.

Tiếp nhận ngôn ngữ mới

.

Cách đây hơn 10 năm, học  ngoại ngữ ở nhà trường phần lớn gói gọn trong khả năng thuộc từ vựng, dịch hiểu cũng như trang bị vốn ngữ pháp đủ để học sinh viết được những mẫu câu hoàn chỉnh.

Các bạn sinh viên chụp ảnh  lưu niệm trong một chương trình giao lưu văn hóa Việt-Nhật diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh:  T..Y
Các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm trong một chương trình giao lưu văn hóa Việt-Nhật diễn ra tại Đà Nẵng. Ảnh: T.Y

Tuy nhiên theo thời gian, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, việc tự tin giao tiếp với người bản xứ càng trở nên bức thiết đã thay đổi tư duy dạy và học qua việc đề cao lồng ghép văn hóa quốc gia vào việc giảng dạy, bởi mỗi ngôn ngữ đều có một nền văn hóa riêng biệt và thuần túy.

Ngôn ngữ gắn liền văn hóa

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, thành phố đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng hướng dẫn viên (HDV), đặc biệt ở các chuyên ngành tiếng hiếm như Nhật, Nga, Hàn, Ý dù thành phố hiện có gần 1.700 HDV du lịch, trong đó có hơn 900 HDV quốc tế.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Trinh Lương, giảng viên khoa Tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết, hiện có khá nhiều sinh viên (SV) khoa tiếng Nga mới ra trường không đủ năng lực giao tiếp với người bản xứ nên ít có cơ hội trở thành HDV tiếng Nga chuyên nghiệp hoặc đầu quân vào những tập đoàn lớn, có mối quan hệ mật thiết với người Nga. Việc các em thiếu tự tin một phần vì vốn kiến thức hạn chế, một phần không chịu trau dồi khả năng đàm thoại cùng sự hiểu biết nhất định về văn hóa Nga.

Vừa tham gia công tác giảng dạy, cô Trinh Lương vừa là HDV tiếng Nga cho nhiều hãng lữ hành tại Đà Nẵng suốt 10 năm qua. Theo cô, công việc HDV giúp cô có cơ hội giao tiếp với người Nga, hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người Nga, học cách phát âm tiếng Nga chuẩn, bổ sung kiến thức, từ đó áp dụng vào công tác giảng dạy tại trường.

Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều công ty liên doanh nước ngoài tuyển dụng lao động thường đòi hỏi ứng viên phải sử dụng thành thạo một hoặc hai ngoại ngữ nào đó, không chỉ nghe - nói mà còn có kiến thức nhất định về văn hóa của mỗi nước.

Thầy giáo Nguyễn Văn Gia, người có kinh nghiệm 35 năm đứng lớp môn tiếng Anh nhấn mạnh: “Mỗi nền văn hóa có một ngôn ngữ đặc thù, văn hóa nào có ngôn ngữ đó. Nếu không hiểu được văn hóa bản địa sẽ rất khó sử dụng ngôn ngữ của họ, đôi khi dẫn đến những hiểu lầm không đáng có trong quá trình giao tiếp”.

Thầy Gia đơn cử, khi gặp trẻ em ở các nước Anh, Mỹ, nếu người lớn không chào trước thì các em cũng không cần chào lại vì mọi người sinh ra đều bình đẳng như nhau. Tuy nhiên ở Việt Nam, khi gặp người lớn, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ, trẻ em đều phải nhất nhất chào hỏi nhằm thể hiện sự lễ phép, đúng với truyền thống. Bên cạnh đó, có những câu hỏi, lời nói thể hiện sự quan tâm trong văn hóa giao tiếp của người Việt nhưng lại khiến người Anh khó chịu như “Cháu con ai?”, “Anh/Chị bao nhiêu tuổi?”, “Ông/Bà hiện nay đang làm gì?”, “Dạo này sao bạn mập/ốm thế?” bởi ở Anh, họ xem đó là những điều tối kỵ, riêng tư không nên hỏi. Sự thiếu hiểu biết về văn hóa sẽ trở thành rào cản trong việc học tiếng Anh cũng như quá trình tiếp nhận ngôn ngữ mới của người học.

Biết thêm một nền văn hóa

Ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ không thể tách rời. Việc hiểu rõ đặc trưng văn hóa từng vùng đất sẽ giúp học sinh học tốt hơn môn ngoại ngữ, kể cả việc dịch tốt hơn, nghe nhanh hơn, nói rõ hơn… Nếu thiếu sự am hiểu về văn hóa, người học ngoại ngữ (kể cả phiên dịch) chỉ dừng lại ở mức độ nghe, hiểu và diễn đạt mong muốn của mình mà không thể cảm nhận sâu hơn, phong phú hơn, ý nghĩa hơn mục đích buổi trò chuyện, giao tiếp.

Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán khác nhau được phản ánh thông qua ngôn ngữ. Tuy nhiên, hiện nay trong hoạt động giảng dạy ngoại ngữ, một số thầy cô giáo không có nhiều thời gian truyền tải cho học sinh, SV yếu tố văn hóa cũng như cách giao tiếp ứng xử của người bản địa. Việc dạy và học chưa thật sự đi vào chiều sâu bởi học sinh, SV không thể nào học tốt tiếng nước ngoài khi không được học, được tiếp cận văn hóa của đất nước họ. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều học sinh sau 12 năm học, ra trường không nói được tiếng Anh, không làm chủ được ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp.

Bạn T.N (xin được giấu tên), SV khoa tiếng Trung, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết dù trong chương trình học hiện nay có môn Văn hóa Trung Quốc nhưng thầy cô chỉ nói qua những vấn đề có trong giáo án, ít có thời gian đi sâu khai thác các khía cạnh văn hóa một cách có hệ thống.

Trong khi đó, Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, dân số đông, cách sử dụng ngôn ngữ đa dạng dẫn đến văn hóa giao tiếp của từng vùng cũng khác nhau. Ví dụ như vùng Bắc Kinh, Quảng Đông, Quảng Tây có một số từ ngữ cùng nghĩa, nhưng cách viết, cách sử dụng lại hoàn toàn khác nhau. Việc học ở trường chỉ giúp N. tiếp thu từ 30% đến 40% lượng kiến thức cần thiết, còn lại phụ thuộc vào ý thức tự học, tự tìm hiểu của N. thông qua việc xem phim, đọc sách, báo và giao tiếp với người Trung Quốc khi có điều kiện.

Thời gian gần đây, một số trường đại học, cao đẳng, trung tâm Anh ngữ, Nhật ngữ đã chủ động phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đà Nẵng tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa hai nước nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp  thế hệ trẻ có điều kiện gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Tại “Cuộc thi nói tiếng Hàn, tiếng Việt” dành cho SV Việt Nam đang theo học tại các khoa tiếng Hàn và du học sinh Hàn Quốc đang theo học tại các trường đại học tại Việt Nam (diễn ra ở Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng năm 2014), Han Ji Ye, SV Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày những hiểu biết của mình bằng tiếng Việt xung quanh chủ đề “Ý nghĩa văn hóa trong lễ hội truyền thống Việt Nam”.

Han Ji Ye đúc kết: “Tôi và nhiều bạn bè Việt Nam đã tìm thấy sự tương đồng giữa văn hóa hai nước thông qua các hoạt động lễ hội, cổ động viên đường phố. Trong quá trình tìm hiểu văn hóa Việt Nam, tôi nghĩ mình đã yêu Việt Nam hơn. Trong xu hướng hội nhập, vai trò của những SV học ngoại ngữ như chúng tôi rất quan trọng vì nó đóng góp rất lớn cho sự giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế giữa hai quốc gia”.

Về phía người học ngoại ngữ, việc nhận thức, phân biệt được những yếu tố văn hóa từng vùng không chỉ giúp họ giao tiếp tốt mà còn mở rộng kiến thức và vốn hiểu biết của mình. Như cách thầy Nguyễn Văn Gia chia sẻ “khi ta biết thêm một nền văn hóa trên thế giới, tức là ta trở thành hai con người trong một chủ thể giao tiếp và có cơ hội nhận biết những ưu điểm, nhược điểm trong văn hóa truyền thống, văn hóa ứng xử của dân tộc mình”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.