.

Cơ hội cho tiếng Nga

.

Theo thông tin phản hồi từ những sinh viên (SV) đã tốt nghiệp đại học mà các thầy cô khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) nhận được thì hầu hết các bạn sau khi ra trường đều có việc làm ổn định, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch và biên, phiên dịch.

Sinh viên năm 3 khoa tiếng Nga Trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong một buổi dã ngoại. Ảnh: H.N
Sinh viên năm 3 khoa tiếng Nga Trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Đà Nẵng) trong một buổi dã ngoại. Ảnh: H.N

Trong những nỗ lực tự thân của mình, SV ngành tiếng Nga đang không ngừng khẳng định vị trí cũng như cơ hội việc làm, trong bối cảnh tiếng Nga đang tạo ưu thế trong bảng tuyển dụng nhân sự của các công ty hiện nay.

“Tự hào là sinh viên khoa Nga”

Đó như là một khẩu hiệu của SV khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) những năm qua.

Có thể xem khoa Nga “thấp bé, nhẹ cân” so với nhiều khoa của trường, nhưng bé ở đây là bé hạt tiêu. Thầy cô và SV không ngừng nỗ lực khẳng định lại tên tuổi của mình, sau nhiều năm vì xu thế thời cuộc mà buộc phải giẫm chân tại chỗ.

Khi hỏi bất kỳ bạn SV khoa tiếng Nga nào, bạn cũng sẽ nghe được những lời ngợi ca thầy cô. Họ không nói suông mà chúng tôi hiểu rằng đó là những lời cảm ơn thật sự, dành cho những người không chỉ làm công việc giảng dạy, mà là cha, là mẹ, giúp các bạn tiếp xúc với một ngôn ngữ hoàn toàn lạ lẫm và bỏ qua những định kiến (nếu có) ban đầu để tin vào một tương lai tươi sáng.

Bạn Lê Thị Hồng, SV năm 1 lớp 14 CNN01 cho biết các bạn có rất nhiều thuận lợi khi đăng ký vào khoa tiếng Nga, đó là ngoài giờ học chính khóa, SV được học thêm (miễn phí) với giảng viên để nắm ngôn ngữ này nhanh hơn trong điều kiện không có môi trường ở ngoài để thực hành. Ngoài ra, với việc phân chia nhóm để học, thì những bạn đã từng được học tiếng Nga ở trường phổ thông, những bạn từng học tập và sinh sống ở Nga về sẽ được xếp vào các nhóm học tập, giúp đỡ các bạn còn lại trong nhóm về mặt thực hành nghe-nói…

Thạc sĩ Trần Thị Thanh Thảo, giảng viên khoa tiếng Nga, cho biết cách đây 20 năm, SV năm thứ nhất được học 30 tiết tiếng Nga/tuần nhưng nay giảm chỉ còn 12 tiết. Bù lại, mỗi giảng viên tăng thêm giờ dạy với 1 buổi/tuần cho SV tất cả các năm, giúp các em tiếp cận nhanh với ngôn ngữ này, gỡ những hạn chế do không được học tiếng Nga từ phổ thông.

Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 5-7 suất học bổng của chính phủ Nga dành cho những SV xuất sắc của khoa tiếng Nga. Như năm học 2014-2015, có 4 SV giành được suất học bổng học chuyển tiếp 10 tháng tại Nga và 2 SV học chương trình 5 năm (tuyển chọn từ cuộc thi Olympic từ một hiệp định của 2 nước Việt-Nga ký, năm nay là năm thứ 12).

SV khoa tiếng Nga từ lâu tự hào có một truyền thống tốt đẹp về tinh thần, hỗ trợ lẫn nhau. Chính điều này giúp các lứa SV gắn kết và giúp đỡ nhau về việc làm sau khi ra trường. Hiện nay, Hội cựu SV khoa tiếng Nga Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tại Phan Thiết do bạn Lê Văn Tùng làm trưởng nhóm thường xuyên gửi thông tin về khoa, để những bạn quan tâm có thể liên hệ và chọn công việc tại Nha Trang, Phan Thiết. Cô Thanh Thảo hy vọng rằng, vào dịp lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của khoa sẽ được tổ chức vào tháng 10 tới đây, sợi dây kết nối của SV các thế hệ sẽ càng bền chặt hơn.

Không chịu thua “số phận”

Tính từ năm 1991-1992 đến nay, đã hơn 20 năm tiếng Nga không còn là ngôn ngữ chính được giảng dạy trong các trường phổ thông ở Việt Nam, trừ một số trường ở Hà Nội. Đồng nghĩa là khoa tiếng Nga ở khoảng 5 trường đại học trong cả nước tuyển sinh èo uột, như kiểu “uống nước lã cầm hơi”. Trong khi đó, các trường đại học thuộc khối quân sự vẫn dạy tiếng Nga là ngoại ngữ chính, SV khoa tiếng Nga ra trường vẫn tìm được việc làm đúng chuyên ngành, dù số này không nhiều.

Khoảng 4 năm trở lại đây, cơ hội việc làm cho SV chuyên ngành tiếng Nga khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tập trung ở các tỉnh, thành phố miền Trung như Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, khi khách du lịch Nga đến Việt Nam với số lượng đông, được xếp vào hạng chi tiêu mạnh tay và có nhiều khả năng quay lại vào các lần tiếp theo. Những ngành kinh tế có công nghệ tiên tiến như luyện kim, đóng tàu, dầu khí, sản xuất máy móc đặc biệt và phương tiện vận tải, hóa chất… của Nga sắp tới sẽ được đầu tư mạnh vào Việt Nam với 17 dự án đầu tư trọng điểm, thì biết tiếng Nga là một lợi thế trên thị trường lao động vài năm tới.

TS Nguyễn Văn Hiển, Trưởng khoa tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), một trong những giảng viên tham gia làm hướng dẫn viên du lịch xuyên suốt từ nam chí bắc những năm qua nhận thấy rằng, nhân sự tiếng Nga trong lĩnh vực du lịch là rất lớn. Ở khu vực Nam Trung bộ, rất nhiều khách sạn cần vị trí nhân sự tiếng Nga trong các lĩnh vực buồng, phòng, lễ tân; các bộ phận làm việc trong các công ty lữ hành, thương mại.

Nắm được “hơi thở thị trường” như vậy, nên 3 năm nay, khoa tiếng Nga mở thêm chuyên ngành tiếng Nga du lịch; hứa hẹn sẽ có một đội ngũ bổ sung cho thị trường nhân sự du lịch những năm tới. Điểm xét tuyển vào khoa tiếng Nga năm 2014 là 19 điểm cho ngành cử nhân và 20 điểm cho ngành du lịch, chỉ lấy nguyện vọng 1. Tỷ lệ nộp hồ sơ nhập học cũng cao nhất trường với 84 SV nhập học/96 em được gọi. Như vậy là tiếng Nga bắt đầu dần lấy lại vị thế của mình từ nhu cầu xã hội.

Tháng 10-2014, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức hội thảo về thị trường khách du lịch Nga, có nêu một vấn đề “báo động” và xếp tiếng Nga vào nhóm tiếng hiếm tại Đà Nẵng (có khoảng 40 hướng dẫn viên tiếng Nga, đa số trên 40 tuổi). Thế nhưng chuyện “báo động” này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới nếu như các ban, ngành không có những động thái tích cực như khuyến khích người học tiếng Nga, đưa tiếng Nga vào giảng dạy tại trường phổ thông…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.