.

Đưa sách đến người đọc

.

Vẫn biết xã hội phát triển kéo theo sự thay đổi thói quen của con người, nhưng đọc sách vẫn là một thói quen nên có ở mỗi người vì có những thứ mà không gì có thể thay thế sách.

Buổi “đọc-mở” Gatsby vĩ đại do nhóm “Vừng ơi” tổ chức tháng 2-2015. Ảnh: H.N
Buổi “đọc-mở” Gatsby vĩ đại do nhóm “Vừng ơi” tổ chức tháng 2-2015. Ảnh: H.N

Đọc sách không chỉ giúp bồi đắp kiến thức mà còn tạo cho người đọc sự tưởng tượng phong phú, sự học hỏi, tính chủ động, hiệu quả tiếp thu nhiều hơn...

Để duy trì thói quen đọc sách ở nhiều người thật sự không phải dễ dàng. Bằng những sự nỗ lực khác nhau, nhiều người, trong đó đa phần là giới trẻ nghĩ ra nhiều cách thức đưa sách đến tay người đọc, khơi gợi và đánh thức niềm đam mê đọc sách trong mỗi người.

Tạo dựng không gian đọc

Ngày 11-4 vừa qua, tại tiệm sách-cà phê Love Tree ở số 196 Trần Phú, những bạn đọc yêu sách tham gia các trò chơi tìm hiểu về các cuốn sách bạn đã đọc, trả lời những câu hỏi về tác giả, tác phẩm, cách bảo quản sách. Ở đây còn có một triển lãm nhỏ sách ảnh về Đà Nẵng, có những cuốn sách rất khó tìm, gần như hiếm trên thị trường. Và một buổi trao giải thơ cho những người tham gia cuộc thi mà tiệm sách phát động trước đó ít lâu… Với những việc đã và đang làm, cô chủ Nguyễn Thị Quỳnh Linh và các cộng sự của mình mong muốn đây là một địa chỉ cho những người yêu sách.

Năm nào, vào Ngày Sách Việt Nam 21-4 và ngày 22-6, Love Tree cũng trao giải cuộc thi “Review” cho những bạn đọc viết lại những cảm nhận về cuốn sách mà họ đọc và phát động một cuộc thi mới. Trong khi chuyện đọc sách chưa được xem là một phong trào hay các tiệm sách nhỏ bé sống mòn mỏi ở Đà Nẵng, những người đau đáu với sách luôn cảm thấy mình cần phải làm gì đó để được nhìn thấy hình ảnh mỗi người cầm trên tay một cuốn sách, nói về những cuốn sách họ đã và đang đọc.

Gần 4 năm tạo dựng không gian đọc khá lý thú này, Love Tree luôn nhập về những cuốn sách giúp nâng cao kỹ năng đọc, chọn lọc những người đọc có “gu” riêng và khuyến khích người đọc trao đổi cuốn sách mình có để lấy một cuốn tương ứng ở tiệm, giảm bớt chi phí mua sách mà vẫn có sách để đọc. Đến đây, khách hàng được giảm giá 10-30% trên giá bìa, được nhân viên tư vấn, giới thiệu những cuốn sách theo nhu cầu của bạn.

Khách hàng của tiệm chưa đông như mong muốn, nhưng bù lại khách là người nước ngoài đã tặng cho các bạn trên 30 đầu sách bằng tiếng Anh và họ viết lời giới thiệu cho bạn bè khi đến Đà Nẵng du lịch. Để tạo một thói quen đọc sách, theo Quỳnh Linh, mỗi người cần nâng cao kỹ năng đọc kết hợp với tính định hướng từ gia đình, nhà trường. Bạn mong muốn sẽ tổ chức những buổi nói chuyện về sách từ các nhà văn, nhà giáo dục… Có vẻ như ước mong của Love Tree lớn hơn rất nhiều so với không gian vài chục mét vuông mà các bạn đang sở hữu, với mong muốn sách sẽ là người bạn, là chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho nhiều người.

Những cuốn sách đủ mọi thể loại được trải trên tấm bạt lớn, ở công viên phường Hòa Cường Bắc, ở đường Bãi Sậy, đường Tố Hữu không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng. Và ở đó, cậu sinh viên, nay là chàng cử nhân kinh tế Lê Văn Hoan dành hai ngày nghỉ cuối tuần đưa sách miễn phí đến người đọc. Hoan chào đón tất cả mọi người, sẵn sàng dành thời gian giải thích, tư vấn cho người đọc những điều họ chưa hiểu. Dự án đọc sách miễn phí của Hoan hình thành khi vào cuối năm thứ nhất Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Hoan có trong tay chừng 5 cuốn sách, bạn đi mượn sách của bạn bè, anh chị được khoảng 150 cuốn. Bạn trải bạt kêu gọi mọi người đến đọc sách miễn phí.

Đó là vào cuối năm 2009. Ở Công viên 29-3, người ta bắt Hoan trả chi phí, thế là những cuốn sách miễn phí theo chàng sinh viên nhỏ bé về Hòa Cường nơi Hoan trọ học, đến Trường ĐH Ngoại ngữ vốn có nhiều sinh viên muốn đọc sách trong khi túi ít tiền… Bao nhiêu tiền kiếm được khi làm gia sư, Hoan dốc hết vào mua sách, đến giờ bạn có khoảng 500 đầu sách. Theo Hoan, văn hóa đọc bị át bởi văn hóa nghe-nhìn, nhưng bù lại, sách phát triển kỹ năng, là hạt giống tâm hồn. Khi mọi người lười đọc sách thì mình phải đẩy dự án sách ra đường phố, chọn những đầu sách hấp dẫn để ai cũng phải dừng lại khi nhìn thấy sách và bị chính sách hấp dẫn.

Ngoài dự án sách miễn phí, vào khoảng giữa tháng 5 tới, Hoan sẽ mở những tủ sách (book box) đặt ở các quán cà-phê cho người đọc miễn phí. Hiện tại có 3 điểm kinh doanh ở 124 Bạch Đằng, 169 Trưng Nữ Vương và 202 Phạm Cự Lượng được đưa vào hoạt động. Hoan dự định sẽ có khoảng 15 book box ở khắp thành phố, mỗi nơi đặt 20-30 đầu sách. Hiện nay, Hoan đang dạy kỹ năng sống (dự án 1 USD), bạn sẽ không nhận tiền mà đổi lại sẽ nhận sách từ học viên. “Khi mình nhận cuốn sách và cho họ kỹ năng, sẽ có nhiều người được hưởng lợi từ điều này”, Hoan nhận định.

“Vừng ơi” và mong muốn tăng chiều sâu trí tuệ

Mới nghe Trần Nguyễn Yến Nhi, cô gái nhỏ bé là một trong 3 sáng lập viên của nhóm “kiến tạo một không gian văn hóa-nghệ thuật” ở Đà Nẵng nói về “Vừng ơi”, nhiều người cảm thấy “sợ” vì những gì to tát mà nhóm bạn này đề cập tới. Nhưng theo Yến Nhi thì những gì các bạn làm thời gian qua không là gì so với những nhóm đọc-trao đổi sách (thậm chí cả những cuốn sách về triết học rất “cao siêu”) tổ chức ở Hà Nội.

Có thể do cách làm của “Vừng ơi” khá mới mẻ tại Đà Nẵng. Và trong suốt từ giữa năm 2014 đến nay, “Vừng ơi” triển khai nhiều buổi “đọc-mở; đi-mở; nghe-mở” về nhiều vấn đề, tập trung vào nhiều tác phẩm văn học kinh điển, nổi tiếng thế giới. Như buổi “đọc-mở” Ánh nhìn mỉa mai và trái tim ấm nóng (“Luận về yêu”-Alain de Botton), Vĩ đại – Gatsby hay Tình yêu (“Gatsby vĩ đại” - F.Scott Fitzgerald); buổi “nói-mở” Happy Bach Day (buổi chia sẻ, thảo luận về nhạc sĩ Johann Sebastian Bach nhân dịp sinh nhật của Bach tháng 3 vừa qua)…

Trên hết, “Vừng ơi” muốn gắn kết các tri thức trẻ tại Đà Nẵng, khuyến khích và đẩy mạnh việc trao đổi ý tưởng và tăng cường khả năng tranh biện. Các hoạt động nhằm phát triển kỹ năng đọc, tăng cường nhiều thể loại sách cho từng cá nhân, chủ yếu là những tác phẩm kinh điển, có chiều sâu về tư tưởng cũng như bút pháp. Hay những chuyến đi giúp các bạn khám phá các giá trị văn hóa, lịch sử nhiều vùng đất của Tổ quốc.

Từ nhóm 3 người ban đầu, hiện nay “Vừng ơi” có 18 thành viên. Các bạn thành lập một thư viện nhỏ (ở đường Thi Sách, gồm 150 đầu sách, là sách kinh điển, lịch sử, địa lý, phi hư cấu đã được các nhà khoa học thẩm định) do các bạn đóng góp, chỉ có những bạn thân thiết của “Vừng ơi” mới có thể mượn sách.

Sau khi đi vào hoạt động, đi kèm với những buổi “đọc-mở” giới thiệu, chia sẻ về những cuốn sách, con số thành viên của thư viện nhỏ này lên đến 30 người, nhiều người ủng hộ những cuốn sách hay, có giá trị. Thông qua tủ sách này bạn sẽ đọc được nhiều sách trong khi túi còn ít tiền, đó là mục đích mở ra thư viện của “Vừng ơi”. Sắp tới, một thư viện mở thứ 2 của “Vừng ơi” sẽ được đặt tại đường Phan Bội Châu, quận Hải Châu, đón chào những ai có nhu cầu đến đọc sách tại chỗ…

“Sách hay rất nhiều, “Vừng ơi” muốn khơi ngọn lửa đam mê muốn đọc sách trong mỗi người, như một quá trình bồi đắp lâu dài. Qua trang facebook Vừng ơi, chúng em muốn khơi lên sự tò mò đọc những cuốn sách hay cho các bạn trẻ qua những đoạn sách giới thiệu”, Yến Nhi cho biết thêm. Nhìn về tương lai, Vừng ơi hiểu rằng nếu các bạn thiết lập một cộng đồng những bạn ham mê đọc sách, thích đọc những cuốn sách có giá trị cao, thì sẽ có nhiều nhóm như “Vừng ơi” ra đời, sẽ có nhiều câu lạc bộ đọc sách, và nhiều người có cơ hội tiếp cận được nguồn sách hay, bổ ích.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.