đây 1 tuần, chị làm đến 10kg bột, cho khoảng 150 cái bánh. Đồng nghiệp của chị, chị Hà Hương Giang (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cùng tham gia. Chị Giang cười vui “học phí để làm được những chiếc bánh này của em lên đến gần 2 triệu đồng rồi. Lúc đầu tự làm ăn, mẹ chồng cũng ăn nhưng không nói gì, lần thứ 2 mẹ em khen và lần thứ 3, bà đem bánh đi khoe hàng xóm”.

Ba năm kinh nghiệm, chị Nguyệt vẫn xem những chiếc bánh mình làm ra là bài học vỡ lòng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại thử thêm nhân trà xanh bên cạnh nhân đậu xanh cho bánh chay và nhân thập cẩm cho bánh mặn. Nước đường để làm vỏ bánh, chị Nguyệt nấu và để sẵn từ 2 năm trước. Chị bảo, nước đường càng để lâu càng ngon. Năm nay các nguyên phụ liệu, khuôn để làm bánh cũng đa dạng, phong phú hơn trước, một phần có lẽ do nhiều chị em chọn cách tự làm bánh cho gia đình.

Chị Thu Hằng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà gọi việc mình làm bánh Trung thu là “lăn theo cơn sốt học làm bánh của các bà nội trợ”. Thay vì mua bánh ngoài cửa hàng, chị học làm bánh tại nhà, bảo đảm vừa ngon, rẻ, vừa  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. “Bữa nay công thức làm bánh có sẵn trên mạng, nguyên liệu cũng có sẵn, rất dễ mua, nên mình tự làm bánh cho các con. Bánh tự mình làm ra không có chất bảo quản nên chỉ để được 5-7 ngày, yên tâm về chất lượng, mà hình như cũng ngon hơn mua ngoài thì phải”.

Cũng là những chiếc bánh Trung thu tự làm, 7 người thợ thuộc bếp bánh của Furama Resort có 3 tuần làm không nghỉ mới đủ bánh đáp ứng đơn đặt hàng của thực khách cũng như phục vụ khách đang nghỉ dưỡng. Chị Phan Thị Diễm Phương, Bếp trưởng Bếp bánh cho biết, Ban Giám đốc Furama và các đầu bếp quyết định đưa tinh túy ẩm thực vào những chiếc bánh, lưu giữ giá trị của bánh truyền thống và đưa thêm những loại nhân xuất xứ từ châu Âu.

Tổng cộng gồm 11 loại nhân bánh, Furama mong muốn đem đến cho khách những chiếc bánh mang giá trị truyền thống, tăng chất lượng bánh, hộp đựng bánh chỉ có 2 màu đỏ và nâu. “Sự sang trọng nằm trong giá trị chiếc bánh chứ không phải bên ngoài vỏ hộp. Việc kết hợp giữa chiếc bánh truyền thống và hương vị mới lạ, bánh làm hoàn toàn thủ công, độ ngọt vừa phải, không có chất bảo quản, chúng tôi muốn quảng bá cho khách là chính”, anh Nguyễn Văn Anh, Tổng bếp phó của khách sạn cho biết thêm.

Xưa, bánh Trung thu chỉ gói gọn bằng chiếc bánh dẻo nhân đậu xanh, bánh nướng nhân thập cẩm, lấy nguồn nguyên liệu gần gũi, giản dị như đỗ xanh, thịt lợn, lá chanh, lạc, vừng… làm nhân bánh. Bánh được làm thủ công từ bàn tay khéo léo của con người chứ không cậy nhờ tới công nghệ sản xuất dây chuyền và máy móc sản xuất hiện đại. Cuộc sống ngày nay, mâm cỗ đêm Rằm cũng trở nên phong phú và trang trọng hơn nhờ có sự góp mặt của các loại bánh lạ miệng, đẹp mắt. Nhưng trong tâm thức người Việt chẳng thể nào quên bánh Trung thu xưa, thứ hương vị ngọt bùi, thanh tao, mang hơi thở của hương đồng gió nội. Có phải vì vậy mà giờ người sành ăn muốn quay trở lại với những chiếc bánh tự làm, đầy vẻ mộc mạc kia?

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.