.

Nhìn biển qua kinh nghiệm dân gian

.

Mặc dù tất cả các đài khí tượng thủy văn của Việt Nam, Hải quân Mỹ, Nhật Bản và Hồng Kông đều dự báo cơn bão Hải Yến (2013) sẽ đổ bộ miền Trung nước ta. Tuy nhiên, các lão ngư vẫn cho rằng bão sẽ sớm tan khi thấy các vạt lau nở rộ, trắng muốt. Trời quang biển lặng những ngày đó là lời khẳng định: Kinh nghiệm được truyền qua các đời luôn là vốn tri thức không thể thiếu để hiểu và ứng xử với biển cả.

Anh Lê Dũng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90098 đã thoát chết trong cơn bão Chanchu bằng kinh nghiệm đi biển chứ không phải máy móc hiện đại. Ảnh: M.T
Anh Lê Dũng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90098 đã thoát chết trong cơn bão Chanchu bằng kinh nghiệm đi biển chứ không phải máy móc hiện đại. Ảnh: M.T

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của ngư dân làng biển quận Thanh Khê là sự quay về kỳ diệu giữa cơn bão Chanchu (2006) của 2 con tàu do con trai và con rể ông Lê My làm thuyền trưởng. Giữa bão, với tất cả những phương tiện định vị hiện đại hỗ trợ, 2 con tàu này vẫn phải điện về đất liền để lắng nghe ý kiến, hướng dẫn của ông Lê My (64 tuổi, người hơn 40 năm gắn liền với biển).

Anh Lê Dũng, thuyền trưởng tàu ĐNa 90098, nhớ lại: Tiếng gầm của sóng, tiếng gió hú, rít từng hồi qua mang tai khiến toàn bộ thuyền viên hoảng sợ. Sóng dâng cao đến lưng chừng trời, đen thẫm, sừng sững rồi bất ngờ đổ ập khiến con tàu duềnh lên rồi rơi hẫng xuống giữa những đầu sóng trắng xóa. Lúc đấy, chúng tôi mới nhận ra rằng, chỉ với máy móc vô tri thì không thể giúp con tàu trở về đất liền an toàn. Phải bằng kinh nghiệm đi biển mấy chục năm, óc phán đoán và khả năng thấu hiểu biển mới giúp tàu không vỡ vụn ra từng mảnh và nằm lại dưới biển sâu trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên.

Đó là một trong số nhiều câu chuyện được những ngư dân lớn tuổi truyền lại cho thế hệ kế cận như một lời nhắc nhở rằng: Mặc dù nghề đi biển hiện nay được hỗ trợ bằng nhiều phương tiện hiện đại nhưng nếu gặp thời tiết phức tạp, thông tin gián đoạn thì việc vận dụng kiến thức truyền thống là cần thiết để hạn chế rủi ro. Kiến thức dân gian được đúc kết qua nhiều đời giúp dự báo biển vẫn luôn là người bạn đồng hành sinh tử trong những chuyến ra khơi của ngư dân.

Với khả năng “đã vươn khơi chắc chắn cá đầy khoang trở về”, lão ngư Lê My không chỉ làm giàu cho bản thân và bạn thuyền mà còn có vinh dự nhiều lần được tham gia Đại hội Người nông dân sản xuất giỏi do Trung ương tổ chức. Nhìn lại cả cuộc đời mình, ông cho biết, ngày trước đi biển không có bản đồ, hải bàn hay máy định vị. Ngư dân phải dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm và sự phán đoán của bản thân. Bằng cách quan sát bầu trời, hướng gió, màu nước biển mà đoán tình hình thời tiết và quyết định ra khơi. Nếu bầu trời xuất hiện những “mống” mây đỏ, cong vòng như chiếc sừng trâu thì có lẽ trời sẽ đổ mưa.

Tuy nhiên, nếu mống mây tụ lại làm thành quầng bao quanh mặt trời lại là điềm báo của hạn hán dài ngày. Nếu trời có ráng mỡ vàng ruộm, mặt biển phẳng lặng, hiền hòa tức là sắp có bão lớn như ông cha đã căn dặn: “Ráng mỡ vàng, ai có nhà thì chống”. Khi đang lênh đênh ngoài khơi, nếu thấy mặt biển đột ngột đùn từng đợt sóng, gió đẩy thuyền lướt nhanh, ráng đỏ một vùng trời, mây thấp vùn vụt đổi màu đỏ đậm… thì ngư dân phải tìm đến bờ gần nhất để cập bến, trú bão.

Cũng theo lời kể của ông Lê My, không có la bàn, người đi biển ngày trước chọn cách hướng theo sao Mai để đi về phía đông và sao Cá Liệt để dẫn tàu về hướng nam. Giữa biển khơi vẫn có thể nhìn lớp sóng để biết đang ở vùng nào của biển. Màu nước biển sạm thì tức tàu đang ở ngoài khơi, cách bờ từ 30 đến 50 hải lý, nếu nước có màu bàng bạc thì tàu chỉ cách bờ từ 5 đến 10 hải lý.

Khi sóng biển lăn tăn lúc nhỏ, lúc to tức là sóng đã vướng bờ. Vào ban đêm, nhìn con nước nếu nổi “ngời” sáng, lấp lánh tựa sao rải đều mặt biển hoặc đàn đom đóm đang chớp tắt liên hồi, gió nhẹ thì đây là thời tiết thuận lợi nhất cho việc vươn khơi. Tuy nhiên, khi kéo lưới thấy vẩn đục, nhiều bùn, rêu vướng ở mắt lưới, nước biển đang bình thường lại đột ngột chảy xiết là dự báo cho thời tiết diễn biến bất thường, nhiều khả năng trời sắp có bão và phải thu lưới cập bờ ngay.

Một trong những ký ức tuổi thơ mà trí nhớ có thể ghi lại đến tận hôm nay đối với ông Nguyễn Văn Tài (Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, người có 35 năm gắn bó với biển) là câu ca dao: “Đời ông cho chí đời cha/Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa” hay “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/Sóng gầm Non Nước, mưa sa Vũng Thùng”.

Những câu ca dao này trở thành lời dặn trong vô thức giúp ông hiểu rằng, mây phủ Sơn Trà là điềm báo bão, tuyệt đối không được vươn khơi trong những ngày sắp đến. Ngay từ nhỏ, ông còn được cha và ông nội mình dạy cách lắng nghe biển. Nếu trời chuyển, sóng biển về đêm sẽ reo lên những tiếng thanh trong, nhẹ tựa chuông gió. Trời có thể có mưa nhưng chắc chắn không có bão và ngư dân có thể yên tâm cá về đầy khoang. Ngược lại, nếu sóng gầm gừ đầy đe dọa thì đó là điềm báo trời chuyển gió, có mưa lớn và rất có thể bão đang theo sau.

Khẳng định những kinh nghiệm về việc đi biển, dự báo bão truyền lại từ thế hệ cha ông chưa bao giờ mất đi giá trị, lão ngư Trương Văn Trung (76 tuổi, quận Thanh Khê) cho rằng, bất kỳ nghề nghiệp nào cũng phải có tình yêu mới có thể gắn bó lâu dài. Nhưng với nghề “hồn treo cột buồm” thì tình yêu là chưa đủ. Biển cả giống như cô gái đỏng đảnh và khó chiều. Đôi khi cái hiền hòa, lặng lẽ trên mặt nước là sự ngụy trang cho những cuồng phong, bão táp theo sau.

Người đi biển phải hiểu rõ tâm tính của “cô gái” hào phóng nhưng trái tính này để có cách đối xử phù hợp. Nếu không, cái giá mà họ phải trả không chỉ là chi phí cho cả chuyến đi mà còn là tính mạng của bản thân và bạn thuyền. Để giảm thiểu tối đa rủi ro đối với nghề cá – nghề phụ thuộc vào tự nhiên, trước những chuyến đi biển dài ngày, ngư dân phải quan sát sắc trời, sắc nước chứ không chỉ dựa một cách thụ động vào dự báo của các phương tiện thông tin hiện đại

. “Kết hợp giữa tri thức dân gian cùng với tiến bộ khoa học là điều cần thiết để đối phó với biến đổi khí hậu, để chủ động trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chủ động trong phòng chống thiên tai”, ông Trung căn dặn thế hệ đi biển hôm nay.

Bão tại miền Trung phần lớn tập trung vào tháng Mười, điều này được đúc kết trong câu ca dao: “Con ơi nhớ lấy lời cha/ Mồng Năm tháng Chín thật là bão rươi/ Bao giờ cho hết tháng Mười/ Thì con ra lộng vào khơi mặc lòng”; hay: “Thương anh biết lấy chi đưa/ Đôi dòng nước mắt như mưa tháng Mười”.

Ngoài ra còn có rất nhiều câu ca dao giúp dự đoán thời tiết như: “Bạn chài, thợ lái bảo nhau/ Mống đông chớp lạch quay mau về nhà”; hay “Đông rắc tía tía màu hồng/ Gọi con thủ thỉ bảo chồng nhỏ to/ Nhà em tìm kiếm cây to/ Chống nhà tránh bão đỡ lo sau này”; hay “Chiều chiều mưa phủ Sơn Trà/ Sóng xô Cửa Đại trời đà chuyển mưa”; hay “Dù là cỏ chỉ, cỏ gà/ Đang xanh hóa trắng ắt là có mưa”.

Quan sát loài kiến – loại côn trùng sợ nước sống ở dưới đất, trên các cành cây, trong khe đá, cửa tường nên khi độ ẩm không khí thay đổi, trời có khả năng mưa kiến sẽ di cư để lánh nạn, đặc biệt loài kiến đen, kiến lửa, kiến mối. Nếu kiến đen tha trứng, tha mồi chạy từ thấp lên cao hay kiến cánh vỡ tổ bay khắp nơi tức là trời sắp mưa. Dựa vào hiện tượng này, ông cha ta đúc kết quy luật qua câu ca dao: “Kiến đen tha trứng lên cao/ Thế nào cũng có mưa rào rất to/ Kiến bò từ dưới lên cao/ Mang theo cơm gạo gây nên mưa rào/ Đường đi kiến đắp thành bờ/Chẳng mưa thì gió còn ngờ vực chi/ Kiến cánh vỡ tổ bay ra/ Bão táp mưa sa tới gần”; hay “Kiến đắp thành thì bão/ Kiến ẵm con chạy thì mưa”.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.